Nghị quyết về xung đột Israel - Hamas, do Malta đệ trình, được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hôm 15/11 với 12 phiếu thuận và ba phiếu trắng từ Mỹ, Nga và Anh.
Nghị quyết kêu gọi các bên lập tức "tạm dừng" giao tranh ở Dải Gaza và thiết lập các hành lang nhân đạo "trong đủ số ngày" để cho phép hàng cứu trợ tới được tay dân thường. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an thông qua được một nghị quyết về chiến sự ở Dải Gaza kể từ khi giao tranh bùng phát hồi đầu tháng 10.
Văn kiện không nói rõ bao nhiêu ngày là đủ để đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza. Dự thảo nghị quyết trước đó đề nghị các bên tạm ngừng 5 ngày liên tiếp trong vòng 24 giờ từ khi nghị quyết được thông qua.
"Cần có khoảng thời gian đủ lâu để chúng ta có thể huy động các nguồn lực hỗ trợ, tới khi chúng ta có đủ nhiên liệu và người dân nhận được thứ họ cần", Stephane Dujarric, phát ngôn viên Tổng thư ký LHQ, nói.
Nghị quyết của LHQ kêu gọi các bên tuân thủ những nghĩa vụ nhân đạo quốc tế ở Dải Gaza, nhất là vấn đề liên quan tới bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nghị quyết cũng kêu gọi "thả lập tức và vô điều kiện các con tin". Lực lượng Hamas ở Dải Gaza được cho là đang giữ hơn 230 con tin.
Các thành viên Hội đồng Bảo an không lên án cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng một số thành viên từng phớt lờ chúng.
Israel bác bỏ nghị quyết này vì không lên án cuộc tấn công khiến 1.200 người chết của Hamas. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel đề nghị dứt khoát lên án Hamas và báo hiệu rằng không đồng ý "kéo dài thời gian tạm dừng nhân đạo" khi các con tin chưa được thả.
Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour trong khi đó cho hay nghị quyết của Hội đồng Bảo an không lên án "những cuộc tấn công bừa bãi" của Israel khiến hơn 11.000 người Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng, trong đó có khoảng 5.000 trẻ em.
Sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hôm 7/10, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhiều lần cố gắng thông qua một nghị quyết nhưng không thành công, do bất đồng về việc dùng từ ngữ nào để kêu gọi các bên ngừng giao tranh, dù trong thời gian ngắn. Các nhà ngoại giao cho biết Mỹ phản đối cụm từ "ngừng bắn", thay vào đó đề xuất từ "tạm dừng".
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân hôm 15/11 bày tỏ thất vọng khi Hội đồng Bảo an không đưa ra hành động nào trong 40 ngày qua. Đặc phái viên Vanessa Frazier của Malta, nước đệ trình nghị quyết, nói rằng sau khi cân nhắc các quan điểm, bà thấy rằng 15 thành viên Hội đồng Bảo an đều mong muốn "cứu người và có khoảng thời gian tạm dừng" cho dân thường.
(Theo VnExpress)