Quy định việc thiết kế mẫu tiền, quản lý in, đúc tiền Việt Nam
- Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2014 | 2:21:39 PM
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 37/2014/TT-NHNN quy định việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam.
Tiền mệnh giá 500.000 đồng
|
Thông tư này được ban hành nhằm bổ sung một số quy định mới để phù hợp với Nghị định số 40/2012/NĐ-CP về nghiệp vụ phát hành tiền, bảo quản, vận chuvển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Nhà máy in tiền Quốc gia.
Thiết kế tiền đảm bảo độ bền, chống giả cao
Thông tư quy định, căn cứ vào chủ trương thiết kế mẫu tiền đã được Thống đốc phê duyệt, Cục Phát hành và Kho quỹ nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết kế mẫu tiền trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đề án thiết kế mẫu tiền phải xác định các nội dung: cơ cấu mệnh giá, kích thước, màu sắc, chất liệu, trọng lượng, chủ đề, kỹ thuật bảo an; công nghệ sản xuất; các yêu cầu kỹ thuật khác; kinh phí và việc tổ chức thực hiện Đề án.
Thống đốc phê duyệt Đề án thiết kế mẫu nghiên cứu, mẫu dự phòng. Đối với Đề án thiết kế mẫu tiền mới, Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mẫu thiết kế đồng tiền phải đáp ứng yêu cầu: có tính thẩm mỹ cao, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo độ bền, khả năng chống giả cao và phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới. Đồng thời, dễ nhận biết các mệnh giá và tính xác thực của đồng tiền; thuận tiện trong sử dụng, bảo quản và kiểm đếm, kiểm tra tiền thật, tiền giả, phân loại tiền bằng máy; phù hợp với vật liệu in, đúc tiền; công nghệ chế bản, in, đúc tiền; trang thiết bị của cơ sở in, đúc tiền.
Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc in, đúc tiền
Việc in, đúc tiền tại cơ sở in, đúc tiền được thực hiện trên cơ sở hợp đồng in, đúc tiền được ký giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ sở in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền; mẫu in chuẩn đa hình (đối với tiền giấy) và mẫu đúc chuẩn đơn hình (đối với tiền kim loại); tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại tiền đã được phê duyệt.
Thông tư cũng quy định, trường hợp in, đúc tiền ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc lựa chọn cơ sở in, đúc tiền nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo chất lượng đồng tiền và an ninh, an toàn trong quá trình in, đúc tiền.
Việc in, đúc tiền của cơ sở in, đúc tiền chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trước khi cơ sở in, đúc tiền giao sản phẩm cho Ngân hàng Nhà nước, Cục Phát hành và Kho quỹ có trách hiệm kiểm tra chất lượng đồng tiền theo phương pháp chọn mẫu và kết quả phải được thể hiện bằng văn bản. Tiêu chuẩn kiểm tra đối với chất lượng tiền mới in, đúc do Thống đốc quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/1/2015 và thay thế Thông tư số 23/2009/TT-NHNN.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Theo quy định mới, từ ngày 1-7-2015, các doanh nghiệp vận tải không được sử dụng xe khách giường nằm hai tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi.
Ban Chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.
Khung giá đất tối đa ở thành phố là 162 triệu đồng /m2; Người Việt Nam ở nước ngoài được tạo thuận lợi trong đăng ký xác định quốc tịch; Gia hạn đổi giấy phép lái xe ô tô thêm 1 năm; Hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện... là những quy định sẽ có hiệu lực từ ngày mai, 1/12.
Ban Chỉ đạo PCLBTW-Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.