Úc ban hành luật chống thông tin sai lệch, xuyên tạc

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2022 | 2:30:00 PM

Chính phủ liên bang Úc cam kết ban hành luật mới để giúp giảm sự lan truyền các nội dung có hại trên mạng xã hội, thúc đẩy các công ty công nghệ lớn chống lại làn sóng thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher.
Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher.

Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher của Úc cho biết cơ quan giám sát truyền thông nước này sẽ được trao nhiều quyền quản lý hơn đối với các công ty công nghệ không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ quy tắc tự nguyện về thực hành chống thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Theo bộ quy tắc trên, thông tin sai lệch (misinformation) được định nghĩa là thông tin sai hoặc gây hiểu lầm có khả năng gây hại, trong khi thông tin xuyên tạc (dissinformation) là thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm được phát tán có chủ đích qua thư rác.

Các quy định mới, dự kiến sẽ được trình Quốc hội Úc vào cuối năm nay, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đánh giá hiệu quả của việc tự kiểm soát thông tin và giúp chính phủ liên bang quyết định có cần ban hành một quy tắc bắt buộc để giải quyết vấn đề này hay không.

Bộ trưởng Fletcher cho biết: "Các nền tảng kỹ thuật số phải chịu trách nhiệm về những gì có trên trang web của họ và phải hành động khi nội dung có hại hoặc sai lệch xuất hiện". 

Báo cáo mới đây của Cơ quan Truyền thông và các phương tiện thông tin Úc (ACMA) cho thấy 82% người dân nước này đã nhận phải thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 trong 18 tháng qua.

Theo dự thảo các quy định mới, ACMA sẽ được phép thu thập thông tin và yêu cầu các nền tảng công nghệ như Meta (Facebook), Google và Twitter cung cấp thông tin để có thể xử lý các khiếu nại liên quan đến nội dung có hại. 

ACMA cũng sẽ có thể đăng ký và thực thi các quy tắc hoặc tiêu chuẩn ngành mới, nếu thấy các nỗ lực tự nguyện từ phía các công ty công nghệ là chưa đủ. 

Kế hoạch xây dựng luật được chính phủ liên bang Úc đưa ra 1 năm sau khi nhóm vận động hành lang của lĩnh vực công nghệ, DIGI, đưa ra bộ quy tắc tự nguyện về thực hành chống thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc. 

Các thành viên của DIGI là Facebook, Google, Twitter, Microsoft và TikTok đã đăng ký tham gia bộ quy tắc này, cam kết sẽ thông báo cho người dùng biết các biện pháp đã được áp dụng để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch trên các dịch vụ của họ và thực hiện báo cáo minh bạch hằng năm về những nỗ lực của họ.

Để triển khai hiệu quả các quy tắc tự nguyện, tháng 10-2021, DIGI đã thành lập một hội đồng độc lập có chức năng giám sát việc tuân thủ và xử lý các khiếu nại về các "vi phạm nghiêm trọng". 

DIGI cũng chỉ định một chuyên gia độc lập để kiểm tra các báo cáo minh bạch hằng năm. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tự kiểm soát, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok và Twitter vẫn tràn ngập nội dung có hại về đại dịch COVID-19 và gần đây là về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Sunita Bose, giám đốc điều hành của DIGI, cam kết nhóm sẽ hợp tác với chính phủ để cải thiện các biện pháp nhằm giải quyết thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.

Chủ tịch ACMA Nerida O’Loughlin cho biết, trong những tháng tới, cơ quan của bà sẽ tập trung vào việc kiểm tra xem các thỏa thuận tự kiểm soát có hiệu quả hay không và có cần thực hiện thêm những hành động khác để giải quyết các tác hại đối với người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội ở Úc.

(Theo TTO)

Các tin khác
Xe tăng của lực lượng ly khai thân Nga di chuyển ở ngoại ô Mariupol, đông nam Ukraine hôm 20/3.

Bộ Quốc phòng Nga đặt hạn chót cho các lực lượng Ukraine ở thành phố cảng Mariupol phải hạ vũ khí đầu hàng trong sáng nay, nhưng Kiev khước từ.

Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya Abdul Hamid Dbeibah.

Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya chỉ ra rằng các bộ, ngành nên giải quyết các vấn đề của người dân, yêu cầu họ cảnh giác trước "các âm mưu của giới tinh hoa chính trị."

Một khu nhà bị phá hủy do pháo kích ở thủ đô Kiev của Ukraine hôm 16/3.

Đạn pháo đã nã vào các ngôi nhà dân sinh và một khu phố mua sắm ở quận Podil của Kiev vào tối 20/3, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.

Ảnh minh họa

Theo Hãng tin Yonhap, ngày 20-3, giới chức quân đội Hàn Quốc cho biết, phía Triều Tiên đã thực hiện 4 loạt bắn tên lửa vào sáng cùng ngày tại một địa điểm chưa xác định ở tỉnh Nam Pyongan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục