Mỹ muốn tăng hiện diện ở Đông Nam Á
- Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2011 | 8:30:19 AM
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết Mỹ đang muốn hiện diện mạnh mẽ và bền vững hơn ở khu vực châu Á.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell trong một cuộc họp ở Tokyo, Nhật ngày 22-5
|
Theo báo Washington Post, vấn đề ông Kurt Campbell muốn nhấn mạnh trong buổi nói chuyện tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế ở Washington D.C. ngày 31-5 là sự hiện diện của Mỹ không chỉ ở khu vực Đông Á mà cả ở Đông Nam Á.
Ông cho biết Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã và đang nỗ lực để tăng cường quan hệ của Mỹ tại Đông Nam Á. Vào năm 2009, Tổng thống Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên họp với 10 thành viên của ASEAN.
Còn Ngoại trưởng Clinton đã đến châu Á bảy lần, trong đó có nhiều chuyến đến Đông Nam Á. Bà Clinton hi vọng sẽ đi thăm tất cả quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tại chức.
“Tôi nghĩ rằng những gì quý vị thấy trong khoảng thời gian hai năm rưỡi vừa qua chỉ là bước khởi đầu của tiến trình này. Tôi nói khởi đầu vì để có thể thành công, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á, điều quan trọng là tiếp tục nỗ lực đó". VOA cho biết để tiếp tục nỗ lực đó, như ông Campbell nói, Mỹ sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tại Bali (Indonesia). Ông Campbell khẳng định cả Tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton đều cảm thấy việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á này rất quan trọng.
Trong buổi nói chuyện, ông Campbell đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng mà khối ASEAN đang nắm giữ và có khả năng nắm giữ trong tương lai. “Khối này đã trở thành một định chế quan trọng. Nó đã can dự vào nhiều vấn đề khó khăn và thách thức nhất mà châu Á phải đối mặt trong nhiều năm qua, những vấn đề liên quan tới phương cách tốt nhất để thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực, nhất là trong vấn đề an ninh biển” - ông nhận định.
Vẫn theo ông Campbell, một lĩnh vực ASEAN có thể đóng góp là tham gia các diễn đàn nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề tại Đông Bắc Á mà như ông nhấn mạnh “không chỉ cần mà phải can dự và tham gia”.
Ông Campbell khẳng định Mỹ cam kết bảo đảm sự hiện diện mạnh và bền vững hơn nữa tại châu Á, không phải chỉ ở Đông Bắc Á, mà còn ngày càng gia tăng đối với Đông Nam Á. Một số chi tiết về sự cam kết này sẽ được phác họa khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần này.
Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời ông Campbell cho biết Washington sẽ tìm kiếm giải pháp hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề trong khu vực. “Chúng tôi muốn hóa giải mối quan ngại là Mỹ muốn xem Đông Nam Á là một nơi tranh đua có thể gây bất ổn và không có lợi cho các nước trong khu vực. Giữa Trung Quốc và Mỹ hiển nhiên cũng có sự cạnh tranh, nhưng chúng tôi đảm bảo Washington và Bắc Kinh sẽ tìm kiếm giải pháp làm việc với nhau thật thích hợp tại Đông Nam Á” - ông Campbell nói.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang bành trướng ở khu vực này.
(Theo TTO)
Các tin khác
Tờ Guardian hôm 1/6 dẫn lời Thứ trưởng Nông nghiệp Đức Robert Kloos phát biểu trước Hội nghị Nông nghiệp EU ở Hungary rằng: “Đức thừa nhận dưa chuột Tây Ban Nha không phải là nguyên nhân dịch bệnh”.
Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở biển Đông" tại Jakarta (Indonesia), kết thúc chiều 31/5, đã ra Tuyên bố Jakarta.
Phát biểu với hãng thông tấn ANSA ngày 1/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Libya Shukri Ghanem cho biết ông đã rời bỏ nước này để tham gia phong trào nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi "nhằm đấu tranh vì một quốc gia dân chủ".
Tội phạm chiến tranh người Serbia bị truy nã trong một thời gian dài vừa bị bắt giữ tuần trước, Ratko Mladic, đã đến The Hague, Hà Lan, ngày 31-5. >>>Cựu tướng lĩnh Serbia bị bắt sau 10 năm lẩn trốn