Malaysia, Việt Nam tìm kiếm chiếc máy bay chở 239 người

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/3/2014 | 7:31:42 PM

Ngày 8/3, Malaysia và Việt Nam đang mở các chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu, giữ lúc lo ngại ngày càng gia tăng về số phận của 239 người trên máy bay.

Máy bay của Malaysia Airlines (Ảnh chỉ có tính minh họa).
Máy bay của Malaysia Airlines (Ảnh chỉ có tính minh họa).

Thông báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết bộ này đã xúc tiến nỗ lực cứu hộ để tìm chiếc máy bay, phối hợp với giới chức Malaysia và Trung Quốc.
 
Trong khi đó, Faridah Shuib, nữ phát ngôn cơ quan quản lý hàng hải Malaysia cho biết phía Malaysia đã cử 1 máy bay, 2 trực thăng và 4 tàu thủy tìm kiếm các vùng biển phía đông ở Biển Đông.
 
Philippines cũng nói sẽ cử 3 tàu tuần tra hải quân và một máy bay giám sát để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ.
 
Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết chiếc máy bay bang mã hiệu MH370 bị mất liên lạc gần không phận Việt Nam.
 
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút thì mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar. Hiện chưa xác định chính xác được vị trí máy bay.
 
Chiếc máy bay dân dụng Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh lúc 16 giờ 42 phút (giờ GMT) ngày 7/3, dự kiến chuyển giao cho FIR Hồ Chí Minh lúc 17 giờ 22 phút (giờ GMT) cùng ngày.
 
Khi máy bay mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao.
 
Khu vực máy bay mất tín hiệu lần cuối cùng lúc chuẩn bị chuyển giao là không phận gần tỉnh Cà Mau.

Malaysia Airlines vốn có thành tích bay an toàn. Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1977, khi 93 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn tử nạn trong một vụ cướp máy bay và sau đó bị tai nạn ở miền nam nước này Malaysia.
 
Phi công điều khiến chuyến bay MH370 là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, đã làm việc cho hãng từ năm 1981.

* Liên quan đến chiếc máy bay Boeing B777-200, số hiệu chuyến bay MAS370 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur (Malaysia) lúc 23 giờ 42 phút ngày 7-3 (theo giờ Việt Nam) và là 16 giờ 42 phút theo UTC) trong hành trình đến sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) chiếc máy bay trên bị mất liên lạc. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, Cục hàng không Việt Nam cho biết, chuyến bay MAS370 dự kiến tới IGARI (điểm chuyển giao giữa ACC Kuala Lumpur và ACC Hồ chí Minh- ACC là trung tâm kiểm soát đường dài) vào lúc 17 giờ 22 phút giờ UTC ( giờ quốc tế). Điểm này không nằm trong FIR Hồ Chí Minh (vùng thông báo bay của Việt Nam).

Tuy nhiên đến 17 giờ 22 phút UTC (giờ dự định máy bay qua điểm chuyển giao kiểm soát) ACC Hồ Chí Minh chủ động thiết lập liên lạc với chiếc máy bay có số hiệu MAS370 nhưng không được. ACC Hồ Chí Minh đã thông báo lại với ACC Kuala Lumpur về việc trên. Sau nhiều nỗ lực ACC Hồ Chí Minh và các cơ quan điều hành bay có liên quan cũng như các máy bay trong khu vực trách nhiệm vẫn không thiết lập liên lạc được với máy bay số hiệu MAS370.

ACC Hồ Chí Minh thực hiện mọi hành động thông báo và báo động cho tất cả các cơ quan có liên quan theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Vị trí lần cuối trên màn hình Radar: 10NM phía Nam điểm IGARY trong FIR Singapore. Vị trí cuối cùng: tọa độ 06055’19”N - 103034’28”E. Độ cao bay: F350. Tốc độ: 480KT. Tình trạng khẩn nguy: MẤT LIÊN LẠC, MẤT TÍN HIỆU TRÊN MÀN HÌNH RADAR.

Ngay sau khi mất tín hiệu liên lạc của chuyến bay MAS370, ACC Hồ Chí Minh đã thông báo ngay với ACC Singapore và ACC Kuala-Lumpur về việc không có tín hiệu liên lạc và tín hiệu Radar của chiếc máy bay này; đồng thời Công ty Quản lý bay miền Nam đã liên lạc ngay với Nhà khai thác máy bay của Malaysia và các cơ quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay; đã thông báo ngay với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khẩn nguy quốc gia báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để làm thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không; đưa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào cấp; Sở chỉ huy đã triển khai công tác hiệp đồng đến tất cả các bên liên quan của Hàng không dân dụng, Hàng hải và Quân sự Việt Nam, hàng không dân dụng của Malaysia và Singapore thực hiện các thủ tục thông báo hàng không; Sở chỉ huy đã báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Quân chủng phòng không không quân để làm thủ tục cho máy bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và Singapore phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn; Sở chỉ huy đã tổ chức xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn, lập Kế hoạch và Phương án bay tìm kiếm cứu nạn và báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia để điều động máy bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam tham gia tìm kiếm; Thường xuyên hiệp đồng với các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và Singapore; Phối hợp thực hiện các yêu cầu liên quan của bạn; ba máy bay tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và một máy bay C130 của Singapore đã cất cánh, khoảng 12h30 – 13h00 (giờ địa phương) vào khu vực tìm kiếm cứu nạn. Máy bay quân sự của Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Giao thông vận tải, các lực lượng của Quân chủng Phòng không không quân, Quân chủng Hải quân và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng FIR Hồ Chí Minh và FIR Kuala Lumpur nơi máy bay mất liên lạc và kiểm soát radar.

Một máy bay AN26 của Quân chủng Phòng không không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm lúc 14 giờ 30 phút chiều 8-3. Một máy bay AN26 chuẩn bị cất cánh. Tàu Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải đang tiếp cận khu vực tìm kiếm. Bảy máy bay AN26, trực thăng MI171 và chín tàu Hải quân chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi phát hiện vị trí lâm nạn. Ngoài ra, đã triển khai thông báo cho tất cả các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này cung cấp thông tin và tham gia ứng cứu cho máy bay lâm nạn.

Thông cáo báo chí của Bộ Giao thông vận tải về chuyến bay MAS 370-B772 ngày 08/3/2014 và công tác tìm kiếm cứu nạn

1. Loại tàu bay: B777-200 Chuyến bay: MAS370
2. Hãng HK: Malaysia Quốc tịch đăng ký: Malaysia
3. Hành trình: Kuala Lumpur - Bắc Kinh
4. Đường hàng không: R208
5. Điểm dự kiến chuyển giao kiểm soát với ACCHCM:IGARY
6. Cất cánh từ Kuala Lumpur: lúc 23h42’ giờ Hà Nội (16h42 UTC)
7. Thông tin điều hành bay:
- Chuyến bay MAS370 - B772, lộ trình WMKK - R208 - IGARI - M765 - ZBAA (Kuala Lumpur - Bejing) dự kiến tới IGARI 17h22 UTC, FL350 (điểm chuyển giao giữa ACC Kuala Lumpur và ACC Hồ Chí Minh).

* Một người đàn ông họ Vương đã may mắn trở về Bắc Kinh an toàn khi ông quyết định đổi chuyển bay thay vì đi cùng với người bạn, cùng đi du lịch Malaysia, trên chiếc máy bay bị mất tích của hãng Malaysia Airlines. 

Khi máy bay của ông Vương hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh thì ông nhận được thông báo về chuyến bay MH370 mà bạn ông đã đi. Ông Vương cho biết, vốn cũng định đi cùng chuyến máy bay này nhưng cuối cùng ông đã đổi chuyến bay khác. 

 Danh sách công dân các nước và vùng lãnh thổ có mặt trên chuyến bay MH370 của hãng  Malaysia Airlines:

Trung Quốc - 153, (bao gồm 1 trẻ sơ sinh)

Malaysia - 38

Indonesia - 12

Australia - 7

Pháp -3

Mỹ- 4 (bao gồm 1 trẻ sơ sinh)

New Zealand - 2

Ukraine - 2

Canada - 2

Nga - 1

Italy - 1

Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)- 1

Hà Lan - 1

Áo – 1

(Theo TTXVN - NDĐT - SGGP)

Các tin khác
Tàu chiến tên lửa USS Taylor vẫn đang có mặt ở biển Đen.

Ngày 7-3, Quốc hội Nga tuyên bố sẽ tôn trọng “quyết định lịch sử” của Crimea khi người dân khu tự trị này đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc tái nhập nước Nga.

Các nguyên thủ EU tại cuộc họp khẩn cấp hôm 6-3.

Sau cuộc họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) ngày 6-3, các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo ba bước trừng phạt với Nga nếu nước này vẫn từ chối đàm phán trực tiếp cùng chính phủ lâm thời Ukraine.

Lễ hội carnival ở Oruro thu hút hàng trăm nghìn người xuống đường.

Trong mùa lễ hội carnival ở Bolivia, 70 người đã thiệt mạng, chủ yếu vì tai nạn giao thông, nhưng ít nhất 15 người bị sát hại, Hãng tin AFP dẫn lời chính phủ nước này ngày 5-3.

Đại diện đảng CPP Prum Sokha (bên trái) và đảng CNRP công bố thành lập ủy ban hỗn hợp tiến hành cải cách cơ chế bầu cử Campuchia hôm 18/2.

Ngày 6/3, đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại Campuchia Surya P. Subedi đã hoan nghênh thỏa thuận 5 điểm vừa đạt được giữa 2 đảng phái chính trị chính của Campuchia nhằm khởi động tiến trình cải cách bầu cử tại quốc gia này hướng tới một tiến trình minh bạch, đảm bảo quyền tự do bày tỏ và tụ tập lớn hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục