Nội dung chính của chuyến thăm này là tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh tại châu Á và thúc đẩy an ninh, kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương
Ngay sau khi tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk-yeol, trong đó tập trung vào một loạt vấn đề nhằm củng cố quan hệ đồng minh, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và rủi ro chuỗi cung ứng. Sau cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc cùng tới thăm nhà máy sản xuất chip của Samsung ở thành phố Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam - một động thái nhằm nhấn mạnh cam kết của hai nước trong việc hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng, trong đó có chuỗi cung ứng chip.
Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Mỹ diễn ra vào ngày 21-5 với 2 phiên hẹp và rộng, trong đó tập trung chủ yếu vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cùng các biện pháp đối phó; những thách thức an ninh và kinh tế mà các đồng minh trong khu vực của Mỹ đang phải đối mặt; cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các đồng minh trong khu vực.
Dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thông báo về sự tham gia của Seoul vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, một sáng kiến do Tổng thống Joe Biden đề xuất nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, đặt ra các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số và đầu tư vào các lĩnh vực sạch, hiện đại và nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho biết, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương cần cơ chế thực thi rõ ràng hơn để mang lại hiệu quả.
Trước mắt, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand dự kiến sẽ tham gia vào đợt khởi động ban đầu của khuôn khổ này. Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, ông Ted Osius, Singapore, Malaysia và Philippines cũng nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á có khả năng tham gia.
Sự cộng sinh chiến lược
Sau khi thăm Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nhật Bản và đàm phán song phương với Thủ tướng Fumio Kishida. Tại đây, ông cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong một cuộc họp của nhóm bộ tứ. Theo CNN, trong cuộc họp tại Nhà Trắng trước khi lên đường thăm châu Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chuyến đi nhằm "khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và "Tôn vinh quan hệ đối tác không thể thiếu” trong khu vực, bao gồm cả các mối quan hệ văn hóa.
Ông Joe Biden là Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp nỗ lực tái tập trung chính sách đối ngoại hướng vào châu Á. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, chuyến đi này sẽ thể hiện đầy đủ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden, đồng thời thể hiện mong muốn của Nhà Trắng tham gia nhiều hơn vào một khu vực xác định phần lớn tương lai của thế kỷ 21. Ông Sullivan cũng khẳng định, chiến lược mà Nhà Trắng đang theo đuổi ở châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự cộng sinh và thực sự kết hợp hai điều đó lại với nhau sẽ là một dấu ấn về chính sách đối ngoại của ông Biden.
Ngoài ra, ông Biden được cho là sẽ phải dành nhiều thời gian để giải quyết tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xác định vấn đề Triều Tiên là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của ông khi Bình Nhưỡng liên tục thực hiện các vụ thử nghiệm vũ khí. Chính phủ của ông Joe Biden đã tìm cách tái khởi động ngoại giao với Bình Nhưỡng nhưng nhận được rất ít phản hồi.
(Theo SGGP)