APEC: Quyết tâm thúc đẩy tự do thương mại
- Cập nhật: Thứ hai, 15/11/2010 | 2:09:00 PM
Các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ngày 14-11 đã đạt nhất trí sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các kế hoạch thành lập một khu vực thương mại tự do rộng lớn trong những năm tới.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tại hội nghị APEC 2010.
|
Christian Science Monitor cho biết sau hai ngày họp mặt ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, 21 nước thành viên Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí “thực hiện những bước vững chắc để hướng tới một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)”, với mục tiêu kết nối các nền kinh tế đang phát triển nhanh trong vùng với ba nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan nói FTAAP có thể được thực hiện từ năm 2020 và sẽ giảm mạnh các loại thuế và hàng rào nhập khẩu với mọi mặt hàng từ trang thiết bị xe hơi tới lương thực trong một khu vực chiếm một nửa sản lượng kinh tế và hai phần ba lưu lượng thương mại toàn cầu.
Trong thông cáo chung mang tên “Tầm nhìn Yokohama”, các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố “tự do hóa và tạo điều kiện cho thương mại sẽ tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của APEC”. Một trong những cơ chế trọng tâm của APEC là hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện đang có sự tham gia của Chile, New Zealand, Brunei và Singapore. Mỹ, Úc, Malaysia, Việt Nam và Peru đều đã xác nhận và đang tiến hành thương lượng để gia nhập khối này.
Một trong những quốc gia có thể đóng vai trò đột phá trong vấn đề tự do hóa thương mại ở khu vực chính là Nhật Bản. AFP dẫn lời Thủ tướng Kan thừa nhận dỡ bỏ các hàng rào thương mại sẽ khiến nền kinh tế nước này “chịu đựng nhiều đau đớn”, nhưng “Nhật Bản vẫn quyết tâm mở cửa”.
Chính quyền Tokyo, viện lý do an ninh lương thực và văn hóa, đã từ lâu bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp thiếu hiệu quả trong nước trước các sản phẩm có giá hết sức cạnh tranh từ các nhà sản xuất lương thực thực phẩm lớn như Mỹ, Úc và Việt Nam, AFP bình luận. Hiện Nhật Bản đang quy định mức thuế tới 800% cho mặt hàng gạo nhập khẩu và 250% cho lúa mì. Theo TPP, những loại thuế này sẽ không thể tồn tại, dẫn đến cuộc biểu tình của khoảng 3.000 người ở Tokyo tuần trước.
Tuy nhiên, AFP dẫn lời các nhà phân tích nói những cải cách là cần thiết với Nhật Bản khi nền kinh tế nước này đang vật lộn với tình trạng giảm phát, dân số giảm, nợ công khổng lồ, đồng yen tăng giá và sự phục hồi chậm chạp.
(Theo TTO)
Các tin khác
Ngày 12-11, ít nhất 30 người đã thiệt mạng và 150 người bị thương trong một vụ nổ lớn đã xảy ra đêm 11-11 tại khu trung tâm thành phố công nghiệp Karachi ở miền Nam Pakistan.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Nhật Bản vừa đề xuất với Việt Nam chương trình hợp tác nghiên cứu lập dự án đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.
Báo Nga Kommersant ngày 11-11 cho biết một sĩ quan tình báo cấp cao của Nga đã phản bội lại tổ chức và chỉ điểm cho cơ quan phản gián Mỹ. Người này cũng tự nhận anh ta suýt nữa bị ám sát vì phản bội.
Những ngày này, khu vực châu Á đang rất nhộn nhịp với hai Hội nghị quan trọng: Hội nghị APEC diễn ra tại Nhật Bản, và tại Hàn Quốc là nhóm G20, trong đó tất cả đều tập trung vào các vấn đề kinh tế mà cả thế giới quan tâm.