Từ nay cho đến khi diễn ra bầu cử Quốc hội tại Afghanistan, tức ngày 20/10 tới, phiến quân Taliban tuyên bố sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công trên toàn quốc nhằm vào lực lượng chính phủ để ngăn cản cuộc bầu cử, vốn đã bị trì hoãn từ lâu này, có thể diễn ra.
Cùng với lời kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu, phiến quân Taliban hôm qua cũng đã bác bỏ luôn khả năng trở lại bàn đàm phán với chính phủ quốc gia Nam Á này, dưới sự dẫn dắt của Mỹ.
Với dân số hơn 34 triệu dân, song ước tính sẽ chỉ có khoảng 9 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Afghanistan vào ngày 20/10 tới, để bầu ra 249 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp với nhiệm kỳ 5 năm.
Theo giới chức an ninh nước này, có khoảng 54.000 binh sĩ sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Tuy nhiên, người phát ngôn lực lượng phiến quân Taliban Zabihullah Mujahid ngày 8/10 tuyên bố, những người bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử này sẽ là mục tiêu tấn công của họ từ nay đến ngày 20/10 tới, thậm chí là cả sau đó.
Cảnh báo của Taliban đi kèm luôn theo hành động. Từ nhiều ngày qua, các vụ tấn công có quy mô của Taliban cũng đã diễn ra. Gần đây nhất, ngày 7/10, Taliban đã phóng hỏa, tấn công sở cảnh sát ở huyện Sayeed Abad thuộc tỉnh Wardak, giết hại 10 cảnh sát, trong đó có cảnh sát trưởng của huyện này.
Các tay súng Taliban sau đó tiếp tục lùng sục vào một số nhà dân, phá hủy một số chốt an ninh mới dựng và cắt điện một số khu vực trong thành phố.
Nhiều sĩ quan cảnh sát đã tỏ ra lo ngại trước cuộc tấn công của Taliban: "Các lực lượng chính phủ, đặc biệt là cảnh sát, đã phải chịu đựng rất nhiều từ hậu quả của cuộc chiến. Chúng tôi đến đây để giúp đỡ những người đồng nghiệp nhưng chính quyền huyện đã bị kiểm soát bởi những người nổi dậy. Nếu chính phủ không hỗ trợ quân đội và cảnh sát, chúng tôi sẽ phục vụ chính phủ này như thế nào?”.
Bên cạnh đó, nhiều vụ đánh bom khủng bố đã xảy ra tại một số điểm vận động tranh cử quốc hội trong những tháng qua. Nhiều người dân đã tỏ ra thất vọng trước sự thất bại của chính phủ trong việc đảm bảo an ninh cho bầu cử.
"Chúng tôi muốn chính phủ cung cấp an ninh cho cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng, các ứng cử viên Nghị sĩ quốc hội không nên tổ chức vận động tranh cử khi họ không thể đảm bảo an ninh cho những người tham gia. Nếu không, hậu quả là rất nhiều người vô tội sẽ thiệt mạng” - một người dân Afghanistan cho biết.
Cùng với tuyên bố đẩy mạnh các cuộc tấn công, Taliban đã kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử khi cho rằng các cuộc bầu cử được lên kế hoạch là một âm mưu của Mỹ để "hợp thức hóa” sự hiện diện của quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh tại Afghanistan.
Người phát ngôn Taliban Mujahid cho rằng, mọi người dân nước này đang bị đánh lừa về quyền tự do với một âm mưu "nguy hiểm” của Mỹ. Theo phiến quân Taliban, giải pháp "duy nhất” để kết thúc cuộc chiến kéo dài 17 năm qua tại Afghanistan là các lực lượng nước ngoài phải rút ra khỏi nước này.
Tuyên bố cứng rắn từ phía Taliban được đưa ra đúng thời điểm Phái viên đặc biệt của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã tới thủ đô Kabul trong một nỗ lực tìm cách để đưa Taliban trở lại bàn đàm phán. Hai ngày qua, ông Khalilzad đã có nhiều cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và giới lãnh đạo quốc gia này.
Theo kế hoạch, sau Afghanistan, phái viên Mỹ sẽ tiếp tục tới thăm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Pakistan và Qatar, là những quốc gia có ảnh hưởng tới tình hình Afghanistan, để tìm cách giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, với tuyên bố mới nhất của mình, Taliban một lần nữa bác bỏ khả năng đàm phán với chính phủ Afghnistan theo sự dẫn dắt của Mỹ. Giới ngoại giao phương Tây nghi ngờ, liệu chính sách gia tăng áp lực lên Taliban của Mỹ, qua các cuộc không kích, có đang phát huy hiệu quả, khi tình hình quốc gia Nam Á này 17 năm qua vẫn không hề chuyển biến tích cực.
Mới đây, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev thậm chí còn nhận định rằng, năng lực quân sự của phong trào Hồi giáo Taliban ở A Afghanistan đang ngày càng gia tăng. Họ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn và có sự chuẩn bị kỹ càng nhằm vào thủ phủ các tỉnh trong cả nước.
Afghanistan từ lâu đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng này, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này, bao gồm cả Tổ chức hà nước Hồi giáo IS tự xưng.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, con số thương vong sẽ còn tiếp tục gia tăng khi mà một giải pháp chính trị cho vấn đề này vẫn chưa thể tìm ra.
(Theo VOV)