Ở nơi Đảng “lấy dân làm gốc”
- Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2014 | 3:15:49 PM
YBĐT - So với các huyện, thị khác trong tỉnh Yên Bái, có lẽ Trạm Tấu vẫn là huyện đặc biệt khó khăn nhất về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Người dân các xã của huyện thậm chí còn không được giao thương, trao đổi về kinh tế, văn hóa nhiều như đồng bào Mông ở Mù Cang Chải với các huyện bạn của tỉnh Lào Cai, Lai Châu nhờ tuyến quốc lộ chạy qua. Vì lẽ đó, Đảng bộ huyện Trạm Tấu luôn xác định nhiệm vụ "lấy dân làm gốc" theo tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi về tình hình sản xuất với nông dân xã Hát Lừu.
|
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: "Đảng bộ huyện xác định rõ, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không tìm hiểu quan điểm "lấy dân làm gốc" của Người. Bởi đó chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện dựa vào để rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của mình".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, những người cầm quyền trong xã hội là "người đầy tớ của nhân dân". Người nói: "Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là sự phân công làm đầy tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất”. Trong “Di chúc”, Người viết: "Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân". Người còn cho rằng, cán bộ, đảng viên thương dân chưa đủ mà còn phải hiếu với dân, như con cái giữ tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.... Có thể nói, tất cả những lời dạy bảo, căn dặn đó mà vị Cha già của dân tộc đã để lại trong từng dòng “Di chúc” hôm nay đã được Ban chấp hành Đảng bộ nơi vùng cao đặc biệt khó khăn nhất tỉnh thực hiện tốt. Đó là việc cụ thể hóa lời dạy bảo của Bác bằng những việc làm thiết thực hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên từ Ban Thường vụ Huyện ủy cho tới các tổ chức Đảng, đoàn thể, chi bộ cơ sở của 12 xã, thị trấn trong huyện.
Theo đó, trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên ở 30 chi, Đảng bộ cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện đi tiên phong trong đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, sâu sát thực tế cơ sở, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước tiên là trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy còn gương mẫu tham gia phụ trách các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện để củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở và giúp dân phát triển kinh tế trồng lúa hai vụ, trồng ngô, trồng rừng để xóa nghèo và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Đồng chí Lò Văn Ke - Phó bí thư Chi bộ thôn Hát 2, xã Hát Lừu tâm sự: "Cán bộ mà gần dân, sát dân thì công tác chỉ đạo sẽ tốt hơn, công việc cũng trôi chảy hơn. Dân làm gốc thì sẽ vững thật vì sức dân rất lớn nhưng cán bộ phải là người chăm sóc cho “cái gốc” thật tốt mới được dân tin".
Được biết, trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn vừa qua của Trạm Tấu thì Hát Lừu là xã làm tốt nhất đã được nhận bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải. Riêng ở thôn Hát 2, có 45/196 hộ tự nguyện hiến đất làm đường, hộ nhiều nhất hiến 300m2, hộ ít cũng vài chục mét vuông, nhà Bí thư Chi bộ thôn cũng hiến 200m2. Chi bộ thôn cả 8 hộ đảng viên đều hiến đất, còn lại hầu hết là các hộ quần chúng nhân dân cùng làm theo. Đây cũng chính là điểm mạnh, là kết quả không nhỏ của các đảng viên trong Chi bộ khi đã quán triệt sâu sắc tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Bác Hồ.
Năm 2014 này, cùng với các tổ chức Đảng, đoàn thể trong huyện triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh" và 45 năm thực hiện “Di chúc” của Bác, tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Bác Hồ đã được các đoàn viên, hội viên trong các tổ chức hội, đoàn thể của Trạm Tấu hăng hái tham gia. Các phong trào thi đua phát triển kinh tế, phong trào tuổi trẻ làm theo lời Bác đã thu hút số lượng lớn đoàn viên, thanh niên tham gia làm mới gần 10km đường giao thông nông thôn; tu sửa 17km cống, rãnh, kênh mương nội đồng. Đặc biệt, Huyện đoàn Trạm Tấu còn huy động trên 600 đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện mô hình chuyển đổi 90ha diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả của xã Pá Hu sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao hơn và tham gia trồng hơn 80ha cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ tại hai xã Bản Mù và Bản Công, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thực tế các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao Trạm Tấu như phong trào xây dựng nông thôn mới; kiên cố hóa đường giao thông liên thôn, bản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phong trào "Ba bỏ", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"... có được thành công như ngày hôm nay chính là nhờ Đảng bộ huyện đã biết huy động sức mạnh tập thể của nhân dân. Nhờ có "dân làm gốc", nhờ có những gia đình đồng bào dân tộc Mông như gia đình ông Thào A Giao, Thào A Chảy ở xã Xà Hồ trồng ngô theo hướng thâm canh thu từ 4 - 5 tấn hạt/năm; ông Giàng A Tu ở xã Bản Công, Trang Nủ Cao ở xã Bản Mù gương mẫu vận động con cháu đi học văn hóa, hiện ông Cao có 1 cháu trai là kỹ sư Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, 2 cháu khác đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái... mà các Đảng bộ xã vùng sâu như: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Pá Hu, Xà Hồ đã đưa được nhiều bộ giống lúa, ngô mới năng suất cao vào gieo trồng.
Từ năm 2012 đến nay, Trạm Tấu đã thực hiện chuyển đổi gần 800ha đất trồng lúa nương, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ, góp phần đưa sản lượng sản xuất lương thực năm 2013 của huyện lên gần 19.130 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012; nâng mức bình quân lương thực đầu người của huyện lên gần 545kg, tăng trên 80kg so với năm 2011, về đích trước Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV.
Cuộc sống mới trên bản người Thái vùng cao Trạm Tấu.
Để thực sự là những người "đầy tớ" trung thành của nhân dân như “Di chúc” của Bác đã căn dặn, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Thường vụ Huyện ủy cho tới các trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ, nhân dân Trạm Tấu đều dốc lòng, dốc sức phục vụ nhân dân. Bên cạnh phương châm "Làm cho dân thấy, làm có hiệu quả để dân tin, dân theo", Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các cơ sở Đảng luôn sâu sát thực tế "ba cùng" với dân để lắng nghe những kiến nghị, những bức xúc trong dân mà kịp thời giải quyết.
Đồng thời phát huy được vai trò tích cực của quần chúng nhân dân trong giám sát, giúp đỡ và đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ dân vận khéo và biết "lấy dân làm gốc" nên Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã đạt được những thành công lớn trong công tác chỉ đạo xây dựng và củng cố cơ sở chính trị ở xã Túc Đán.
Theo đó, Đảng bộ huyện đã xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng, cho thôi việc đối với một số cán bộ chủ chốt xã làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền và lấy Túc Đán làm mô hình điểm trong việc tiếp tục chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các xã trong huyện.
Thực tế đã chứng minh, mục đích thực hiện quan điểm "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải phóng người dân thoát khỏi tình trạng bị nô lệ về chính trị, bị nghèo đói về kinh tế và hạn chế về văn hóa, giáo dục, tinh thần, tư tưởng do xã hội cũ gây ra. Vì thế, trong “Di chúc” của mình, Người viết: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải cókế hoạchthật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừngnâng cao đời sống của nhân dân...".
Học tập và làm theo những lời chỉ bảo, căn dặn ân cần và tâm huyết đó của Người, tập thể các cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã và đang không ngừng thi đua, đoàn kết, nhất trí và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm cuối của nhiệm kỳ, tạo tiền đề vững chắc cho Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới đề ra được "những kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừngnâng cao đời sống của nhân dân" như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Kết luận tại Hội nghị chuyên đề về công tác tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng tổ chức CSĐ trong sạch, vững mạnh là những khâu đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức CSĐ. Trong đó, nâng cao chất lượng, phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ cấp ủy viên và chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa then chốt”.
YBĐT - Tổ chức cơ sở Đảng (CSĐ) là nền tảng của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng với dân, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tổ chức CSĐ; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy và phát triển đảng viên, góp phần nâng cao một bước năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức CSĐ...
YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Đảng bộ xã Minh Quán (Trấn Yên) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, kết quả lớn nhất là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng gắn bó hơn, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
YBĐT - Trở lại xã Đại Lịch (huyện Văn Chấn) những ngày đầu tháng 10, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này. Nhiều nhà mới được xây dựng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, số hộ nghèo giảm, số hộ khá và giàu tăng.