Một trong những điểm nổi bật của cuộc sống ở New Delhi là mùa xuân. Trong một vài tuần thời tiết đẹp vào tháng 2 và tháng 3, những tia nắng vàng nhẹ nhàng xuyên qua những tán cây và sương mù mùa đông đang tan dần, sưởi ấm cho cư dân của thủ đô của Ấn Độ sau nhiều tháng lạnh giá. Nhưng thời điểm đẹp đã đột ngột bị rút ngắn trong năm nay. Sau khi mùa đông lạnh vừa kết thúc sớm hơn một chút thì các đợt nắng nóng liên tục đổ tới. Tháng 3 vừa qua là thời điểm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ ở New Delhi vượt qua 40 độ C vào tháng 4 và chạm mức 49 độ C vào tháng 5.
Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại các khu vực lân cận. Tại thành phố Jacobabad của Pakistan, nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 50 độ C, đôi khi đạt đến mức mà con người không thể chịu đựng được nữa.
Các đợt nắng nóng sẽ thường xuyên diễn ra
Các đợt nắng nóng đang trở thành hiện tượng bình thường mới trên toàn khu vực. Một nghiên cứu của Văn phòng Met, Vương quốc Anh cho thấy khả năng xảy ra nắng nóng kỷ lục ở Ấn Độ và Pakistan đang cao gấp 100 lần do biến đổi khí hậu.
Không nơi nào trên trái đất mà nhiều người phải tiếp xúc với cái nóng khắc nghiệt như vậy. Các nhà nghiên cứu cho biết đây cũng là một dấu hiệu báo động về tình trạng mà hàng triệu người trên thế giới có thể phải đối mặt.
Roxy Mathew Koll, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ đề cập đến những đợt nóng gần đây trên toàn thế giới: "Khu vực Nam Á này là một minh chứng rõ rệt về biến đổi khí hậu, mặc dù Ấn Độ đang phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ nhất, thì tình hình không chỉ xảy ra ở nước này mà còn ở Anh và các nơi khác".
Để tránh nóng, nhiều người chọn lui tới những nơi có điều hòa nhiệt độ. Nhiều người Ấn Độ trung lưu và giàu có chọn dành những ngày cuối tuần ở trung tâm mua sắm thay vì ở công viên. Tuy nhiên, thoát khỏi cái nóng là một điều xa xỉ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, chỉ 5% hộ gia đình Ấn Độ có điều hòa nhiệt độ vào năm 2018, so với 90% ở Mỹ.
Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Các nhà kinh tế ước tính rằng có tới 80% công việc ở Ấn Độ là phi chính thức, thường ở ngoài trời và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc xây dựng. Do đó, người lao động phải tiếp xúc với cái nóng không ngừng và khắc nghiệt. Điều này xảy ra nghiêm trọng hơn ở các thành phố, nơi khối lượng bê tông lớn làm gia tăng cái nóng.
Đó là tình cảnh của cặp vợ chồng Mahesh Yadav và Srimati Devi ở độ tuổi 50 đã di cư từ bang miền đông Bihar đến Delhi cách đây 20 năm. Họ là một trong những cư dân bị thiệt thòi nhất của thủ đô, sống trong một khu ổ chuột bằng ván ép và lều bạt dọc theo đường ray xe lửa không có điện hoặc nước sinh hoạt.
Không có quạt để làm mát, họ ngủ trên bậc bê tông của một cây cầu vượt gần đó để hóng gió vào ban đêm. Yadav, một người kéo xe, đã bị phát ban dọc lưng do không ngừng đổ mồ hôi. Ông nói: "Bác sĩ nói tôi phải nghỉ ngơi. Nhưng tôi không thể ngồi ở nhà."
Thời tiết khắc nghiệt gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2021 trên tờ Lancet cho thấy Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do giảm năng suất lao động và tỷ lệ tử vong do nắng nóng.
Amir Bazaz, một nhà nghiên cứu tại Viện Con người Ấn Độ, cho rằng thời tiết nắng nóng, giống như COVID-19, đang đẩy các gia đình dễ bị tổn thương vào cảnh nghèo đói khi những người trụ cột trong gia đình phải vật lộn để làm việc.
Khi các nhà chức trách Ấn Độ đầu tư vào năng lượng tái tạo và các nguồn tài nguyên khác để giúp hạn chế nhiệt độ tăng, họ cũng tập trung vào việc thích ứng với tình trạng hiện tại. Các "kế hoạch hành động chống nóng" của địa phương nhằm giúp đỡ các thành phố về mọi thứ, từ hệ thống cảnh báo sớm đến đầu tư vào các "mái nhà mát mẻ" làm chệch hướng ánh sáng mặt trời ra khỏi các tòa nhà. Nhưng các nhà nghiên cứu như Koll nói rằng cần nhiều hơn thế.
Tình hình thời tiết khắc nghiệt ở Ấn Độ cũng có tác động trực tiếp đối với phần còn lại của thế giới. Sau khi nắng nóng đầu năm làm hư hại cây trồng bao gồm lúa mì, chính quyền Ấn Độ đã cấm xuất khẩu - một động thái góp phần đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao.
(Theo Tổ quốc)