Liên quân đánh Libya tìm ra chỉ huy mới
- Cập nhật: Thứ tư, 23/3/2011 | 2:19:24 PM
Ngày 22/3, Mỹ, Anh và Pháp đạt được thoả thuận mở đường cho việc NATO sẽ thay Mỹ dẫn dắt chiến dịch quân sự lập vùng cấm bay tại Libya, sau những bàn cãi với nhiều bất đồng.
Các phi công Mỹ đang lắp tên lửa cho chiến đấu cơ Harrier AV8B trên chiến hạm USS Kearsarge, chuẩn bị đi đánh Libya.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đang thực hiện chuyến thăm Nam Mỹ đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy và Thủ tướng Anh David Cameron ngày hôm qua. Kết quả các bên đi đến thoả thuận liên quan đến quyền chỉ huy chiến dịch tại Libya sau khi Mỹ rút lui trở về với vai trò hỗ trợ.
Nội dung chính của thoả thuận này là việc NATO sẽ sử dụng cấu trúc quân sự của mình để chỉ huy vùng cấm bay tại Libya. Chiến dịch có thể do đô đốc Mỹ James Stavridis điều hành. Việc giám sát chính trị đối với chiến dịch sẽ do một cơ quan chuyên trách bao gồm các thành viên của cả NATO lẫn ngoài khối (Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) thực hiện.
Văn phòng tổng thống Pháp mô tả thoả thuận trên là một thành công của Pháp và Mỹ khi thông báo: "Hai tổng thống đi đến thoả thuận về việc sử dụng cấu trúc chỉ huy của NATO để hỗ trợ liên quân". Nhưng trên thực tế đây được coi là một bước lùi đối với Tổng thống Sarkozy, người luôn tìm cách ngăn cản NATO thay Mỹ trong chiến dịch Libya.
Guardian cho biết, ông Sarkozy đã cố thuyết phục Anh lập quyền chỉ huy chung Anh - Pháp cho tất cả chiến dịch tại Libya. Nhưng ý tưởng này bị London bác bỏ khi nêu rõ NATO là cơ quan tốt nhất để điều hành các hoạt động quân sự. Nội dung về cơ quan giám sát chính trị nói trên được coi là cách để xoa dịu Paris về việc NATO không chỉ huy hoàn toàn chiến dịch Libya như tại Kosovo năm 2009.
Thông thường trong các chiến dịch do NATO đứng đầu, việc giám sát về chính trị sẽ do Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan chuyên đưa ra các quyết định chính trị của khối quân sự này, thực hiện. Do đó việc lập ra một cơ quan khác bao gồm cả các thành viên ngoài NATO giám sát chiến dịch tại Libya là sự thoả hiệp làm yên lòng nước Pháp.
Các đề xuất do ba ông lớn của NATO là Mỹ, Anh và Pháp thoả thuận với nhau sẽ được đệ trình lên cuộc họp của khối 28 thành viên trong ngày hôm nay để phê chuẩn.
Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ trao lại vai trò cầm đầu tại Libya nhằm đảm bảo việc thực thi nghị quyết của Liên Hợp Quốc phải được chia sẻ giữa các nước. Theo đó ngay khi đạt được các mục tiêu ban đầu, sẽ có "một cuộc chuyển giao quyền chỉ huy việc thiết lập vùng cấm bay trong thời gian vài ngày", theo lời Tổng thống Obama.
Việc chỉ huy chiến dịch không kích Libya từ ngày 19/3 đến nay do sở chỉ huy châu Phi (Africom) của Mỹ điều hành. Cơ quan này nằm dưới quyền tướng trẻ Carter Ham mới nhậm chức được 3 tuần, là một trong 6 sở chỉ huy khu vực của quân đội Mỹ được lập ra năm 2007 và đặt tổng hành dinh tại Đức.
Lý do Washington không muốn tiếp tục dẫn dắt chiến dịch là nhằm tránh phải một mình chịu gánh nặng chiến tranh như tại Afghanistan và Iraq trước đây. Khi Mỹ "buông" thì NATO được chọn là điều khó tránh khỏi, nhưng bất đồng nội khối về vấn đề này khiến tình hình căng thẳng, đẩy liên quân đánh Libya rơi vào nguy cơ "rắn mất đầu".
Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức cùng các nước Ảrập phản đối NATO nắm quyền chỉ huy chiến dịch, trong khi Italy, Anh và một số khác lại ủng hộ nhiệt tình việc khối quân sự này thay Mỹ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải ra mặt để dàn xếp và những diễn biến mới nhất cho thấy ông đang làm tốt công việc đầy thách thức này.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga ủng hộ và sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine, bất chấp tình hình Trung Đông và Bắc Phi đã trở nên phức tạp hơn.
Ngày 22-3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết họ đã nối lại hoạt động cấp điện cho các lò phản ứng số 1, 2, 3 và 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Số 1 bị hư hại sau động đất ngày 11-3 vừa qua.
Hậu quả của thảm họa động đất tại Nhật Bản lẽ ra có thể được giảm thiểu rất nhiều vì nó đã được các nhà địa chấn học Nga dự báo từ năm 1997.
Liên quân quốc tế chính thức tạo lập vùng cấm bay tại Libya sau khi tuyên bố đã triệt tiêu được hơn 50% năng lực phòng không của nước này.