Những ngày qua, Ukraine gây bất ngờ cho thế giới khi đột kích nhanh chóng vào lãnh thổ ở Nga, đầu tiên là ở tỉnh Kursk, sau đó là tỉnh Belgorod. Quân đội Ukraine đã vượt qua 2 phòng tuyến của Nga ở Kursk và vấp phải ít sự kháng cự. Chiến dịch tấn công bất thần này bắt đầu vào ngày 6/8/2024.
Hiện người ta vẫn chưa thực sự rõ mục tiêu chiến lược của cuộc đột kích này. Phương Tây (như Mỹ và Đức) đang lặng lẽ theo dõi và để cho Ukraine chủ động ra tay trên chiến trường.
Vậy sau những thành công sơ bộ, Ukraine sẽ làm gì tiếp? Liệu Ukraine sẽ tung ra những lá bài bất ngờ nào nữa?
Hiện nay Ukraine đang đứng trước một số lựa chọn. Quân Ukraine có thể tiếp tục tiến xa hơn vào lãnh thổ Nga và xây công sự bảo vệ những gì họ chiếm được. Hoặc Ukraine cố chứng minh rằng Nga không phải là bất khả chiến bại, rồi sau đó Ukraine sẽ rút quân.
Một số quan chức Ukraine nói với giới chức Mỹ rằng chiến dịch đột kích này nhằm tạo thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga, đó là ép Nga phải lựa chọn rút bớt quân ở miền Đông Ukraine để chi viện cho mặt trận Kursk.
Nhưng mặt khác, chiến dịch này đồng thời tạo ra các điểm yếu cho Kiev. Một bộ phận lính tinh nhuệ, dạn dày kinh nghiệm của Ukraine ở miền Đông và Nam Ukraine đã được điều tới Kursk, và do vậy thế trận của Ukraine ở miền Đông và Nam sẽ bị suy yếu.
Trên thực tế, vào ngày 9/8 (khi chiến dịch đột kích của Ukraine ở Kursk bước sang ngày thứ 4), quân Nga đã thọc sâu về thị trấn Pokrovsk - một trung tâm hậu cần quan trọng của quân đội Ukraine trên đất Ukraine. Đến ngày 15/8, tình hình còn xấu hơn nữa với Ukraine, khi quân Nga tiến sát thị trấn này.
Phương án bám trụ tại Kungfu
Bất chấp những tổn thất mới có ở miền Đông, dường như Ukraine chấp nhận phương án bám trụ tại Kursk cùng những cái giá sẽ phải trả.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết, cho tới nay, Ukraine đã kiểm soát được 80 khu định cư ở tỉnh Kursk, bao gồm thị trấn chiến lược Sudzha. Tướng Syrsky cho biết, Ukraine thậm chí đã lập một cơ quan hành chính quân sự ở Kursk.
Lựa chọn "vận động chiến" và lối đánh bất đối xứng
Binh sĩ Ukraine có xây dựng chiến hào sau khi chiếm được đất ở Kursk nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy đó là hệ thống công sự kiên cố, với hệ thống vật cản đồ sộ chống xe tăng và xe thiết giáp.
Serhii Kuzan - chủ tịch Trung tâm An ninh và hợp tác Ukraine (nhóm nghiên cứu phi chính phủ) cho rằng xây dựng công sự cố định như vậy là mạo hiểm vì Nga có ưu thế về máy bay, hỏa lực và nhân lực nên họ có thể tổ chức tiến công hệ thống công sự Ukraine từ nhiều hướng, khiến lính Ukraine khó chống đỡ và dễ bị thương vong lớn.
Theo ông Kuzan, Ukraine có thể tiếp tục thực hiện "tác chiến cơ động cao", bằng cách tấn công vào nơi Nga không ngờ tới và tổ chức các nhóm tác chiến nhỏ để thăm dò và quấy rối, gây bất ổn định cho phòng tuyến Nga.
Nhà nghiên cứu Kuzan nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể tiến hành chiến tranh theo kiểu đối xứng - tăng chọi tăng, lính chọi lính, bởi vì Nga có lực lượng đông vượt trội".
Mặc dù tại Kursk, quân Ukraine vấp phải ít sự kháng cự nhưng từ ít nhất là ngày 15/8, đà tiến của họ đã chậm lại.
Ý đồ mặc cả và thông điệp chính trị lớn hơn
Các nhà phân tích cho rằng nếu Ukraine giữ được đất họ vừa chiếm ở Kursk, họ có thể dùng lãnh thổ đó để mặc cả với Nga. Chẳng hạn, Ukraine có thể dùng lãnh thổ đó để đổi lấy đất gần Kharkov mà lực lượng Nga đã chiếm được vào mùa xuân vừa qua.
Mykhailo Podolyak - cố vấn cho tổng thống Ukraine, vào hôm 16/8 nói rằng Nga chỉ chấp nhận đàm phán khi hứng chịu "những thất bại chiến thuật đáng kể".
Không những thế, Ukraine có thể đang nỗ lực chứng minh rằng họ không bỏ cuộc trong cuộc đối đầu với Nga, từ đó thuyết phục phương Tây tiếp tục viện trợ cho họ.
Như vậy chiến dịch đột kích Kursk và Belgorod tuy là một chiến dịch quân sự nhưng lại mang đậm chất chính trị và tâm lý.
Nói cách khác, quân Ukraine cố gắng đánh vào biểu tượng quyền lực của chính quyền Nga để tạo cảm giác chính quyền Nga không bảo đảm được an ninh cho người dân nước mình ngay trong lãnh thổ của họ.
Không phải ngẫu nhiên, sau khi xảy ra vụ đột kích Kursk, Tổng thống Nga Putin đã triệu tập họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu của nước này. Ngoài ra, ông cũng gặp các thống đốc địa phương vùng biên để bàn những việc cần làm ngay.
Nhìn lại quá trình xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022, có thể thấy quân đội và tình báo Ukraine đã nhiều lần tổ chức tấn công vào cây cầu Kerch có giá trị biểu tượng cao của Nga và các cơ sở khác nằm sâu trong nội địa Nga (bằng phương thức ngầm hoặc bằng phương tiện như máy bay không người (UAV), xuồng không người lái (USV) hoặc tên lửa tầm xa). Đây cũng là một phần trong cách tiếp cận bất đối xứng đã nêu ở trên.
Trên tinh thần đó, Ukraine có thể đang xây dựng kế hoạch thực hiện thêm những điều khó dự đoán nhằm vào những vùng lãnh thổ khác của Nga cũng như những vùng lãnh thổ của Nga mà họ vừa chiếm được từ ngày 6/8 tới nay.
(Theo VOV)