Đồng rúp mạnh nhất trong 7 năm: Nga làm sụp đổ lệnh trừng phạt của phương Tây

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 7:53:42 AM

Đồng rúp đang ở mức mạnh nhất trong vòng 7 năm, thậm chí mạnh tới nỗi Ngân hàng Trung ương Nga đã chủ động thực hiện các biện pháp để làm suy yếu nó do lo ngại điều đó có thể khiến các mặt hàng xuất khẩu ít cạnh tranh hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng rúp đã cán mốc 52,3 rúp đổi 1 USD ngày 22/6 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Tỷ giá này hoàn toàn khác với tỷ giá 139 rúp đổi 1 USD hồi đầu tháng 3, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiến hành các biện pháp trừng phạt chưa từng có với Moscow nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine.

Sự hồi phục đáng kinh ngạc của đồng rúp những tháng sau đó dường như là "bằng chứng" cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây không hiệu quả.

"Mục đích của họ đã rõ ràng, đó là bóp nghẹt mạnh mẽ nền kinh tế Nga. Nhưng họ đã không thành công. Điều đó không xảy ra", Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định hồi tuần trước tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg thường niên.

Vào cuối tháng 2, sau khi đồng rúp rớt giá và 4 ngày sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Nga đã tăng hơn gấp đôi tỷ lệ lãi suất chủ yếu, từ 9,5% lên 20%. Kể từ đó, giá trị của đồng tiền này được cải thiện và Nga đã hạ mức lãi suất xuống còn 11% vào cuối tháng 5.

Đồng rúp thực sự mạnh tới nỗi Ngân hàng Trung ương Nga đã chủ động thực hiện các biện pháp để làm suy yếu nó do lo ngại điều đó có thể khiến các mặt hàng xuất khẩu của họ ít cạnh tranh hơn. Vậy điều gì đứng đằng sau sự tăng giá của đồng nội tệ Nga và liệu xu hướng này có tiếp tục duy trì?

Doanh thu dầu mỏ và khí đốt cao kỷ lục

Lý do cho sự tăng giá của đồng rúp đơn giản nằm ở việc giá năng lượng tăng cao, kiểm soát vốn và bản thân các lệnh trừng phạt.

Nga là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Khách hàng chủ yếu của Nga là Liên minh châu Âu (EU) - khi các quốc gia thành viên của liên minh này đã mua hàng tỷ USD năng lượng Nga mỗi tuần nhưng vẫn cố gắng trừng phạt Moscow.

Điều đó đã đặt EU vào một vị trí kỳ quặc khi liên minh này dành tiền mua dầu mỏ, khí đốt và than đá Nga gấp nhiều lần ngân sách tài chính hỗ trợ cho Ukraine. Với giá dầu thô Brent cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cả khi nhiều nước phương Tây hạn chế mua dầu Nga thì Moscow vẫn đang thu về lợi nhuận kỷ lục.

Trong 100 ngày đầu chiến tranh Nga - Ukraine, Nga đã thu về 98 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, một tổ chức tại Phần Lan cho hay. Hơn một nửa doanh thu Nga nhận được đến từ EU, với khoảng 60 tỷ USD.

Trong khi nhiều nước EU có ý định giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng Nga thì điều này có thể phải mất nhiều năm nữa. Năm 2020, EU phụ thuộc 41% nhập khẩu khí đốt và 36% dầu mỏ từ Nga.

EU đã thông qua gói trừng phạt đáng chú ý hồi tháng 5 khi cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ Nga vào cuối năm nay nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng kể với loại dầu được vận chuyển qua đường ống bởi những quốc gia không giáp biển như Hungary và Slovenia không thể tiếp cận các nguồn dầu thay thế được vận chuyển bằng đường biển.

"Tỷ giá hối đoái của đồng rúp hiện nay là do Nga đã thu về thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục trên thị trường ngoại hối", Max Hess, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định với CNBC.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, thặng dư tài khoản vãng lai từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay đã vượt 110 tỷ USD, cao gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiểm soát vốn nghiêm ngặt

Kiểm soát vốn cũng đóng vai trò quan trọng bởi một thực tế đơn giản là Nga không thể nhập khẩu nhiều hơn do các lệnh trừng phạt, điều đó tức là họ đang dành ít tiền hơn để mua hàng hóa từ những nơi khác.

"Các nhà chức trách đã thực hiện kiểm soát vốn khá nghiêm ngặt ngay khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra. Kết quả là tiền đang chảy vào từ xuất khẩu trong khi hầu như có rất ít dòng vốn ra. Hiệu ứng ròng của việc này là đồng rúp trở nên mạnh hơn".

Đồng rúp mạnh có phản ánh thực tế nền kinh tế Nga?

Liệu đồng rúp mạnh có đồng nghĩa với việc những thành tố cơ bản của nền kinh tế Nga đã ổn định và Moscow đã thoát khỏi lệnh trừng phạt?

Các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ không diễn ra nhanh như vậy.

Bộ Kinh tế Nga cho biết hồi giữa tháng 5 rằng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cán mốc gần 7% vào năm nay và việc quay lại mức như năm 2021 là điều không thể. Để quay lại tỷ lệ khi đó, có thể sớm nhất là phải tới năm 2025.

Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu, hàng nghìn công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, khiến cho một số lượng lớn người ở Nga thất nghiệp. Đầu tư nước ngoài đối mặt với cú đánh nặng nề và tỷ lệ nghèo đói tăng gần gấp đôi trong 5 tuần đầu chiến tranh, cơ quan thống kê liên bang của Nga Rosstat cho hay.

"Đồng rúp của Nga không còn là dấu hiệu của sức mạnh nền kinh tế nữa", ông Hess bình luận.

Khi được hỏi liệu sức mạnh của đồng rúp có được duy trì hay không, Themos Fiotakis - người đứng đầu tổ chức nghiên cứu FX tại Barclays cho rằng: "Điều này không chắc chắn và phụ thuộc vào những diễn biến địa chính trị cũng như chính sách thích ứng".

(Theo VOV)

Các tin khác

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp với các thành viên của Ủy ban Khẩn cấp vào ngày 23/6. Sự kiện này sẽ đánh dấu tuyên bố quan trọng với đậu mùa khỉ.

Châu Âu đang lên phương án cho trường hợp Nga khóa van khí đốt.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng châu Âu cần chuẩn bị ngay cho việc Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang các nước vào mùa đông này.

Ảnh minh họa.

Công cụ cho phép mọi công dân Brazil có thể báo cáo với các cấp tòa án bầu cử về tin giả hoặc nội dung sai lệch về cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Nam Mỹ này vào tháng 10 tới.

Ảnh minh họa.

Nước Anh đã xóa sổ hoàn toàn căn bệnh bại liệt từ 2 thập niên trước nhưng giới chức y tế phát hiện một loại virus gây bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine trong các mẫu nước thải ở thủ đô London.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục