Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nước ngoài, Thủ tướng Sanna Marin cho thấy quyết tâm của bà về việc duy trì danh hiệu "quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" cho Phần Lan, dù nước này đang đối mặt với những khó khăn.
Theo nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới, sự bình đẳng, nền giáo dục được hỗ trợ tài chính tốt và một nhà nước vững mạnh vì phúc lợi của người dân là những trụ cột chính làm nên thành công của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Thủ tướng Marin cho biết Phần Lan cam kết duy trì trạng thái phúc lợi hào phóng trong một "môi trường bền vững " cho người dân, đồng thời coi sự phát triển và xuất khẩu công nghệ xanh là chìa khóa cho sự thịnh vượng trong tương lai của quốc gia này.
Bà cũng cho biết Phần Lan "muốn làm tốt hơn trong vấn đề bình đẳng", sau khi được Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNSDSN) bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vào tháng 4/2021. Cuộc bình chọn được UNSDSN tiến hành dựa trên đánh giá về mức độ hài lòng của người dân trên thang điểm 10.
Nữ Thủ tướng Phần Lan đã có những thành công nhất định trong nhiệm kỳ của mình. Trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ tử vong tại Phần Lan thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, 1.300 người thiệt mạng trên tổng dân số 5,5 triệu dân.
Cơ quan lập pháp Phần Lan gần đây đã đồng thuận về đề xuất liên quan tới việc giáo dục bắt buộc đối với mọi công dân cho đến năm 18 tuổi. Đồng thời, một dự luật khác dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2022 cho phép các ông bố ở Phần Lan có thể nghỉ phép ít nhất 97 ngày, thay vì 54 ngày như hiện nay, khi vợ sinh con.
Thủ tướng Marin khẳng định: "Dự luật này khiến cho các ông bố và bà mẹ sẽ dành cùng một khoảng thời gian ở nhà với đứa con nhỏ của họ. Do vậy, cả hai sẽ có cơ hội như nhau trong sự nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách lương theo giới".
Bà Marin cũng nhắc lại cam kết trong việc chấm dứt tình trạng vô gia cư ở Phần Lan, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn tình trạng này vào năm 2027. Hiện tại, quốc gia này đang thực hiện chính sách Housing First (Ưu tiên nhà ở) nhằm giảm thiểu tình trạng vô gia cư trên đường phố.
"Vẫn còn những người không có nhà, và chúng tôi vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Mô hình Housing First là một mô hình rất quan trọng, nhưng tất nhiên cũng cần hoàn thiện các giải pháp từ hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội và việc làm. Phải đảm bảo rằng mọi công dân được đối xử như một cá nhân thực sự", bà Marin nhấn mạnh.
Phần Lan cũng đã cam kết trở thành quốc gia "trung hòa carbon" vào năm 2035, trước 15 năm so với mục tiêu của EU. Thủ tướng Phần Lan cho biết, trong khi biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà đất nước phải đối mặt, đây cũng có thể là "cơ hội lớn" cho các công ty nước này.
"Chúng tôi muốn quốc gia chuyển đổi theo cách thực sự mang lại lợi ích cho mọi công dân bình thường, bởi nếu không có được sự ủng hộ từ người dân thì chúng tôi sẽ không thể làm gì", bà Marin nhấn mạnh.
Cam kết của nữ Thủ tướng Phần Lan hướng tới một xã hội công bằng hơn và bình đẳng hơn sẽ tiếp tục công việc của "nhiều thế hệ" chính trị gia.
"Các nhà lãnh đạo đi trước đã xây dựng một xã hội phúc lợi ở Phần Lan, để một người có xuất thân khá khiêm tốn như tôi đã có cơ hội đi học và vào đại học", Thủ tướng Phần Lan, người sinh ra trong một gia đình nghèo và từng làm nhân viên thu ngân để trang trải cuộc sống, chia sẻ.
Cuối cùng, người lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới nhấn mạnh: "Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả các quyết định, công việc khó khăn mà những người tiền nhiệm đã làm để xây dựng xã hội đều quan trọng. Công việc thực sự cần làm bây giờ là đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục thúc đẩy các cơ hội bình đẳng cho người dân Phần Lan."
(Theo Dân trí)