Hỗ trợ thí điểm đầu thu truyền hình số mặt đất
- Cập nhật: Thứ ba, 28/7/2015 | 2:28:20 PM
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BTTTT-BTC, hướng dẫn hỗ trợ thí điểm đầu thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và 4 huyện Bắc Quảng Nam theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/9/2015.
Ảnh minh họa.
|
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất (STB) là các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo, cận nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực thực hiện hỗ trợ STB là Thành phố Đà Nẵng và 4 huyện Bắc Quảng Nam (thành phố Hội An, huyện Điện Bàn, huyện Đại Lộc và huyện Duy Xuyên).
Để được hỗ trợ STB, các hộ phải đáp ứng điều kiện: Có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến ngày 31/12/2014 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đang sử dụng máy thu hình công nghệ tương tự chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2, chưa có đầu thu truyền hình số DVB-T2, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV trong thời gian triển khai hỗ trợ; có đơn đề nghị nhận hỗ trợ và cam kết không bán, cho, tặng STB được hỗ trợ.
Việc hỗ trợ được thực hiện theo hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ một lần bằng hiện vật là 01 STB kèm theo ăng ten thu phù hợp cùng với dây cáp nối có độ dài tối đa 15 mét (đối với chế độ thu ngoài trời) và được bảo hành 12 tháng, tính từ ngày hộ gia đình nhận bàn giao STB.
Quỹ dịch vụ công ích sử dụng nguồn kinh phí còn lại sau khi thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010, để tổ chức mua và lắp đặt STB cho các đối tượng được hỗ trợ; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ thí điểm STB của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngân sách địa phương chi thực hiện các công việc phục vụ triển khai, kiểm tra, giám sát hỗ trợ STB tại địa phương (công tác phí, xăng dầu, văn phòng phẩm và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ này). Ngoài ra, tùy theo khả năng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, địa phương quyết định hỗ trợ STB đối với hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn hộ nghèo, cận nghèo của địa phương và các đối tượng khác.
Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau: 1. Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống. 2. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống. 3. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. 4. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. |
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
Nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung 11 điều của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 31 quy định về nội dung, quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị.