Làng Harinsingha, quận Birbhum, là trung tâm kế hoạch tham vọng của chính quyền bang Tây Bengal nhằm mở rộng dự trữ than của đất nước. Dự án được cho là sẽ khiến hơn 21.000 người địa phương, chủ yếu là dân bộ lạc, phải di dời.
Mamata Banerjee, Thủ hiến Tây Bengal, năm 2021 công bố gói bồi thường 100 tỷ rupee (1,3 tỷ USD), gần 1/3 tổng ngân sách dự án 350 tỷ rupee (4,6 tỷ USD), cho những người được yêu cầu di dời để giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng mỏ than Deocha-Pachami.
Theo bà Banerjee, dự án này sẽ gây dựng nên mỏ than lớn nhất Ấn Độ, lớn thứ hai thế giới với trữ lượng ước tính 1,19 tỷ tấn than, tạo nguồn cung trong 100 năm tới.
Chính phủ Ấn Độ đã bàn giao quyền quản lý trữ lượng than trên cho chính quyền Tây Bengal năm 2018. "Dự án sẽ tạo 100.000 việc làm, có thể giải quyết vấn đề thất nghiệp", bà Banerjee tuyên bố vào thời điểm đó, đồng thời nhấn mạnh đảng Trinamool Congress (TMC) của bà sẽ không sử dụng vũ lực để di dời dân làng.
"Chúng tôi sẽ tạo một hình mẫu cho Ấn Độ, nhằm thực hiện các dự án lớn như mỏ Deocha-Pachami. Mỏ này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, áp dụng các phương pháp khai thác tiên tiến nhất trong một thời gian nhất định, với sự ủng hộ toàn diện của công chúng", Thủ hiến Banerjee khẳng định trên Twitter.
Dự án khai thác có tổng diện tích khoảng 12,28 km2, gồm hai khu là Deocha Pachami và Dewanganj Harinsinga, trải rộng khắp 12 ngôi làng trong khu vực Mohammad Bazar và rừng rậm lân cận tại quận Birbhum, Tây Bengal. Chính phủ sở hữu hơn 400 ha đất, trong đó 120 ha là rừng rậm.
Chính quyền địa phương đã bắt đầu công tác thu hồi đất ở khu vực mỏ Dewanganj Harinsinga, khiến dân cư bản địa lo ngại đối mặt với tương lai bất định.
Joseph Marandi, ngoài 20 tuổi, trưởng làng Harinshingha, khẳng định rằng tất cả cư dân sẽ cùng ra quyết định liệu họ có giao đất cho chính quyền hay không.
"Chúng tôi đã tham dự nhiều cuộc họp với các lãnh đạo địa phương và quan chức chính phủ. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định nếu họ cam kết thực hiện những yêu cầu được dân làng nêu ra", trưởng làng Marandi cho biết. "Dù chúng tôi quyết định thế nào, dân làng đều sẽ đồng lòng thống nhất".
Theo gói đền bù được công bố hồi tháng 2, chính quyền Tây Bengal đồng ý đền bù "gấp đôi giá thị trường" cho mỗi bigha đất, lên 1,3 triệu rupee (17.000 USD). Bigha là đơn vị đo đất truyền thống ở Ấn Độ, nhưng mỗi bang có định nghĩa khác nhau về bigha. Tại Tây Bengal, một bigha bằng 1.337 m2.
Gói này cũng tăng tiền đền bù nhà lên 700.000 rupee (9.145 USD), đủ để mỗi gia đình xây một ngôi nhà mới rộng 65 m2. Một thành viên từ mỗi gia đình đồng ý di dời còn được bổ nhiệm vào lực lượng cảnh sát Bengal, công việc được cho là ổn định.
Ngoài ra, bang còn có chính sách đền bù cho những người làm việc tại khu vực phải di dời. Công nhân nghiền đá sẽ nhận được 50.000 rupee (653 USD) cộng với 10.000 rupee (130 USD) mỗi tháng trong vòng một năm. Các nông dân sẽ nhận được 50.000 rupee (653 USD) và 500 ngày công.
Tuy nhiên, Rana Murmu, 34 tuổi, công nhân tại mỏ đá, cho biết những cam kết này là chưa đủ. Hầu hết người dân trong làng tìm đến các mỏ đá để kiếm kế sinh nhai do điều kiện tự nhiên cằn cỗi, địa chất tại khu vực này có khả năng giữ nước thấp. Họ không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp thay thế.
"Tổ tiên của chúng tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này. Làm sao chúng tôi có thể mù quáng tin tưởng bất cứ ai và rời bỏ nhà cửa đất đai?", Murmu nói. "Họ đảm bảo một suất công việc nhà nước, vậy vợ tôi sẽ làm gì?".
Chuttur Tutu, khoảng 60 tuổi, sống tại làng Dewanhanj, cho biết ông đã trồng cải bẹ xanh trên đất thuê trong vài tháng và tham gia nghiền đá với thu nhập 200-300 rupee (2,7- 4 USD) mỗi ngày. Ông cho rằng bản thân không có khả năng nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào do không phải chủ sở hữu mảnh đất.
"Một công việc được cho là ổn định sẽ không đủ để nuôi gia đình tôi", Tutu, trụ cột gia đình 14 người, nói thêm.
Sumita Tudu, thành viên trong hội đồng làng, cho biết dân làng đã từ chối đề xuất ban đầu và yêu cầu chính phủ sửa đổi đề nghị đền bù. "Chúng tôi đang chờ động thái từ phía giới chức", Tudu cho biết. "Ý nghĩ mất tất cả trong nháy mắt rất đáng sợ. Làm sao họ có thể cho rằng chúng tôi sẵn sàng rời đi ngay lập tức?".
Ngoài sự phản đối từ người dân địa phương, dự án cũng vấp phải những chỉ trích quốc tế, trong đó có Anh và Đức. Hai quốc gia này bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng môi trường trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Thông báo về dự án tại Tây Bengal được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, từ 31/10 đến 12/11/2021. Trong hội nghị, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 năm 2050. Ấn Độ, một trong những nước tiêu thụ nhiều than nhất, cũng công bố mục tiêu trung hòa carbon năm 2070.
"Chúng tôi cảm thấy không thoải mái sau khi nghiên cứu kế hoạch phát triển mỏ than được cho là lớn thứ hai thế giới tại Bengal trong vài tuần qua", Nick Low, Phó cao ủy Anh tại thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, nói. "Chúng tôi đã không thảo luận kỹ về vấn đề này trong hội nghị COP26", Manfred Auster, Tổng lãnh sự Đức tại Tây Bengal, cũng chia sẻ những lo lắng tương tự.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 70% sản lượng điện ở Ấn Độ đến từ tiêu thụ than, có khả năng tăng lên mức 1,18 tỷ tấn năm 2024. Dù Ấn Độ không thể nhanh chóng hạn chế phụ thuộc vào than, việc khai thác than tại Tây Bengal chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu cắt giảm phát thải toàn cầu.
Sandeep Pai, cộng sự cấp cao của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu, cho biết Ấn Độ trên thực tế vẫn là một quốc gia đang phát triển và có lý do để triển khai dự án. "Hàng triệu người Ấn Độ hiện sống thiếu điện. Với mức nhu cầu này, Ấn Độ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than trong tương lai nhằm cung cấp điện cho công dân", ông Pai nhận định.
Dự án cũng bị các đảng đối lập phản đối, biến khu vực Deocha-Pachami thành điểm nóng chính trị. Một số chính trị gia đối lập đến biểu tình cùng dân địa phương. Chính quyền Tây Bengal đã hơn một lần điều động cảnh sát giải tán biểu tình.
"Chúng ta không thể ngồi đây nhìn chính phủ ngang nhiên xâm phạm môi trường, giành đất từ người dân bản địa để kiếm tiền", Bikash Ranjan Bhattacharya, thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập, bình luận. "Chính phủ đề nghị bồi thường quá ít. Khu rừng này là nguồn sống của dân địa phương, làm sao họ có thể chứng kiến mọi thứ bị thiêu rụi?".
Rabin Soren, một trong những thủ lĩnh bộ lạc có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực, đã đứng ra làm trung gian giữa chính phủ và dân địa phương. "Mọi người rất kinh hãi", ông Soren khẳng định.
"Tôi không phản đối dự án, nhưng nhiều người dân không có hồ sơ đất đai sẽ được bồi thường như thế nào?", Soren bày tỏ. "Họ đề nghị một suất làm cảnh sát trong mỗi gia đình, vậy còn các thành viên khác thì sao? Công tác di dời cũng không đơn giản do chúng tôi có nền văn hóa và tôn giáo riêng gắn liền với các ngôi làng".
Soren cho biết dân làng không hài lòng với khoản đền bù, họ yêu cầu chính phủ cam kết tăng số lượng việc làm, cùng khoản tiền 1,5 triệu rupee (khoảng 19.600 USD) cho mỗi bigha đất. "Bản đồ chính thức của dự án bao gồm 12 ngôi làng, nhưng thực tế toàn bộ dự án sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 18 ngôi làng trong khu vực", ông Soren nhận định.
Ông cho rằng quá trình thu hồi đất sẽ "diễn ra trong một thời gian dài", đồng thời khẳng định công tác khai thác sẽ gặp khó khăn do lớp đất dày và đá bazan cứng.
Để trấn an những người biểu tình, các quan chức cho biết chính phủ sẽ tổ chức các trại dạy nghề về động cơ, kỹ thuật hàn, xử lý các thiết bị nhỏ và dạy lái xe hạng nặng. Bidhan Ray, thẩm phán quận Birbhum, Tây Bengal, cho biết hiện có 1.600 gia đình đồng ý với đề nghị bồi thường từ phía giới chức.
Tuy nhiên, tuyên bố này cũng bị người dân địa phương bác bỏ. Họ cho rằng các quan chức đang lan truyền thông tin sai lệch để khuyến khích nhiều người từ bỏ đất đai để đổi lấy một tương lai bất định.
(Theo VnExpress)