Sắc lệnh mới cho phép ủy ban chính phủ Nga chịu trách nhiệm kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài cấp giấy phép miễn thanh toán bằng đồng rúp. Nguồn cung sẽ bị phong tỏa nếu cố gắng thanh toán bằng ngoại tệ, trong trường hợp không thanh toán đủ hoặc không thanh toán từ ngân hàng được ủy quyền của Nga.
Đầu tháng này, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho Chính phủ và tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom chuyển thanh toán khí đốt với các quốc gia "không thân thiện" - đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow - sang đồng rúp vào cuối tháng 3.
Tổng thống Putin giải thích rằng, Nga đã cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu và nhận tiền phí bằng Euro, sau đó châu Âu tự ý đóng băng. Như vậy, Nga có thể được hiểu là đã chuyển một phần khí đốt đến châu Âu hầu như miễn phí. Vì vậy, việc này không thể tiếp tục.
"Chúng tôi cung cấp cho các đối tác từ các quốc gia như vậy một kế hoạch rõ ràng và minh bạch. Để mua khí đốt tự nhiên của Nga, họ phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Chính những tài khoản này sẽ được sử dụng để thanh toán cho lượng khí được cung cấp bắt đầu từ ngày 1/4 năm nay" - Tổng thống Putin tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: "Nếu nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, việc chuyển các khoản thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang đồng rúp của Nga là một bước quan trọng nhằm tăng cường chủ quyền tài chính và kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện một cách nhất quán và có hệ thống theo hướng này trong khuôn khổ kế hoạch dài hạn, nhằm tăng tỷ trọng thanh toán ngoại thương bằng đồng tiền quốc gia và tiền tệ của những quốc gia là đối tác đáng tin cậy".
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Ilya Ilyin - Trưởng phòng phân tích thị trường tài chính tại ngân hàng Promsvyazbank (PSB) - nhận định rằng các khoản thanh toán cung cấp khí đốt cho các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga bằng đồng rúp có thể sẽ khiến họ phải tạo ra nguồn dự trữ bằng đồng rúp.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo các kế hoạch gia tăng dự trữ và đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa Đông tới của châu Âu có thể bị đảo lộn nếu hoạt động xuất khẩu từ Nga bị chặn đứng bởi sự bất đồng trong các điều khoản thanh toán.
Theo sàn giao dịch ICE có trụ sở tại London, giá khí đốt tương lai của châu Âu đã đạt 1.450 USD/1000 m3 sau tuyên bố hôm 31/3 của Tổng thống Nga Putin.
Nga hiện cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục này, nhưng khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng Nga - Ukraine đã gia tăng trong tuần qua, khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Nga.
Nga thậm chí có thể đang chuẩn bị một sự đáp trả còn gay gắt hơn đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây, khi Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin ngày 30/3 cho biết, ngoài năng lượng, các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga cũng có thể được định giá bằng đồng rúp, bao gồm ngũ cốc và gỗ.
(Theo Kinh tế đô thị)