Cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra nhiều tác động trên toàn thế giới. Về mặt địa chính trị, nó bộc lộ sự đứt gãy giữa các đồng minh (như Ấn Độ với các nước còn lại trong Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ); cho thấy sự vô tình xích lại gần nhau của các đối thủ, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc mặc dù thông qua sự im lặng chiến lược; làm giảm uy tín của Mỹ và NATO trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột hoặc giảm leo thang căng thẳng. Cuộc khủng hoảng đó cũng thúc đẩy sự thống nhất chưa từng có ở châu Âu.
Việc Liên minh châu Âu (EU) công bố "La bàn chiến lược” cuối tháng 3 vừa qua, chỉ vài tháng trước khi Khái niệm chiến lược mới của NATO dự kiến được thông qua vào tháng 6 tới (tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid), được giới phân tích đánh giá là một sự thay đổi dù muộn nhưng đáng hoan nghênh đối với chính sách an ninh của châu Âu.
Đáng chú ý, "La bàn chiến lược” của EU có phạm vi rộng, không giới hạn ở các thành viên EU hay NATO mà có tham vọng an ninh toàn cầu và xuyên Đại Tây Dương. Vậy triển vọng an ninh toàn cầu mới của EU sẽ tác động đến bối cảnh an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở mức độ nào? Liệu các sáng kiến của EU có xung đột với cơ chế NATO vốn đã được thiết lập, nhằm theo đuổi một phạm vi ảnh hưởng toàn cầu tương tự?
Xung đột Ukraine làm thay đổi chiến lược của EU
Ở một mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã làm chệch hướng sự chú ý của thế giới khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không một bên liên quan nào có thể bỏ qua biến động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là EU vào thời điểm mà khối này đang tìm cách nâng cao uy tín của mình.
EU và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là những khu vực liên kết và phụ thuộc lẫn nhau nhau về kinh tế. Hai khu vực kết hợp lại chiếm khoảng 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Các tuyến đường thủy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương góp phần đáng kể trong thương mại của EU: Châu Á là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu của EU vào năm 2020 (hơn 30%). Do đó, đảm bảo các tuyến đường giao thông liên lạc trên biển là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU.
Ngay cả khi EU tiếp tục giữ "cam kết nhiều mặt với Trung Quốc”, ngoại trừ các lĩnh vực có sự khác biệt cơ bản về giá trị, quan hệ giữa hai bên vẫn tiếp tục xấu đi. Việc EU thừa nhận những thách thức mà Trung Quốc đặt ra, đã buộc khối này phải tìm cách chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt ở Tây Balkan.
Hai ví dụ mới nhất về nỗ lực của EU là việc công bố chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu” như một giải pháp cạnh tranh với Vành đai và Con đường (BRI), và "La bàn chiến lược” với các mối quan hệ đối tác phù hợp trong không gian lân cận EU.
Đối với EU, nếu như Nga là một đối thủ lâu dài và cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ nhắc lại mối đe dọa đó, thì Trung Quốc là đối thủ mới.
Ngoài ra, EU phải luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức kép của Nga và Trung Quốc cả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực. Mỹ đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ chỉ củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Giống như đối tác liên minh xuyên Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu cũng phải xem xét 2 vấn đề này song song với nhau.
Để giảm thiểu những tác động lan rộng và lâu dài của cuộc khủng hoảng Ukraine, EU sẽ tìm cách tăng cường sự tham gia chiến lược của mình với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "La bàn chiến lược” được công bố trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine là một nỗ lực nhằm củng cố phạm vi an ninh toàn cầu của EU thông qua các mối quan hệ đối tác ở Đông và Nam châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin.
Chiến lược phòng thủ tập thể và hợp tác an ninh toàn cầu
Nếu như châu Âu sau Thế chiến 2 đã tìm thấy sự thống nhất trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế, thì an ninh và phòng thủ trước các mối đe dọa chung trên toàn cầu trong thời gian gần đây cũng trở thành đặc điểm của sự thống nhất. Ví dụ điển hình về "sự thống nhất có mục đích” mới này là cuộc xung đột Ukraine.
Trước những thách thức toàn cầu và khu vực, EU đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn với tư cách là một nhà cung cấp an ninh độc lập, ngay cả khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine dường như đã hàn gắn rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương do thỏa thuận AUKUS.
Sự thống nhất giữa Mỹ và EU được thể hiện qua các biện pháp trừng phạt chung chống lại Nga và hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine dù không can thiệp trực tiếp; EU cũng đã ký một thỏa thuận khí đốt để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Nga.
Hơn nữa, cuộc chiến hiện tại đã có tác động ngay lập tức đến cam kết ngày càng tăng của EU đối với quyền tự chủ chiến lược, như đã được thể hiện rõ qua tuyên bố Versailles vào đầu tháng 3, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng và xây dựng một mô hình kinh tế bền vững.
Triển vọng an ninh của EU phần lớn được thúc đẩy bởi khái niệm phòng thủ tập thể, vốn là trọng tâm của NATO, mà nhiệm vụ cốt lõi của NATO cũng bao gồm an ninh hợp tác sau khi Khái niệm chiến lược (hiện nay) được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Lisbon vào tháng 11/2010. Dù NATO hoàn thành phần lớn vai trò phòng thủ tập thể, nhưng hệ thống an ninh hợp tác của khối này vẫn là thứ yếu và bị hạn chế trong việc khôi phục, duy trì sự ổn định và các quy tắc quốc tế.
Các cơ quan như Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE), với tầm nhìn "an ninh toàn diện” bao gồm nhân quyền, hợp tác kinh tế và an ninh "cứng”, được đặt ở vị trí tốt hơn để thúc đẩy an ninh tập thể nhưng chỉ đóng một vai trò hạn chế trong vấn đề an ninh vì thiếu quyền lực và nguồn lực pháp lý.
"La bàn chiến lược” là một nỗ lực khác hướng tới cách tiếp cận tích hợp của EU đối với chiến lược an ninh toàn cầu và đưa khối này trở thành một nhà cung cấp an ninh độc lập và quyết đoán.
Chiến lược này được dự đoán là một công cụ để tăng cường quyền tự chủ chiến lược của khối thông qua quan hệ đối tác với NATO, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực như OSCE, Liên minh châu Phi (AU) và ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia cùng chí hướng như Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và Nhật Bản.
Tầm quan trọng của "La bàn chiến lược” nằm ở chỗ nó cho phép EU thực hiện các hành động quốc phòng và an ninh mà không cần sự trợ giúp của NATO. Mặc dù bao gồm việc thành lập một Lực lượng phản ứng nhanh của EU lên tới 5.000 người, nhưng đây không phải là tiền đề để tạo ra một quân đội châu Âu.
Trước khi "La bàn chiến lược” được công bố, đã có những suy đoán về các lĩnh vực có thể chồng chéo với Khái niệm chiến lược sắp tới của NATO và liệu tồn tại 2 cơ chế như vậy có thực sự cần thiết hay không? Cho đến nay, các dấu hiệu cho thấy khả năng phòng thủ tập thể chủ yếu vẫn thuộc phạm vi NATO. Trước đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từng tuyên bố rằng "EU không thể bảo vệ châu Âu”.
Ngày nay, thế giới công nhận rằng khái niệm về các liên minh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã trở nên lỗi thời. Điều đó có thể thấy rõ ràng nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà ngay cả những đối thủ dứt khoát nhất (như Ấn Độ-Trung Quốc, Nhật Bản-Hàn Quốc, Nhật Bản-Trung Quốc) cũng đang tìm cách cân bằng các mối quan hệ phức tạp thông qua các cơ chế đa phương lớn và đa phương hẹp cũng như các cơ chế an ninh hợp tác.
Dù vậy, ngay cả những quốc gia này cũng miễn cưỡng tham gia hoàn toàn vào các cơ chế giống như khối hay liên minh để tránh sự đối đầu có điều kiện và đặt không đúng chỗ khái niệm "mối đe dọa đối với một bên là mối đe dọa đối với tất cả”.
Các cơ chế quy chuẩn cần phải thừa nhận rằng trong các cuộc chiến tranh toàn cầu hoặc các cuộc khủng hoảng, tất cả các đối tác khó có thể hoàn toàn đồng ý với một phản ứng chung vốn luôn được định hướng bởi các lợi ích quốc gia riêng từng nước. Do đó, một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ cũng cần phải để lại không gian nhằm để cân bằng các lợi ích an ninh khác nhau trong dài hạn./.
(Theo VOV)