Tình hình Ukraine đang nóng lên từng ngày

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/1/2022 | 7:55:56 AM

Các cáo buộc qua lại giữa Nga và phương Tây đang khiến tình hình Ukraine nóng lên từng ngày, dù Nga chưa hề nói tới một lệnh tấn công.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby

Cuộc họp của các Ngoại trưởng EU và Mỹ kết thúc hôm qua đã nhắc lại lời cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt lớn chưa từng có nếu tấn công quân sự Ukraine. Các nước châu Âu cũng cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các đồng minh khác như Mỹ, Anh… để đảm bảo các lệnh trừng phạt này được áp dụng ngay lập tức nếu xảy ra cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Hiện cả Nga và Mỹ với NATO đều đang huy động lực lượng tiến hành các cuộc tập trận xung quanh Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đã đặt khoảng 8.500 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng cao độ được triển khai tới châu Âu ngay khi cần thiết. Quyết định trên được đưa ra nhằm dự phòng trường hợp NATO kích hoạt một lực lượng phản ứng nhanh do căng thẳng liên quan giữa Nga và Ukraine. Mỹ cũng đang điều chỉnh các kế hoạch quân sự dành cho mọi kịch bản trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine.

Ông John Kirby - Người phát ngôn Lầu Năm Góc nói: "Mỹ đã thực hiện các bước để nâng cao khả năng sẵn sàng của các lực lượng trong và ngoài nước, sẵn sàng ứng phó với một loạt các tình huống bất ngờ, bao gồm hỗ trợ lực lượng phản ứng của NATO nếu lực lượng này được kích hoạt".

Về phía EU, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để ngoại giao với Nga về việc điều động quân đội ở biên giới Ukraine, nhưng nếu ngoại giao thất bại, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng trong đối phó với hành động xâm lược chống lại Ukraine. Và chắc chắn đây sẽ là một hành động nhanh chóng và kiên quyết với sự đoàn kết mạnh mẽ không chỉ trong Liên minh châu Âu mà còn cả quốc tế".

Lúc này, những lời cáo buộc liên tiếp được đưa ra. Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ có thông tin là Moscow có kế hoạch đưa một chính phủ thân Nga lên nắm quyền ở Ukraine. Chính phủ này được cho là có thể do cựu nghị sĩ Yevhen Muraev đứng đầu.

Ông Dominic Raab - Phó Thủ tướng Anh cảnh báo: "Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu có động thái tấn công Ukraine và thiết lập một chính phủ bù nhìn".

Về phía Nga, Hạm đội Baltic với 20 tàu chiến, thuyền và tàu hỗ trợ của Nga đã lên đường tới biển Baltic để tham gia tập trận. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các tàu quét mìn, tàu chống ngầm nhỏ và các tàu tên lửa sẽ hoạt động như một phần của các nhóm chiến thuật.



Nga cho rằng, điều khiến cho tình hình xung quanh Ukraine trở nên trầm trọng hơn vào lúc này chính là nằm ở hành động của Mỹ và NATO.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, phương Tây đang xem Ukraine là công cụ ảnh hưởng để theo đuổi các lợi ích của mình trong khu vực. Do đó, việc gây bất ổn tình hình, tạo ảnh hưởng đến các tiến trình hay các cáo buộc chống lại Nga sẽ không dừng lại. Theo nhận định của nhà ngoại giao Nga, các nước phương Tây sẽ còn "giữ lửa trừng phạt" và sẽ còn có nhiều hành động khiêu khích xung quanh tình hình Ukraine, không loại trừ đó có thể là chiến tranh thông tin hoặc các hành động quân sự. Và tất cả đang được sử dụng như một cái cớ để NATO triển khai thêm các thiết bị quân sự, xây dựng lực lượng quân đội gần biên giới Nga.

Phía Nga cho rằng, điều khiến cho tình hình xung quanh Ukraine trở nên trầm trọng hơn vào lúc này chính là nằm ở hành động của Mỹ và NATO. Điều này cũng có nghĩa là nhân tố có thể làm hạ nhiệt vấn đề Ukraine không phải là Nga. Theo Người phát ngôn Điện Kremly, ông Dmitry Peskov, mọi thứ đang diễn ra "được đóng khung bởi số lượng lớn các thông tin sai lệch" về một cuộc xâm lược của Nga, và Nga đã không ít lần phản ứng mạnh mẽ với hành vi khiêu khích này. Trên thực tế, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, Nga không đặt kỳ vọng nhiều vào cuộc đàm phán 4 bên với Đức và Pháp có thể giúp tháo gỡ tình hình, khi mà NATO được cho là phía đóng vai trò quyết định khiến căng thẳng ở Ukraine leo thang.

Hiện tại Nga vẫn đợi phản hồi bằng văn bản từ Washington về đề xuất đảm bảo an ninh và sẽ quyết định hành động tiếp theo sau khi nghiên cứu phản hồi này. Mặc dù Tổng thống Nga và Mỹ đã trao đổi nhiều lần và các cuộc hội đàm cấp cao vẫn tiếp tục, giới chức Nga cảnh báo tiến trình sẽ đi vào ngõ cụt nếu phương Tây từ chối các yêu cầu an ninh của họ. Đây không phải là lần đầu tiên Nga đưa ra lằn ranh đỏ với phương Tây, nhưng điều đáng chú ý là thái độ kiên quyết của Nga, như kiểu Moscow đưa ra tối hậu thư về an ninh với phương Tây.
(Theo VTV)

Các tin khác
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Triều Tiên phát hành bài hát mới ca ngợi Chủ tịch Kim Jong Un là một "người cha gần gũi" và "nhà lãnh đạo vĩ đại".

Isfahan được biết đến với căn cứ không quân quân sự rộng lớn và các địa điểm quan trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Hãng ABC News dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, vào sáng sớm 19/4 (theo giờ địa phương), tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm tại Iran.

Các bể chứa nước thải đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản ngày 24/8/2023. Ảnh tư liệu

Ngày 19/4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản thông báo bắt đầu đợt xả thứ 5 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hong Kong (Trung Quốc) phải vật lộn với việc xử lý hàng ngàn tấn rác thải nhựa mỗi ngày.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ cấm đồ bằng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng từ ngày 22/4/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục