Thủ đô Brussels cổ kính và xinh đẹp của Bỉ bỗng trở nên nhộn nhịp khi hai hội nghị cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng diễn ra trong một ngày.
Không ngoài dự đoán, tên hai nước Nga và Ukraine được nhắc tới nhiều nhất trong cả ba cuộc họp. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba thu hút ống kính của giới truyền thông nhiều nhất khi xuất hiện tại hội nghị của NATO thay vì chỉ tham dự trực tuyến như trước đây. Ông Kuleba mang thông điệp ngắn gọn tới liên minh quân sự NATO "Chỉ có ba thứ: vũ khí, khí tài và vũ khí”.
Một tháng rưỡi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU, G7 và NATO cho thấy họ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột dài hơi, can thiệp sâu hơn và tiếp tục siết chặt vòng kim cô với Moskva. EU thực thi vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga, với việc thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá, cấm tàu thuyền Nga cập cảng của liên minh. G7 ngừng các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.
Mỹ, nước đầu tàu trong cả G7 và NATO, ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga, mở đường cho Washington tăng thuế nhập khẩu. Theo đó, thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên khoảng 30%. Washington cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Moskva, gồm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, than đá và các sản phẩm năng lượng.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước đồng minh tiếp tục hỗ trợ vũ khí tối đa cho Ukraine, cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng. Tuyên bố của ông Stoltenberg cho thấy một sự thay đổi lớn trong quan điểm của NATO về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mới hai tuần trước, cũng tại Hội nghị cấp cao NATO ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron m nhiều lần nhắc tới "lằn ranh đỏ” mà liên minh quân sự không nên vượt qua, đó là NATO không trở thành một bên tham chiến.
Liên minh quân sự thời điểm đó khẳng định sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí phòng thủ và chưa bao giờ đề cập việc gửi xe tăng và máy bay chiến đấu cho Kiev. Song tuyên bố của người đứng đầu NATO thể hiện việc liên minh quân sự có thể sẽ vượt "lằn ranh đỏ”, với quan niệm Ukraine không chỉ cần vũ khí phòng thủ mà cả vũ khí tấn công hạng nặng.
Cộng hòa Séc là nước thành viên NATO đầu tiên chuyển giao xe tăng chiến đấu T-72 và xe bọc thép cho Ukraine. Nhiều khả năng một số nước cũng sẽ sớm noi gương Séc, bởi một số nước Đông Âu còn nhiều phương tiện chiến đấu lưu kho từ thời Hiệp ước Vácsava. Đức cũng để ngỏ khả năng cung cấp 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine, dù e ngại hành động này có thể kéo Berlin vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Cũng chính vì lý do này mà các nước NATO, trong khi sẵn sàng chuyển xe tăng, vẫn ngại ngần hỗ trợ máy bay chiến đấu cho Ukraine. Việc NATO tăng cường chuyển vũ khí cho Kiev có thể xuất phát từ thông tin Nga rút quân khỏi nhiều khu vực ở miền bắc Ukraine, giúp hoạt động chuyển giao vũ khí dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO vẫn khẳng định không triển khai binh sĩ tới Ukraine, nhằm tránh đối đầu trực diện với Nga và châm ngòi một cuộc chiến quy mô lớn mà dư luận lo ngại sẽ trở thành Chiến tranh thế giới thứ 3.
Bức tranh tổng thể trên cho thấy Ukraine đang giống một thỏi nam châm hút thuốc súng và khí tài chiến tranh. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể cản trở các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Căng thẳng, trừng phạt và đáp trả lẫn nhau đang khiến NATO, EU và Nga rơi vào vòng xoáy không hồi kết. Cộng đồng quốc tế mong mỏi xung đột Nga-Ukraine được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình để an ninh, ổn định được duy trì, người dân khu vực và thế giới được trở lại cuộc sống bình thường.
(Theo Nhân Dân)