Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-la 10):

Loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2011 | 8:11:13 AM

Ngày 5-6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10 đã kết thúc tốt đẹp. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, đã trở thành tâm điểm chú ý của Diễn đàn Hội nghị An ninh và đã được các bên cam kết giải quyết theo nhiều hướng tích cực và hòa bình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại hội nghị ngày 5-6.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại hội nghị ngày 5-6.

Đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền các nước

Trong bối cảnh căng thẳng xuất hiện trở lại với các bên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói: “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Tình hình trên biển Đông vẫn ổn định. Sự tự do đi lại trong khu vực này chưa bao giờ bị cản trở”.

Tại phiên họp toàn thể thứ 5 ngày 5-6, ông Lương Quang Liệt cũng đã tái khẳng định rằng sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn mạnh của nước này không phải là một mối đe dọa. Tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc dù đang phát triển song vẫn thua Mỹ khoảng 20 năm.

Trong phiên họp toàn thể thứ 5, Philippines và Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại các vụ đối đầu nhỏ lẻ tại khu vực này có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Với sự hiện diện của người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nhấn mạnh “các hành động vô cớ của những nước khác... khiến những nước như Philippines quan tâm và lo ngại”. Ông nói: Cảm giác bất an còn là khi những ngư dân bình thường bị tàu nước ngoài cảnh cáo, buộc phải rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng tuyên bố: Việt Nam mong Trung Quốc tôn trọng các chính sách đã tuyên bố, đồng thời bày tỏ hy vọng các tuyên bố này sẽ được chuyển thành hành động thực tế. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị các bên tuân thủ triệt để Công ước về Luật biển 1982 của LHQ. Trong các tranh chấp trên biển Đông các bên liên quan tuân thủ các cam kết đã đề ra, và sớm đưa ra bản quy tắc nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.

Nói về phương thức giải quyết các tranh chấp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh sự cần thiết có các cơ chế linh hoạt: “Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các kênh cả song phương và đa phương, nhằm đảm bảo sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.

Malaysia đề nghị xây dựng lòng tin

Theo trang web của hội nghị (IISS), trong phiên họp toàn thể thứ 6 trưa ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đề cao tầm quan trọng của biển Đông, xét về khai thác tài nguyên và hàng hải, đồng thời yêu cầu giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình.

Bộ trưởng Ahmad bình luận rằng trong những năm qua, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) đã đóng góp phần quan trọng làm giảm căng thẳng, giúp duy trì ổn định trên biển Đông. Tuy nhiên, theo ông đây chỉ là một “công cụ mang tính tạm thời” trong khi các bên liên quan hướng tới việc đề ra một “giải pháp hòa bình và lâu dài” cho vấn đề tranh chấp. Để giải quyết tranh chấp biển Đông, Malaysia đề nghị các bên xác định rõ và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin một cách thiết thực nhằm loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ông Ahmad nói: “Xây dựng lòng tin là bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường ngàn dặm nhằm bảo đảm an ninh biển cho khu vực này. Phát triển kinh tế xã hội cần được chú trọng hơn là phát triển vũ trang, đặc biệt là trong một khu vực như của chúng ta”.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du tới Bắc Kinh

Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo nhân chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không bao giờ đồng ý những điều kiện không thể chấp nhận.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima của Nhật Bản.

Ngày 17/5, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản bắt đầu tiến hành đợt xả thứ 6 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống Gaza.

Jordan phối hợp với Ai Cập và Đức thả 3 đợt hàng viện trợ nhân đạo nhằm hỗ trợ dân thường ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do xung đột.

Ông Lawrence Wong (thứ 2, trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore ngày 15/5/2024.

Ông Lawrence Wong vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore, đồng thời công bố cải tổ nội các nước này. Trong bối cảnh Đảo quốc Sư tử đối mặt thách thức như tỷ lệ sinh giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, sự biến động của nền kinh tế thế giới, Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ chèo lái con thuyền Singapore tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục