Cuộc khủng hoảng di cư kéo dài nhiều tháng ở phía đông Liên minh châu Âu (EU) đang leo thang khi hàng ngàn người dồn về biên giới Belarus - Ba Lan và bị đẩy lùi bằng hơi cay. Hàng trăm người đã dựng trại ở ngay đường biên giới giữa hai nước Belarus - Ba Lan, tìm cách chống chọi qua cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Tính mạng của họ rất mong manh vì nhiệt độ ở khu vực này trong mùa đông có thể xuống dưới 1 độ C.
Chị Ala Massini - Người di cư Syria cho biết: "Binh sỹ Belarus nói chúng tôi có hai lựa chọn, hoặc là đến Ba Lan hoặc là chết. Chúng tôi đến biên giới Ba Lan để tìm sự giúp đỡ của binh sĩ và muốn họ cho chúng tôi đi qua biên giới vì lũ trẻ đói, ốm và bị lạnh, nhưng họ nói chúng tôi trở về Syria".
Ước tính có tới 3.000 đến 4.000 người di cư tập trung gần biên giới hai nước và hơn 10.000 người khác đang ở nhiều khu vực của Belarus để chuẩn bị vượt biên. Sự hiện diện của quân đội từ cả hai phía đang gây ra lo ngại về nguy cơ đụng độ.
Ba Lan trước đó đã đóng cửa biên giới và điều 12.000 quân đến tới bảo vệ 416km đường biên giữa nước này với Belarus do lo ngại tình trạng di cư ồ ạt đe dọa sự ổn định và an ninh của toàn EU. Litva hôm qua cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus, theo đó các lực lượng biên phòng được phép sử dụng nhiều biện pháp an ninh để ngăn người di cư vào Litva và việc đi lại của người dân tại khu vực cũng bị hạn chế trong thời gian này.
Các nước khó tìm tiếng nói chung
Các cuộc khủng hoảng di cư trước đây ở châu Âu xảy ra khi số lượng người di cư trái phép đổ đến châu lục này quá lớn, khiến các nước không kịp xử lý. Còn lần này, số lượng ban đầu là vài trăm rồi tăng lên vài nghìn người, nhưng mức độ của khủng hoảng lại đang ở mức báo động. Vì nguồn cơn của nó cũng như việc khó tìm lời giải là do các bên đổ lỗi cho nhau vì các động cơ chính trị và không thể tìm được tiếng nói chung.
Số lượng người di cư từ Trung Đông và châu Phi, muốn vượt biên trái phép qua biên giới Litva và Ba Lan từ Belarus đã bắt đầu tăng mạnh từ mùa hè năm nay và được xem là quả bom hẹn giờ chờ bùng phát.
Tình hình trở nên căng thẳng và bắt đầu lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 vừa qua, khi có người di cư đầu tiên thiệt mạng do đụng độ ở biên giới Belarus-Litva. Không bên nào thừa nhận gây ra vụ việc, các cáo buộc lẫn nhau vẫn liên tiếp được đưa ra.
Ba Lan cùng các nước châu Âu khác cáo buộc Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU trừng phạt nước này hồi tháng 6 liên quan đến vấn đề nhân quyền. Về phần mình, Minsk luôn bác bỏ cáo buộc này. Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ, Ba Lan đang cố tình làm leo thang căng thẳng. Các bên dường như không thể tìm được tiếng nói chung.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: "Cần phải nhấn mạnh rằng, an ninh của Ba Lan và an ninh của khu vực biên giới phía Đông của EU đang bị xâm phạm một cách rất tàn bạo. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ trong 30 năm qua. An ninh và sự toàn vẹn biên giới của EU đang bị tấn công và thử thách".
Binh sĩ Ba Lan tại khu vực đường biên với Belarus
Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc tấn công hỗn hợp, tàn bạo nhằm vào biên giới EU. Hội đồng châu Âu đã lên án và quyết định đáp trả các cuộc tấn công này và chúng tôi yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất tất cả các biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp EU và các nghĩa vụ quốc tế".
Cộng đồng quốc tế nói gì?
Trước tình hình căng thẳng đang gia tăng, cộng đồng quốc tế lại có những phản ứng hoàn toàn trái ngược khiến sự việc dường như đi vào ngõ cụt.
Theo thông tin từ thư ký báo chí của Tổng thống Nga, nước này đánh giá tình hình ở biên giới Belarus và Ba Lan là đáng báo động, đòi hỏi hành động trách nhiệm từ tất cả các bên liên quan. Điện Kremlin cũng kêu gọi Minsk giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng lo ngại về những hình ảnh và báo cáo từ biên giới Ba Lan - Belarus và kêu gọi Chính phủ Belarus ngay lập tức ngừng chiến dịch cưỡng chế dòng di cư bất hợp pháp qua biên giới của mình. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington sẽ tiếp tục gây sức ép lên Minsk. Đồng thời Mỹ không có ý định áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt mới.
Liên Hợp Quốc đã liên lạc với chính phủ ở Warszawa và Minsk, kêu gọi một giải pháp khẩn cấp cho tình hình hiện nay.
(Theo VTV)