Quy định mới hướng dẫn Luật Phòng, chống mua bán người
- Cập nhật: Thứ tư, 6/3/2013 | 2:32:52 PM
YBĐT - Ngày 11/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người (MBN).
Nghị định gồm 5 chương, 29 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống MBN về cơ sở hỗ trợ nạn nhân; chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân; trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác hỗ trợ nạn nhân. Theo đó:
1. Về cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung gia hạn giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân:
Theo quy định tại điều 4 của Nghị định, để thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì cần đáp ứng 4 điều kiện: có trụ sở làm việc ổn định, thuận tiện giao thông; diện tích đất tự nhiên tối thiểu 15m2/nạn nhân, diện tích phòng ở bình quân 5m2/nạn nhân; có trang thiết bị, phương tiện phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; có ít nhất 5 nhân viên, trong đó có 2 nhân viên có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành công tác xã hội.
Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung gia hạn giấy phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi cơ sở hỗ trợ nạn nhân dự kiến đặt trụ sở.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập bao gồm: văn bản đề nghị cấp giấy phép thành lập; đề án thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu cơ sở hỗ trợ nạn nhân; các giấy tờ khác có liên quan chứng minh đủ các điều kiện thành lập.
Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp không được cấp giấy phép thành lập là: tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập theo quy định tại điều 4 của Nghị định này hoặc việc thành lập cơ sở gây phương hại đến an ninh quốc gia hoặc lợi dụng việc thành lập cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc hồ sơ không hợp lệ.
2. Về tổ chức hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân:
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân được thành lập, tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự trang trải kinh phí, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân có quyền hạn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân; quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho nạn nhân; được tuyển dụng lao động làm việc tại cơ sở và được huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Bên cạnh các quyền hạn đó, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm hoạt động theo đúng nội dung, phạm vi ghi trong giấy phép thành lập; thông báo hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân; báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động của cơ sở với sở lao động, thương binh và xã hội.
3. Về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ với nạn nhân:
Chế độ hỗ trợ cho nạn nhân gồm chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; hỗ trợ vay vốn.
Đối tượng hỗ trợ gồm nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; người trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân theo quy định tại điều 24 và 25 Luật Phòng, chống MBN; người chưa thành niên đi cùng nạn nhân được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân (tối đa không quá 60 ngày); hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết (2 bộ quần áo dài, 2 bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng…).
Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn. Nếu nạn nhân là người chưa thành niên thì phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tự mình hoặc phối hợp với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội đưa nạn nhân về nơi người thân thích cư trú.
Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ nạn nhân. Theo đó, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về hỗ trợ nạn nhân; hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định.
Chỉ đạo thực hiện công tác hỗ trợ cho nạn nhân trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân theo quy định tại nghị định này. Tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập; quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất công tác hỗ trợ nạn nhân theo quy định.
Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013.
Hoàng Anh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 20/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 14/2013/QĐ-TTg quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có Công điện đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đảm bảo nguồn cung hàng hóa; chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo trật tự an ninh… trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Người khai hải quan điện tử được thực hiện khai hải quan điện tử 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần và nhận thông tin phản hồi của cơ quan Hải quan trực tiếp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (TDP).