Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh, Chính phủ Hàn Quốc ngày 31/5 đã công bố kế hoạch xây dựng thêm ba nhà máy điện hạt nhân mới và một nhà máy điện hạt nhân module nhỏ (SMR) vào năm 2038.
Với kế hoạch mới này, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Yoon Suk-Yeol đã hoàn toàn từ bỏ chính sách loại bỏ hạt nhân mà chính quyền tiền nhiệm theo đuổi.
"Kế hoạch thực hiện khung cơ bản về cung cầu điện năng" sẽ áp dụng trong vòng 15 năm, cho tới năm 2038. Theo đó, Hàn Quốc sẽ xây dựng ba nhà máy điện nguyên tử mới, cùng một lò phản ứng module nhỏ để bổ sung thêm 10,6GW điện năng.
Thời điểm xây dựng và địa điểm đặt nhà máy sẽ được cân nhắc và dự kiến các cơ sở mới sẽ đi vào hoạt động sau năm 2037.
Chính phủ Hàn Quốc nhận định tới năm 2038, nhu cầu điện năng trong nước tối đa sẽ tăng lên 129,4GW và cần có thêm thiết bị phát 157,8GW điện năng để có thể duy trì tỷ lệ dự phòng ở mức thích hợp.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của sự phổ cập Trí tuệ Nhân tạo (AI), nhu cầu điện năng cho các trung tâm dữ liệu và chip bán dẫn vào năm 2030 dự báo sẽ tăng gấp hơn hai lần so với thời điểm năm 2023.
Với các thiết bị phát điện bằng năng lượng Mặt Trời và sức gió, Chính phủ Hàn Quốc dự tính đến năm 2030 sẽ nâng công suất lên gấp hơn ba lần so với năm 2022 để có thể tiến tới sản xuất 120GW cho tới năm 2038.
Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng dự định nâng tỷ trọng năng lượng không phát thải carbon lên 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2038 nhằm đạt mục tiêu Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC), tức cắt giảm khí nhà kính cho tới năm 2030.
"Kế hoạch thực hiện Khung cơ bản về cung cầu điện năng” với việc xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân sẽ phải trải qua các quy trình đánh giá về môi trường chiến lược và đánh giá về tác động khí hậu của Bộ Môi trường, tham vấn giữa các ban ngành chính phủ và thông qua tại Quốc hội mới có thể triển khai.
Giáo sư Jeong Dong-wook thuộc Khoa Kỹ thuật hệ thống năng lượng tại Đại học Chungang cho biết từ năm 2017 đến nay, một nhóm 91 chuyên gia chuyên trách đã nghiên cứu và thực hiện các báo cáo để lập kế hoạch tư vấn cho Chính phủ Hàn Quốc về phát triển nguồn năng lượng.
Để đảm bảo phát triển bền vững và tiến tới mục tiêu không carbon, Hàn Quốc cần thực hiện mở rộng phát triển cân bằng hai trục năng lượng là năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Nếu phát triển theo đúng kế hoạch, đến năm 2030, tỷ trọng điện hạt nhân, năng lượng mới và năng lượng tái tạo của Hàn Quốc sẽ lần lượt đạt 31,8% và 21,6%.
Đến năm 2038, tỷ trọng điện hạt nhân sẽ chiếm 35,6%, năng lượng mới và tái tạo chiếm 32,9%, hydro và amoniac sẽ tăng thêm tới 5,5%. Như vậy, tổng tỷ lệ năng lượng phi carbon dự kiến sẽ tăng từ 39,1% năm 2023 lên 70,2% vào năm 2038.
Park Joo-heon, Giáo sư kinh tế tại Đại học Dongguk và là cựu Giám đốc Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc, cho rằng sẽ không dễ dàng để đạt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên trên 30% tổng nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu không carbon, việc công bố kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới và lò phản ứng SMR loại nhỏ là hợp lý.
(Theo Vietnam+)