Ai Cập: Khủng hoảng chưa có điểm dừng
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 8:04:57 AM
Sau 2 tuần xảy ra biểu tình, bạo loạn nghiêm trọng do hàng trăm ngàn người dân muốn lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, cộng đồng quốc tế đang chăm chú dõi theo điểm nóng Ai Cập.
Dòng người biểu tình đổ về quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo.
|
Một số kịch bản dành cho Ai Cập được đưa ra đều xoay quanh 2 khả năng: quân đội tái lập trật tự nơi này hoặc ông Mubarak phải ra đi.
Quân đội đứng ngoài
Quân đội Ai Cập được biết đến là lực lượng quân sự mạnh nhất ở châu Phi hay khu vực Trung Đông. Tiếc thay, Tổng thống Mubarak không có được họ trong tay, một thứ “vũ khí” quý giá mà bất cứ người đứng đầu nào có được sẽ gần như có lợi thế hoàn toàn.
Đối diện với những cuộc biểu tình của người dân nhằm vào ông Mubarak, lực lượng này đã tỏ thái độ không muốn dùng vũ lực gây nguy hại cho bất cứ ai. Quân đội đã tuyên bố công nhận sự đòi hỏi chính đáng của người dân, một khi việc biểu tình không gây nguy hại cho an ninh hoặc tổn hao tài sản quốc gia.
Trong nỗ lực của riêng mình, Tổng thống Mubarak hồi tuần trước đã giải tán chính phủ, sa thải hàng loạt bộ trưởng cũng như những quan chức cấp cao đã để ít nhất 100 người dân thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn.
Một động thái tưởng như tạo được chuyển biến tích cực là việc chính quyền Trung ương Ai Cập và phong trào đối lập Huynh đệ Hồi giáo bắt đầu đàm phán công khai, nhưng thật sự, đây không phải là điều đơn giản. Nhóm này tuyên bố sẽ rời bàn đàm phán một khi những yêu cầu của người biểu tình, gồm cả việc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức ngay lập tức, không được đáp ứng.
Phe đối lập đã tỏ ra vô cùng cẩn trọng vì họ hiểu rằng viên kẹo ngọt đôi khi lại trở nên cực kỳ nguy hiểm. Song song đó, nội các mới của Ai Cập trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 8-2 đã thông qua quyết định từ tháng 4-2011 tăng 15% lương và trợ cấp hàng tháng cho công nhân viên chức, nhằm xoa dịu sự giận dữ của người dân trong các cuộc biểu tình kéo dài 2 tuần qua.
Viễn cảnh mịt mờ
Trong những tiết lộ được công bố gần đây, trang Wikileaks cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ đã báo cáo về Washington tình hình Ai Cập mà theo họ là ngày càng bất ổn do vị tổng thống đã nắm giữ chính quyền suốt 30 năm và cai trị theo cách một nhà độc tài quân phiệt.
Trong bài nói chuyện lịch sử hồi tháng 6-2009 ở Cairo, Tổng Thống Obama xác định tình hữu nghị của Mỹ với Ai Cập nhưng vẫn khẳng định Mỹ muốn có sự kiềm chế và quá trình chuyển tiếp có trật tự sang một chính phủ mới.
Từ lâu, 5 tổng thống Mỹ, từ Ronald Reagan đến George Bush, Bill Clinton, George W.Bush rồi Barack Obama vẫn xem Tổng thống Mubarak là đồng minh quan trọng thứ nhì của Mỹ ở Trung Đông, sau Israel. Ông Mubarak là người đã duy trì và thực thi bản Hiệp ước hòa bình với Israel do người tiền nhiệm, Tổng thống Anwar Sadat, ký kết năm 1979. Ông Mubarak cũng đóng góp rất nhiều vào sự ổn định hòa bình, dù chưa là bền vững, giữa Israel và thế giới Arập.
Về phía Israel, lãnh đạo quốc gia này cũng như đang ngồi trên đống lửa. Lo lắng lớn nhất của Israel là phe Huynh đệ Hồi giáo có thể sẽ nắm được vai trò trọng yếu trong chính quyền Ai Cập tương lai và Hiệp ước hòa bình Israel - Ai Cập không còn được duy trì.
Theo các nhà phân tích, nguy cơ thực sự cho sự ổn định của thế giới Arập là sự quản lý yếu kém của chính quyền. Những người trẻ tại Ai Cập quá thất vọng vào sự trì trệ kéo dài trong suốt thời gian qua, ảnh hưởng đến tương lai của họ. Việc thay đổi ở Ai Cập không thể là “bình mới rượu cũ” nếu không muốn khủng hoảng sẽ tiếp tục lan rộng khắp khu vực.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Thủ lĩnh phiến quân Chechnya Doku Umarov tuyên bố chính hắn ra lệnh thực hiện vụ khủng bố tại sân bay Matxcơva khiến 36 người thiệt mạng.
Những ngày qua, các cuộc biểu tình tiếp tục tạo áp lực buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức. Theo BBC, đỉnh điểm của cuộc biểu tình là ngày 4-2 với hơn 100.000 người tại quảng trường Tahrir đòi Tổng thống Mubarak và toàn bộ nội các của ông từ chức.
Ngày 3/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố chương trình phản ứng toàn cầu chống cướp biển.
Có mặt tại Ai Cập trong những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được mức độ căng thẳng và khốc liệt của cuộc đối đầu giữa chính quyền của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak va phong trào biểu tình.