100 ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine: Thế giới đối mặt khủng hoảng mới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/6/2022 | 8:08:45 AM

Đã 100 ngày trôi qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhưng một thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình vẫn xa vời khi đàm phán liên tục rơi vào bế tắc. Điều đáng lo ngại là tác động kinh tế quy mô toàn cầu của sự kiện này ngày một lớn, trong khi cuộc xung đột giữa hai nước nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.

Người dân Ukraine di tản đến Ba Lan
Người dân Ukraine di tản đến Ba Lan

Đe dọa đà phục hồi

Xảy ra vào thời điểm thế giới đang kỳ vọng vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá năng lượng liên tiếp tăng vọt, với mức tăng ước khoảng gần 50% tính từ đầu năm tới nay. Hãng dịch vụ tài chính JP Morgan dự báo, giá dầu có nguy cơ tăng lên 175 USD/thùng trong những năm tới, cùng với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Không chỉ tác động tới giá năng lượng, cuộc xung đột cũng đẩy giá nông sản lên mức kỷ lục và đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu. Tính tới hiện tại, giá lúa mì tăng khoảng 35%, giá bắp tăng 17%… Điều này cho thấy xung đột có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời kéo theo những hệ lụy tiêu cực, gây bất ổn xã hội ngay cả ở những khu vực rất xa biên giới Nga và Ukraine.
Giá năng lượng và giá lương thực tăng dẫn đến khủng hoảng giá sinh hoạt tại nhiều khu vực trên thế giới. Riêng tại châu Âu, theo báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát trong tháng 5-2022 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng ở mức 8,1%. Lạm phát cao đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống các hộ gia đình trên khắp châu Âu.

Cách xa lục địa già, người dân ở các khu vực khác như Trung Đông và châu Phi cũng đang chịu áp lực lớn khi tác động lan tỏa từ căng thẳng Nga - Ukraine lan ra toàn cầu. Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến bất bình đẳng thu nhập cao hơn và gây ra bất ổn chính trị - xã hội ở châu Phi và một số nước Trung Đông như Ai Cập, Jordan, Lebanon, Morocco và Tunisia.

Thiệt hại lớn

Diễn biến tại Ukraine cho thấy, kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi nhanh sau đại dịch đang trở nên mong manh khi căng thẳng hai bên chưa có điểm dừng. Sau hơn 3 tháng, thế giằng co ở Ukraine là lý do khiến dư luận cho rằng xung đột có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm nữa.

Nhà sử học quân sự Pháp Michel Goya nhận định, mặt trận miền Đông đang trở thành mặt trận mang tính quyết định và sẽ tiếp tục bào mòn năng lực chiến đấu của các bên trong những tuần tới.
Căng thẳng nổ ra khiến Ukraine và Nga đều chịu thiệt hại. Tổng thống Zelensky cho biết, mỗi ngày có khoảng 100 quân nhân của Lực lượng vũ trang Ukraine thiệt mạng và khoảng 450-500 người bị thương ở Donbass.

Trước đó, ông Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ nước này. Theo Liên hiệp quốc, số người Ukraine di tản ra nước ngoài đã vượt quá 6 triệu người, trở thành cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau khi Thế chiến II kết thúc.

Một số dự báo đều cho rằng kinh tế Ukraine đang đứng trên bờ vực sụp đổ. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự báo, kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 20% trong năm 2022. Tổn thất về hạ tầng mà Ukraine phải gánh chịu là rất lớn, ước tính lên đến 100 tỷ USD.

Thiệt hại từ hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga trong hơn 3 tháng qua khá rõ. Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hoạt động toàn cầu của các ngân hàng nước này bị hạn chế. Các nhà máy của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng để tiếp tục hoạt động. Hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới đã rút khỏi Nga.

Tuy nhiên, Chính phủ Nga tuyên bố không có ý định "đóng sập cánh cửa” đàm phán với Liên minh châu Âu. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự báo, suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Nga sẽ còn kéo dài trong vài năm với mức tăng trưởng âm 10% trong năm nay. Mặc dù vậy, Chính phủ Nga khẳng định, hệ thống tài chính của nước này đã chống chọi được với cú sốc cấm vận từ bên ngoài.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Cơ sở khai thác ở mỏ dầu Vankorskoye phía bắc thành phố Krasnoyarsk, Nga tháng 3/2015.

EU thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm vận dầu.

Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối...

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Truyền thông Nga đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin tuần này đã sa thải một loạt tướng quân đội, trong bối cảnh chiến dịch tấn công quân sự của Moscow sang Ukraine tròn 100 ngày.

Bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Sberbank của Nga tại Ljubljana, Slovenia, ngày 28/2/2022.

Ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga và loại thêm một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục