Tổng thống Libya nắm giữ lượng vàng lớn thứ 25 thế giới

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/3/2011 | 8:29:12 AM

Trong khi cộng đồng quốc tế đang tấn công chính quyền Gaddafi bằng quân sự và phong toả tài sản nhằm cắt mọi nguồn tài chính cho lực lượng trung thành, thì nhà lãnh đạo Libya vẫn đang ngồi trên cả một núi vàng.

Theo con số mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, ngân hàng Trung ương Libya dưới quyền kiểm soát của Gaddafi hiện nắm giữ tới gần 144 tấn vàng. Một số thông tin cho hay, số lượng chính xác có thể còn cao hơn vài tấn.

Với 144 tấn vàng này, Libya được xếp hàng thứ 25 trong số những nước có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, trị giá hơn 6.5 tỉ USD ở thời điểm hiện tại, đủ để chi trả cho một lực lượng quân đội vừa phải trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm.

Trong khi các ngân hàng trung ương ở nhiều nước thường dự trữ vàng tại London, New York hay Thuỵ Sĩ thì Libya lại cất giấu ngay tại nước mình. Người dân nước này cũng quen với các hoạt động trao đổi trên thị trường vàng bạc.

Mặc dù Mỹ và Châu Âu đã đóng băng hàng tỉ USD tài sản ở Libya như một biện pháp trừng phạt, gây ảnh hưởng tới ngân hàng trung ương và công ty dầu khí quốc gia, nhưng lượng vàng dự trữ vẫn đủ để cho Gaddafi một con đường sống, nếu như có thể bán đi. Để bán được với giá hời, Đại tá Gaddafi chắc chắn sẽ phải chuyển số vàng này ra khỏi Libya.

Trước khi chiến sự diễn ra, vàng được cất giữ ở ngân hàng trung ương tại thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, nó có thể được chuyển tới một địa điểm khác, chẳng hạn như thành phố phía đông Sebha, gần biên giới với Niger và Chad.

Những bất ổn chính trị ở Trung Đông, bên cạnh việc góp phần nâng giá vàng lên mức kỷ lục 1.444 USD/ounce, còn khẳng định rằng, giá trị của vàng không phụ thuộc vào một chính thể nắm giữ nó.

Sau cuộc cách mạng ở Ai Cập, quốc gia này cấm xuất khẩu vàng trong vòng 4 tháng nhằm ngăn chặn các quan chức của chính phủ cũ chuyển tài sản ra nước ngoài.

Trong khi đó, Iran cũng lặng lẽ tích trữ vàng trong nhiều năm gần đây, thay vì tích trữ đô la Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị phong toả trong trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra. Những nước tích trữ vàng còn phải kể đến Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, không một ngân hàng hoặc một nhà kinh doanh quốc tế nào muốn mua vàng của một quốc gia dính líu đến chiến sự, chẳng hạn như Libya, bởi họ không chắc ai sẽ là người đứng ra giao dịch.

Mặc dù vậy, Đại tá Gaddafi vẫn có thể chuyển vàng tới Chad hoặc Niger, nơi chúng được chuyển đổi thành tiền, gửi vào tài khoản một ngân hàng thuộc sở hữu của Ngân hàng Ngoại thương Libya, một nhánh của Ngân hàng Trung ương.

"Nếu một nước như Libya muốn vàng có tính thanh khoản, nó có thể được thực hiện theo hình thức trao đổi, dưới dạng vũ khí, thực phẩm hoặc tiền mặt" - Walter de Wet, chuyên gia tại Ngân hàng Standard nói.

Bên cạnh lượng vàng dự trữ, Đại tá Gaddafi còn có thể tích được một số lượng tiền mặt từ việc bán dầu lửa "lậu", ngoài các kênh truyền thống.

(Theo LĐO)

Các tin khác
Hàng nghìn người Yemen biểu tình chống chính phủ tại thành phố Saada.

Với hơn 160 phiếu ủng hộ, Quốc hội Yemen ngày 23/3 đã phê chuẩn Luật tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Tổng thống Ali Abdullah Saleh.

Ông Gaddafi phát biểu tại Bab al-Azizia

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tối 22.3 xuất hiện tại khu dinh thự Bab al-Azizia ở Tripoli, vốn vừa bị liên quân tấn công, để phát biểu trước người ủng hộ. BBC dẫn lời ông Gaddafi khẳng định: “Cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng”.

Các phi công Mỹ đang lắp tên lửa cho chiến đấu cơ Harrier AV8B trên chiến hạm USS Kearsarge, chuẩn bị đi đánh Libya.

Ngày 22/3, Mỹ, Anh và Pháp đạt được thoả thuận mở đường cho việc NATO sẽ thay Mỹ dẫn dắt chiến dịch quân sự lập vùng cấm bay tại Libya, sau những bàn cãi với nhiều bất đồng.

Tổng thống Medvedev và Tổng thống Abbas.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga ủng hộ và sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine, bất chấp tình hình Trung Đông và Bắc Phi đã trở nên phức tạp hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục