RT đưa tin, ngày 28-8, tòa án ở Pháp chính thức truy tố nhà sáng lập Telegram, tỷ phú người Nga Pavel Durov, cáo buộc CEO đồng lõa trong một loạt các tội danh và cấm ông này rời khỏi Pháp cho đến khi vụ án kết thúc.
Durov đã ra hầu tòa tại Paris hôm 28-8, bốn ngày sau khi ông bị bắt khi đến thủ đô nước Pháp từ Azerbaijan. Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối cùng ngày, tòa án cho biết, Durov chính thức bị buộc tội với hàng chục tội danh, bao gồm cả việc đồng lõa "quản lý một nền tảng trực tuyến" do một băng nhóm tội phạm sử dụng để thực hiện giao dịch bất hợp pháp - tội danh mà tòa án cho biết có mức án phạt tối đa là 10 năm tù.
Các tội danh còn lại, được các công tố viên công bố hôm 26-8, bao gồm tạo điều kiện cho gian lận, rửa tiền, phân phối ma túy, khiêu dâm trẻ em, cũng như từ chối chuyển giao dữ liệu người dùng cho các cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật.
Doanh nhân người Nga, người cũng có quốc tịch Pháp, UAE và St. Kitts và Nevis, được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu euro (5,55 triệu USD).
Ông được lệnh phải ở lại Pháp cho đến khi cuộc điều tra chống lại ông kết thúc và phải đến đồn cảnh sát hai lần một tuần.
Các cuộc điều tra hình sự ở Pháp do các thẩm phán đặc biệt được trao quyền rộng rãi tiến hành. Các cáo buộc như những cáo buộc chống lại Durov thường được công bố trước khi các nhà điều tra hoàn tất việc thu thập bằng chứng và có thể bị hủy bỏ bất kỳ lúc nào nếu không thể chứng minh được.
Tuyên bố của tòa án lưu ý rằng, cuộc điều tra chống lại Durov bắt đầu vào tháng 2. Chi tiết này mâu thuẫn với tuyên bố do các công tố viên đưa ra ngày 26-8, trong đó cho biết, cuộc điều tra bắt đầu vào tháng trước. Cuộc điều tra do OFMIN, một cơ quan của Pháp có nhiệm vụ điều tra các tội ác chống lại trẻ vị thành niên, chỉ đạo.
Telegram, ứng dụng có gần 1 tỷ người dùng hằng tháng, thường từ chối giao dữ liệu người dùng hoặc hồ sơ trò chuyện cho cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, công ty cho biết vào ngày 25-8 rằng, họ tuân thủ luật pháp địa phương và nhấn mạnh, "thật vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng phải chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng nền tảng đó".
Các nhà hoạt động chống kiểm duyệt mô tả vụ bắt giữ Durov là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn chống lại quyền tự do ngôn luận do các chính phủ phương Tây tiến hành.
Người tố giác Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cáo buộc Pháp bắt doanh nhân này "làm con tin" để truy cập vào các thông tin liên lạc riêng tư trên Telegram.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 26-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, vụ bắt giữ Durov "hoàn toàn không phải là quyết định chính trị" và rằng "hơn bất kỳ ai, Pháp luôn cam kết với quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt".
Không rõ liệu Durov có bị ép giao nộp dữ liệu người dùng hay không kể từ khi bị bắt vào ngày 24-8. Sergey Naryshkin - người đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR) - nhận định, CEO Telegram có thể sẽ bị ép buộc giao nộp dữ liệu. "Tôi thực sự hy vọng ông ấy sẽ không cho phép điều này" - Naryshkin nói với hãng thông tấn TASS của Nga.
(Theo HNMO)