Vấn đề biển Đông được đề cập tại các cuộc họp của ASEAN
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/6/2011 | 8:19:49 AM
Ngày 10-6, tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian 4 ngày (từ 7 đến 10-6), tại Surabaya, Indonesia đã diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, ASEAN+3, EAS và ARF. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các hội nghị này.
Trong khuôn khổ các cuộc họp, nhiều nước đã đề cập về vấn đề biển Đông, bày tỏ lo ngại về một số diễn biến phức tạp gần đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC).
Phát biểu tại các hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá cao nỗ lực của ASEAN về xây dựng cộng đồng, mở rộng hợp tác cũng như phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.
Tuy nhiên, khu vực vẫn tiếp tục chứng kiến những diễn biến phức tạp, gây bất ổn định ở biển Đông. Đáng quan ngại và nghiêm trọng là những vụ việc xảy ra liên tiếp gần đây. Ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Việt Nam khi đang hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp. Tiếp theo, sáng 9-6-2011, một vụ việc tương tự lại xảy ra, tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của tàu ngư chính cỡ lớn đã tiến hành các hoạt động phá hoại tuyến cáp thăm dò của tàu Viking II đang tiến hành thu nổ địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam phản đối mạnh mẽ những hành động này. Những vụ việc nêu trên càng làm cho tình hình biển Đông thêm bất ổn định, tìm cách biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành "khu vực có tranh chấp", gây quan ngại không chỉ cho các quốc gia liên quan mà còn cho tất cả các nước cũng như cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực nói chung. Việt Nam khẳng định mạnh mẽ nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia, kiên quyết yêu cầu không để tái diễn những vụ việc như nêu trên, đồng thời chủ trương tiếp tục đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Điều thiết yếu là phải tăng cường hơn nữa các thiết chế luật pháp ở khu vực; tất cả các bên phải nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Đây là điều có ý nghĩa quyết định đối với hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
ASEAN đề nghị Trung Quốc cùng ASEAN tiếp tục nỗ lực, với tinh thần xây dựng, cởi mở và chân thành, giải quyết các vấn đề tồn đọng, để có thể sớm hoàn tất quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Hải quân Mỹ sẽ đưa tàu chiến USS Chung-Hoon mang tên lửa tới Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ấn Độ vào hôm 9.6 đã thử thành công tên lửa đạn đạo Prithvi II có thể mang đầu đạn hạt nhân, AFP cho biết.
Cuộc chiến tranh kéo dài 4 tháng ở Libya ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng từ 10.000 đến 15.000 người ở cả hai phía.
Ngày 9/6, Bắc Kinh nói không có việc tàu nước này quấy rối tàu khảo sát của Việt Nam, sau khi Hà Nội phản đối tàu Trung Quốc cố tình cắt cáp và vi phạm chủ quyền của Việt Nam