Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục mới - 8,6%

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/7/2022 | 8:44:11 AM

Số liệu chính thức mới công bố ngày 1-7 cho thấy lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine làm tăng giá năng lượng và tác động xấu đến nền kinh tế châu Âu.

Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục mới - 8,6%
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lập kỷ lục mới - 8,6%

Theo Hãng tin AFP, Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết mức tăng giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro là 8,6% trong tháng 6-2022, nhảy vọt so với kỷ lục cũ 8,1% của tháng trước.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, giá tiêu dùng khu vực đồng tiền chung châu Âu liên tục lập kỷ lục do giá năng lượng tăng cao. Giá năng lượng ở đây đã tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước, do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine.

Ngoài giá năng lượng, giá lương thực cũng tăng 8,9%, cho thấy lạm phát đang lan rộng trong nền kinh tế. Thực phẩm chưa qua chế biến, như rau và trái cây, cũng tăng đáng kể với mức 11,1% do giá khí đốt cao khiến phân bón đắt đỏ hơn. 

Không một quốc gia nào trong khu vực sử dụng đồng euro không bị ảnh hưởng của lạm phát, vốn chưa bao giờ cao như hiện nay. Vấn đề này đã trở thành một thách thức vô cùng cấp bách và phức tạp với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Các nước Baltic vẫn là các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do xu hướng tăng giá - Estonia có mức lạm phát 22%, Lithuania lạm phát 20,5% và Latvia lạm phát 19% - do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng. 

Ông Philippe Waechter, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản Ostrum Asset Management, cho biết: "Trong lịch sử, chúng ta chưa bao giờ có mức tăng cao tương tự về giá thực phẩm. Nó sẽ có tác động lớn".

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẽ làm tất cả những gì cần làm để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu, mà cụ thể là đưa giá năng lượng và thực phẩm về tầm kiểm soát.

Pushpin Singh, chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại, cảnh báo: "Lạm phát ở khu vực đồng euro đang lan rộng hơn, triển vọng cho phần còn lại của năm 2022 với khu vực này sẽ tiếp tục ảm đạm".

Trong bối cảnh đó, kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga ngày càng cho thấy nước này sẵn sàng cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, một nguy cơ khiến khu vực đồng euro có thể sẽ không có đủ khí đốt cho mùa đông tới.

(Theo TTO)

Các tin khác
Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga.

Nord Stream AG lưu ý rằng công tác bảo dưỡng hằng năm đã được lên kế hoạch trước và tiến độ thực hiện đã được thống nhất và phối hợp với các đối tác trong việc vận chuyển khí đốt.

Ukraine bắt đầu bán điện cho EU.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine bắt đầu xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu thông qua Romania sau khi Nga giảm nguồn cung khí đốt tới khối này.

Không có lý do gì để thay đổi công thức “một đất nước, hai chế độ”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu nhân chuyến thăm đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) để dự lễ nhậm chức của trưởng đặc khu mới.

Hong Kong kỷ niệm 25 năm ngày được trao trả về Trung Quốc.

Sau khi lễ thượng cờ kết thúc, chính quyền Đặc khu sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong trở về với đại lục và lễ nhậm chức của chính quyền mới tại Trung tâm Hội nghị triển lãm Hong Kong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục