Thế giới cùng tưởng niệm sự kiện 11/9
- Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2011 | 8:15:24 AM
Những nghi lễ chính thức đã được lên kế hoạch và đang diễn ra để tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng, trong đó có hàng trăm người là công dân của hơn 90 quốc gia
Lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm kịch 11/9 tại Australia (Ảnh: AP)
|
Tròn một thập kỷ đã qua kể từ khi những chiếc máy bay bị bọn khủng bố bắt cóc lao vào Tòa tháp đôi 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, không chỉ ở Mỹ mà rất nhiều nước khác trên thế giới cũng tổ chức tưởng niệm với hàng loạt buổi lễ và những thời khắc đáng nhớ.
Tại nhiều nơi trên thế giới, những nghi lễ chính thức đã được lên kế hoạch và đang diễn ra để tưởng nhớ gần 3.000 người thiệt mạng, trong đó có hàng trăm người là công dân của hơn 90 quốc gia.
Tại New Zealand, các cầu thủ của đội bóng bầu dục American Eagles nằm trong số những người đầu tiên tiến hành tưởng niệm sự kiện 11/9 ở thị trấn New Plymouth.
Bất chấp buổi tối mưa lớn, tại quảng trường Commonwealth Place ở thủ đô Canberra (Australia), Thủ tướng Julia Gillard cùng phu quân, đại sứ Mỹ Jeffrey Bleich và nhiều quan chức chính phủ đã cùng với người dân thành phố tham dự buổi lễ tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng.
Phát biểu tại buổi lễ đại sứ Mỹ Jeffrey Bleich nói: “Không một ai có thế ngờ rằng điều đó lại xảy ra trước mắt chúng ta khi phải chứng kiến không biết bao nhiêu người đã chết đau đớn trong ngọn lửa, các đống đổ nát và bị tro bụi".
Về phần mình, Thủ tướng Gillard đã chia sẻ cảm thông và sự mất mát không dễ bù đắp với chính phủ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh: "Australia và Mỹ đã đang và sẽ cùng làm việc với nhau để hướng tới một mục tiêu chung, đó là đem lại sự ổn định và hòa bình cho thế giới. Sự kiện 11/9 đã làm thay đổi nhiều thứ, song không thể thay đổi tình bạn giữa hai nước".
Trong khi đó, tại thủ đô Manila (Philippines), hàng trăm cư dân từng ở một khu phố đã rải đầy hoa hồng, bóng bay và cùng cầu nguyện cho một nạn nhân của sự kiện 11/9, đó là công dân Mỹ Marie Rose Abat. Khu phố này từng là khu ổ chuột tồi tàn và nghèo đói. Nhưng năm 2004, người chồng Mỹ gốc Philippines của bà Abat đã xây 50 ngôi nhà màu sắc rực rỡ như để hoàn thành mong ước của người vợ quá cố, giúp đỡ những người nghèo Philippines. Ngôi làng này kể từ đó được đặt tên là Abat.
Cô Nancy Waminal, một người dân nói: “Có rất người chết trong ngày đau buồn đó, song đối với chúng tôi dường như một cuộc sống mới đã hồi sinh sau cái chết của Ma-ri Marie Rose Abat. Chúng tôi thực sự biết ơn cô ấy”.
Với một số người, nỗi đau mất người thân trong các vụ khủng bố không bao giờ chấm dứt. Ở Malaysia, thức dậy vào sáng ngày Chủ nhật hôm nay ở ngoại ô Kuala Lumpur, bà Navaranam vẫn làm công việc mà bà vẫn thực hiện hàng ngày trong suốt 10 năm qua. Đó là nói lời chào buổi sáng với người con trai quá cố, một nhà phân tích tài chính 23 tuổi làm việc tại Mỹ, thiệt mạng trong các vụ tấn công năm đó.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Obama, chuyển lời chia buồn sâu sắc nhất của ông tới các nạn nhân của thảm kịch 11/9, gia quyến và người dân Mỹ. Ông gọi các vụ tấn công là không thể tha thứ.
Tổng thống Philippines Benigno Aquiuno đã ca ngợi chủ nghĩa anh hùng được rất nhiều người thể hiện mạnh mẽ sau sự kiện 11/9. "Đây là ngày để tất cả các nước và người dân khẳng định lại cam kết của họ đối với hòa bình và ổn định được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và đối thoại giữa các nền văn hóa, tôn giáo", ông Aquiuno nói.
(Theo VOV)
Các tin khác
Lễ tưởng niệm vụ 11/9 tại khu vực Ground Zero, nơi 2 tòa tháp 110 tầng bị đánh sập hồi năm 2001, là tâm điểm của các hoạt động đánh dấu tròn 10 năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới.
Bộ trưởng tài chính và lãnh đạo các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã cam kết cùng hợp tác triệt để nhằm vực dậy một nền kinh tế toàn cầu.
Ít nhất 192 người chết và còn nhiều người mất tích trong vụ chìm phà ngoài khơi quần đảo tự trị Zanzibar thuộc Tanzania, đông châu Phi vào ngày 10.9.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) tại Libya Mustafa Abdel Jalil ngày 10/9 cho biết ông đã cho phép các chỉ huy chiến trường được quyền tấn công những thị trấn trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, sau khi thời hạn chót mà chính quyền này dành cho các thị trấn kể trên hạ vũ khí trôi qua.