Vòng xoáy căng thẳng Nga – phương Tây
Tháng 11 chứng kiến hàng loạt căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Trong nhiều tuần qua, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin phải rút quân khỏi khu vực biên giới gần Ukraine, đồng thời tuyên bố, nếu Nga tiến hành bất kỳ động thái quân sự nào, nước này sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định với truyền thông Nga tuần trước rằng, "các hoạt động của lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ của chúng ta không gây ra mối lo ngại cho bất kỳ ai. Nga không đe dọa bất kỳ ai".
Trên khắp châu Âu, từ Biển Baltic tới Biển Đen, những nơi mà Moscow và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng trong hàng thập kỷ, mối đe dọa của một cuộc xung đột quân sự đang ngày càng gia tăng.
Tháng này, việc các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga liên tục tuần tra gần biên giới Ba Lan và tăng cường lực lượng quân sự "bất thường" ở phía tây nam đã khiến các quan chức tình báo Mỹ và châu Âu cảnh báo, điện Kremlin có thể đang chuẩn bị tấn công Ukraine.
Trong bài phát biểu ngày 18/11 trước các nhà ngoại giao Nga, Tổng thống Putin công khai tuyên bố Nga đang sử dụng quân sự để buộc phương Tây phải tôn trọng các lợi ích của Nga trong khu vực. Ông cũng cho rằng các nước phương Tây cuối cùng sẽ nhận ra rằng Nga nghiêm túc trong việc bảo vệ những "lằn ranh đỏ" liên quan đến sự hiện diện của các lực lượng NATO gần biên giới Nga.
"Những cảnh báo gần đây của chúng tôi đã được chú ý và có tác dụng nhất định. Dù sao thì căng thẳng đã gia tăng. Tuy nhiên, việc duy trì tình thế này là điều quan trọng để không ai có thể gây ra xung đột ở biên giới phía Tây của chúng tôi”, ông Putin nói.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gần 100.000 binh lính Nga đã tập trung dọc biên giới với nước này.
Cảnh báo mạnh mẽ nhất của Washington về sự tăng cường lực lượng của Nga là tuyên bố ngày 10/11 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Blinken đã dẫn ra "những bài báo đưa tin về hoạt động quân sự bất thường của Nga gần Ukraine" và cảnh báo sẽ chống lại "bất kỳ hành động hung hăng hoặc leo thang căng thẳng" từ phía Nga. Trao đổi với Ngoại trưởng Ukraine Kuleba, Ngoại trưởng Blinken khẳng định, cam kết của Mỹ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine "vững như bàn thạch", song tránh đề cập cụ thể đến việc Mỹ sẽ làm gì nếu xung đột nổ ra.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây càng thêm trầm trọng bởi cuộc khủng hoảng di cư giữa Belarus - một đồng minh thân cận của Nga với EU, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Phương Tây cáo buộc Nga trì hoãn cung cấp khí đốt để gây sức ép nhằm thông qua dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức.
"Tình hình khu vực rất đáng lo ngại vào thời điểm này", Asta Skaisgiryte, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Litva - một thành viên EU và NATO nhận định.
Lằn ranh đỏ không được vượt qua
Hiện nay, Tổng thống Putin vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ trên 60% trong những cuộc khảo sát độc lập, bất chấp việc Nga đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Đảng Nước Nga thống nhất của ông cũng tuyên bố chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua.
Tổng thống Putin đang yêu cầu tăng cường hiện đại hóa quân đội và phát triển các loại vũ khí hiện đại nhất từ trước đến nay, trong đó có những vũ khí như ngư lôi có khả năng hạt nhân và tên lửa siêu thanh tiên tiến. Nga cũng đang xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc khi ngày 19/11, hai nước vừa tiến hành tuần tra máy bay ném bom chiến lược chung ở Thái Bình Dương.
Cùng lúc đó, theo các nhà phân tích Nga, điện Kremlin đang ngày càng lo ngại về nguy cơ phương Tây sẽ mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Đông Âu, trong đó với Nga, việc Ukraine gia nhập NATO chính là một "lằn ranh đỏ".
Hồi tháng 9, điện Kremlin tuyên bố "sự mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ Ukraine" là một trong những động thái vượt qua những lằn ranh này. Trong những tuần gần đây, các hoạt động quân sự của Mỹ và các đồng minh ở Biển Đen gần Ukraine cũng khiến Nga đứng ngồi không yên.
Các học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington nhận định: "Điện Kremlin ngày càng củng cố quan điểm rằng, Ukraine giống như "một tàu sân bay của phương Tây" đỗ ở biên giới tây nam của Nga.
Bình luận về các động thái gần đây của Nga, nhà quan sát Anton Troianovski nhận định trên New York Times, Tổng thống Putin đang "lật bài ngửa" cho thấy Moscow sẵn sàng hành động để khiến phương Tây phải lắng nghe các yêu cầu của Nga.
Triển vọng Thượng đỉnh Nga – Mỹ
Để kiềm chế Nga, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tập hợp các đồng minh châu Âu, vốn gần với Ukraine hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin trong 2 tuần qua. Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã gặp người đồng cấp Ukraine ở Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cũng cho biết sẵn sàng cử quân đội tới Ukraine để hỗ trợ huấn luyện quân đội nước này.
Dù vậy, chính quyền Mỹ đang tiến hành những kế hoạch rất thận trọng với đồng minh giữa bối cảnh Nga tăng cường lực lượng dọc biên giới với Ukraine. Các quan chức Washington cũng không trao đổi cụ thể về việc họ sẽ phản ứng như thế nào. Ukraine không phải một thành viên NATO, vì thế, không có gì đảm bảo để Mỹ phải bảo vệ Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cho thấy sự không chắc chắn khi thừa nhận hôm 17/11 rằng: "Chúng tôi không biết chính xác Tổng thống Putin định làm gì".
Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ tìm kiếm mối quan hệ "ổn định và dễ đoán" với Nga, song cũng cam kết sẽ tiếp tục chống lại các hành động của Nga đi ngược với các lợi ích của Mỹ.
Nhà quan sát David Ignatius nhận định trên Washington Post rằng, chính quyền Tổng thống Biden đã đúng khi tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Nga. Tuy nhiên, căng thẳng liên quan đến Ukraine có lẽ là một lời nhắc nhở cho thấy những điều kiện mà hai bên còn thiếu hiện nay.
Giữa bối cảnh căng thẳng, Nga vẫn đang theo đuổi các cuộc trao đổi với Mỹ về hàng loạt vấn đề nhằm tạo điều kiện cho cuộc gặp Thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey A. Ryabkov đã hoan nghênh sự hợp tác của ông Biden, song cũng làm rõ rằng Nga muốn Mỹ có sự nhượng bộ nhất định.
Với Nga, ông Ryabkov cho biết, sự ổn định và dễ đoán đồng nghĩa với việc "Mỹ sẽ ít can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi, ít hạn chế sự tương tác hợp pháp giữa chúng tôi và các đồng minh cũng như đối tác trên toàn cầu".
Nga đã tổ chức hàng loạt cuộc trao đổi với các quan chức Mỹ những tháng gần đây, trong đó có Giám đốc CIA William Burns, đặc phái viên Mỹ về chính sách ở Afghanistan Thomas West. Hôm 17/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng đã điện đàm với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev. Văn phòng của ông Nikolai Patrushev cho biết, cuộc điện đàm này liên quan đến "các cuộc tiếp xúc sắp tới" chuẩn bị cho cuộc gặp giữa 2 tổng thống và hướng tới "cải thiện bầu không khí trong quan hệ Nga - Mỹ".
(Theo VOV)