Hồ sơ Panama có thể thay đổi cục diện bầu cử Mỹ

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2016 | 7:58:00 AM

Giới quan sát cho rằng, dù không tên tuổi lớn nào của Mỹ bị bêu tên trong Hồ sơ Panama, nhưng tác động của vụ lộ mật lịch sử này có thể thay đổi lợi thế của các ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu hiện nay.

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton.

Các chuyên gia cho rằng, vụ 11,5 triệu giấy tờ tài chính của hãng luật Mossack Fonseca trụ sở tại Panama phơi bày cách giới siêu giàu đưa tiền ra các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài không gây ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, quy mô của vụ việc làm sống dậy trận bão giận dữ của người dân và đưa vấn đề công bằng trong đóng thuế trở lại chương trình nghị sự. Giới phân tích cho rằng, Hồ sơ Panama có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và nếu có thêm thông tin được tiết lộ về vấn đề tài chính của các lãnh đạo thế giới thì tác động của nó lên chính trị toàn cầu sẽ cực kỳ lớn.

Đợt bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ nổi lên cơn bất bình trước mức độ giàu có của giới thượng lưu toàn cầu. Vụ bê bối mang tên Hồ sơ Panama sẽ càng khiến sự phẫn nộ của dân chúng Mỹ đối với chính quyền tăng lên khi không giải quyết được tình trạng này. Tên tuổi của ít nhất 200 người Mỹ có trong số tài liệu này, cho dù không ai trong số họ nổi tiếng như các ngôi sao thể thao, màn bạc hay lãnh đạo thế giới. Dẫu vậy, các ứng viên chạy đua vị trí tổng thống Mỹ sẽ bị chất vấn về vụ việc. Và giới quan sát cho rằng, không ai chịu áp lực nhiều hơn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Đối với một số người Mỹ, bà Clinton là hiện thân của giới “thượng lưu toàn cầu”, còn đối thủ Bernie Sanders thì ngược lại, báo Anh Independent viết.

Trong khi dư luận tại nhiều nơi, đặc biệt là Iceland, sôi sục vì vụ lộ mật, khiến Thủ tướng phải từ chức sau khi bị nghi trốn thuế, dư luận Mỹ tương đối lặng lẽ. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, Hồ sơ Panama tiếp thêm dầu cho cơn giận dữ của phe ủng hộ ông Sanders khi họ cảm thấy chỉ làm việc chăm chỉ là không đủ để vươn lên trong xã hội Mỹ. Tài liệu rò rỉ cũng gia tăng cơn giận của phe ủng hộ ứng viên tổng thống Donald Trump khi họ tuyên bố sẽ tôn ai đó hiểu về hệ thống ngầm lên nhằm phá hủy hệ thống này.

Vụ lộ mật kỷ lục phơi bày thực tế nhiều chính phủ cố ý phớt lờ hoạt động tránh thuế của giới nhà giàu. Dù bà Clinton không liên quan bất kỳ hành vi sai trái nào trong vụ rò rỉ, nhưng một số người vẫn có cảm giác bà thuộc giới thượng lưu giàu có. Theo họ, bà Clinton nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại Panama, trong khi ông Sanders phản đối vì cho rằng thỏa thuận đó sẽ làm hạn chế khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đáng ngờ, thậm chí bất hợp pháp. Dù sau này tên của bà Clinton không dính dáng đến những vụ rò rỉ tài liệu trốn, tránh thuế trong tương lai, ông Sanders có thể vẫn sẽ tiếp tục tấn công vào khía cạnh này.

Theo giới quan sát, những cử tri Mỹ vốn chưa nghiêng về ứng viên nào có khả năng sẽ ủng hộ ông Sanders trong đợt bầu sử sơ bộ quan trọng sắp tới, bao gồm bầu cử ở New York. Trong cuộc tổng tuyển cử, quá khứ tránh thuế của ứng viên Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa có khả năng sẽ đẩy tỷ phú này vào bể nước sôi, trong khi hồ sơ của ông Sanders được đánh giá là trong sạch. Ông Sanders là ứng viên duy nhất từng phát biểu mạnh mẽ về lượng tài sản mà 1% dân số đang nắm giữ so với 99% còn lại. Nếu được đại diện cho đảng Dân chủ, ông Sanders được đánh giá là sẽ đánh bại được tỷ phú Trump từ khía cạnh này.

“Những việc như thế này chỉ làm sinh động hơn quan điểm của ông ấy”, hãng tin AP dẫn lời ông Charles Postel, một giáo sư (GS) sử học tại Đaaij học San Francisco, tác giả cuốn sách về chủ nghĩa dân túy Mỹ mang tên “Quan điểm dân túy”, nói về ông Sanders. GS Postel cho rằng, tỷ phú Trump “mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hơn”. “Vấn đề của ông ấy không phải là người giàu đang bất tuân quy định. Mà là chúng ta cần những người mạnh mẽ để bảo vệ dân Mỹ”, ông Postel nói.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, tỷ phú Trump thậm chí còn giành được nhiều điểm hơn từ những người ủng hộ nếu tên ông ấy được nêu lên cùng những người giàu có và nổi tiếng trong Hồ sơ Panama. “Nếu Trump nói: “Dĩ nhiên, tôi gửi một nửa tiền của tôi sang quần đảo Virgin”, sẽ không ai trong số những người ủng hộ ông ấy phản đối điều này. Họ sẽ nói: “Chắc chắn, ông ấy là một tỷ phú. Nếu tôi là một tỷ phú, tôi cũng sẽ không đóng thuế”, GS Postel nói.

Giới phân tích cho rằng, đây không chỉ là cuộc chiến giữa các ứng viên Mỹ, mà là trận chiến của ý tưởng. Toàn cầu hóa đã giúp những người giàu nhất trong xã hội càng thêm mạnh, trong khi người lao động bình thường bị tụt lại nhiều thập kỷ qua.

(Theo TPO)

Các tin khác
Thượng viện Mỹ.

Ngày 5/4, với tỷ lệ 87 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Bảo vệ bí mật thương mại (S.1890) và chuyển sang Hạ viện để bỏ phiếu.

Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng sau vụ rò rỉ

Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson hôm qua 5/4 đã từ chức trong bối cảnh các làn sóng sóng biểu tình phản đối lan rộng sau khi tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy những khoản đầu tư mờ ám của ông ở nước ngoài.

Mossack Fonseca bị cho là vô tình giúp nhiều người giàu trốn thuế, tội phạm rửa tiền, quan chức nước này tránh lệnh trừng phạt của nước khác.

Điện Kremlin hôm qua tuyên bố, họ là mục tiêu của một âm mưu nhằm khiến Nga bất ổn sau khi một số người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin bị nêu tên trong vụ rò rỉ thông tin tài chính lớn nhất từ trước tới nay.

Quân đội Mỹ xác nhận đã tiêu diệt được Abu Firas al-Suri, thủ lĩnh khét tiếng của nhóm Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục