Libya đối mặt vô vàn thách thức sau cái chết của Gadhafi
- Cập nhật: Chủ nhật, 23/10/2011 | 8:25:49 AM
Cái chết của đại tá Moammar Gadhafi đặt dấu chấm hết cho chế độ cũ tại Libya, song nó không hề làm giảm những thách thức khổng lồ đang đặt ra cho chính quyền mới.
Bầu không khí lễ hội đang bao trùm Libya.
|
Không khí lễ hội bao trùm khắp Libya từ hôm qua sau khi người dân biết tin Moammar Gadhafi, nhà lãnh đạo từng cầm quyền suốt 42 năm, bị giết.
Nhưng giới phân tích cho rằng sau những giây phút hân hoan, bất kỳ chính trị gia nào trong bộ máy quyền lực mới của Libya đều nhận thấy họ đang đối mặt với vô vàn thử thách ở phía trước, trong đó bao gồm việc tái thiết một đất nước đã bị tàn phá và thu hồi lượng vũ khí khổng lồ trong dân. Nếu phần lớn lượng vũ khí ấy rơi vào tay tội phạm, tình hình an ninh sẽ trở nên khó kiểm soát.
Cái chết của Gadhafi có thể ngăn chặn làn sóng chống đối chính phủ mới bằng bạo lực, nó hầu như không giúp hàn gắn những bất đồng trong nước. Đó là nhận định của Fawaz Gerges, giám đốc Trung tâm Trung Đông thuộc Đại học Kinh tế London tại Anh.
“Những thách thức lớn hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của những con người đang trong tâm trạng phấn khích. Một buổi sáng nào đó, họ sẽ tỉnh dậy và nhận ra rằng Libya thay đổi rất ít”, CNN dẫn lời Gerges.
Mâu thuẫn gay gắt phát sinh ngay giữa những lực lượng tham gia cuộc chiến chống chế độ Gadhafi. Chẳng hạn, những người đứng đầu thành phố Misrata ở phía tây từ chối công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) là chính phủ mới, Gerges nói. Trong bối cảnh hiện nay, mâu thuẫn giữa các bộ lạc tại Libya có thể bị đẩy lên mức cao hơn.
Kamran Bokhari, nhà phân tích chính trị làm việc cho công ty cung cấp thông tin tình báo toàn cầu Stratfor tại Mỹ, nói rằng lòng căm thù Gadhafi là chất keo giúp các lực lượng đối lập gắn kết vì một mục tiêu chung. Giờ đây, sau khi ông ta chết, chất keo ấy cũng biến mất.
“Sau khi mục tiêu xóa sổ chính quyền Gadhafi được thực hiện, dư luận sẽ phải đặt câu hỏi về việc các phe nhóm trong lực lượng đối lập còn có thể đoàn kết như trước hay không”, Bokhari nhận định.
BBC nhận định giải giáp vũ khí của các nhóm vũ trang và đưa họ vào quân đội của chính phủ mới mà không gây nên sự chống đối từ phía họ là công việc thực sự gian nan. Những chiến binh Hồi giáo cảm thấy họ bị đặt ra ngoài lề của chính quyền quá độ, còn một số bộ lạc cảm thấy NTC không chia đều thành quả chiến thắng.
Một trong những lý do khiến nhiều chiến binh không muốn bỏ vũ khí là họ không tin vào quá trình hòa giải chính trị. Súng là thứ giúp họ bảo vệ bản thân và quyền lợi. Những phe nhóm vũ trang chỉ buông vũ khí nếu nhận thấy tính hợp pháp và rộng rãi của quá trình quá độ sang nền dân chủ.
Con đường phía trước của chính phủ mới tại Libya sẽ khó khăn và đầy thách thức. |
Gerges dự đoán tình hình tại Libya có thể sẽ không khác Ai Cập. Hồi tháng 2 người dân Ai Cập reo hò sau khi tổng thống Hosni Mubarak từ chức dưới sức ép của làn sóng biểu tình rầm rộ. Nhưng vài tháng sau, tình hình hầu như không chuyển biến và họ lại phải đổ ra đường để yêu cầu quân đội tiến hành cải cách.
“Viễn cảnh tương tự có thể xảy ra với Libya. Trên thực tế, sự chia rẽ giữa các bộ lạc tại Libya lớn hơn nhiều so với Ai Cập hay Yemen”, Gerges nói.
Daniel Serwer, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins tại Mỹ, thừa nhận NTC đã đạt được nhiều thành tựu kể từ khi nắm quyền tại Libya.
“Họ đã cung cấp điện và nước, mở cửa thị trường tài chính. Cảnh sát đã làm việc trên các đường phố, công nhân vệ sinh đã thu dọn rác. Đó là những kết quả đáng nể”, Serwer phát biểu.
Nhưng nhiều thách thức vẫn còn đó. Chẳng hạn, các chuyên gia cho rằng tạo ra bầu không khí hòa giải dân tộc trong một quốc gia nằm dưới sự điều hành của Gadhafi tới 42 năm là một nhiệm vụ khẩn cấp và khó khăn đối với bộ máy chính quyền mới. Ngoài ra, họ còn phải tìm ra cách đối đãi với những chiến binh từng giúp họ lật đổ Gadhafi, phục hồi các dịch vụ công trên toàn quốc, đảm bảo rằng những kho vũ khí hóa học của chế độ cũ không bị phát tán ra ngoài, lập hiến pháp mới, tổ chức tổng tuyển cử, giải quyết những người phạm tội ác chiến tranh trong chính quyền Gadhafi, xem xét khiếu nại về việc binh sĩ NTC ngược đãi tù nhân.
Do Gadhafi đã chết và thành phố cuối cùng của ông đã thất thủ, chính phủ mới không thể dùng chiêu bài chiến tranh để giải thích những vấn đề tiêu cực trong cách đối xử của họ với người dân.
“Họ không thể đem Gadhafi ra để biện hộ cho những hành động sai lầm nữa”, Laman nói.
Các nhà lãnh đạo thế giới khích lệ người dân Libya xây dựng một đất nước mới, song họ đều dự đoán con đường phía trước không hề dễ dàng.
“Trong những ngày tới, chúng ta sẽ chứng kiến bầu không khí vui mừng trên khắp đất nước Libya, cùng với tâm trạng chia sẻ dành cho những người đã mất quá nhiều trong cuộc chiến. Nhưng chúng ta cũng phải nhanh chóng hiểu rằng, chiến thắng hiện nay chỉ là bước khởi đầu. Con đường phía trước của Libya và người dân sẽ rất khó khăn và đầy rẫy thách thức”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Rạng sáng 22-10 (theo giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Nam Thái Bình Dương.
Liên Hợp Quốc và hai tổ chức nhân quyền hôm qua kêu gọi chính phủ mới tại Libya làm rõ nguyên nhân khiến đại tá Moammar Gadhafi thiệt mạng sau khi bị bắt hôm 20/10.
CNN cho biết ngay trước khi ông Gaddafi bị bắn chết, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu giải ngân số tài sản 37 tỉ USD của Libya bị đóng băng tại các ngân hàng Mỹ.
Ngày 20/10, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) Pascal Boniface cho rằng cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến ở Libya và đưa Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) lên cầm quyền.