Yên Bái: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ
- Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2016 | 10:05:06 AM
YBĐT - Hết năm 2015, Đảng bộ tỉnh không còn chi bộ họp dưới 7 kỳ/năm. Số chi bộ sinh hoạt chuyên đề theo quy định ít nhất mỗi quý 1 lần tăng 65,89% so với trước khi thực hiện Chị thị số 10 CT/TW, đạt 87,42%.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Đề án số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Đề án số 07 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 - 2015” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ban hành ngày 30/11/2012 trên cơ sở triển khai thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”.
Đứng trước thực trạng chế độ sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ còn có mặt hạn chế, yếu kém; nhiều cấp ủy cơ sở, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa thực hiện tốt nề nếp, chế độ sinh hoạt Đảng; chưa coi trọng phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc; bệnh thành tích còn khá phổ biến; nội dung sinh hoạt chậm đổi mới; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu thấp, chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên hạn chế, chưa rõ nét…
Đề án 07 đi vào thực tiễn cơ sở được xem là căn cứ quan trọng, có tác dụng thiết thực giúp các tổ chức Đảng chỉ đạo chặt chẽ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ; cụ thể hóa sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở.
Nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án số 07, chuyển biến rõ nhất đó là, nhận thức về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng, của chi bộ và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ đã từng bước nâng cao. Nội dung và hình thức sinh hoạt của chi bộ ngày càng đổi mới; chất lượng sinh hoạt Đảng trong toàn Đảng bộ được nâng lên.
Hết năm 2015, Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 579 tổ chức cơ sở đảng, 3.270 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và trên 50.500 đảng viên sinh hoạt. Số cấp ủy cơ sở sinh hoạt đủ kỳ đã tăng thêm 10,41%, đạt 97,42%; số cấp ủy cơ sở sinh hoạt thiếu 1 đến 2 kỳ giảm 3%, không còn cấp ủy sinh hoạt thiếu dưới 4 kỳ/năm.
Tỷ lệ cấp ủy viên tham gia sinh hoạt đạt bình quân 98,2%, tăng 8,2%. Số chi bộ họp định kỳ đủ 12 kỳ/năm đạt 88,37%, tăng 14,76%; số chi bộ họp thiếu 3 đến 5 kỳ/năm giảm chỉ còn 1,76%. Hết năm 2015, Đảng bộ tỉnh không còn chi bộ họp dưới 7 kỳ/năm. Số chi bộ sinh hoạt chuyên đề theo quy định ít nhất mỗi quý 1 lần tăng 65,89% so với trước khi thực hiện Chị thị số 10 CT/TW, đạt 87,42%. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt tăng rõ rệt, đạt bình quân 95,7%.
Trong sinh hoạt, công tác chuẩn bị cho các kỳ họp của cấp ủy, chi bộ được chú trọng hơn; nâng cao một bước chất lượng công tác phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung sinh hoạt cấp ủy cơ sở, sinh hoạt chi bộ đã tập trung vào thảo luận, giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phát huy được dân chủ, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần phê bình, tự phê bình từng bước được nâng lên, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, chi bộ.
Vai trò lãnh đạo của đảng bộ cơ sở, chi bộ được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, việc gắn các nội dung: tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và các đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 16 “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, đã làm cho nội dung sinh hoạt Đảng ở cơ sở phong phú hơn; chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên; vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy, từng bước đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và cơ sở. Thông qua sinh hoạt Đảng ở cơ sở, cấp ủy các cấp nắm được tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và có biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, khắc phục những mặt còn yếu kém; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chuyển động ở Đảng bộ Đại Sơn, huyện Văn Yên là một ví dụ. Với việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung sinh hoạt của cấp ủy cơ sở và chi bộ đã được rõ hơn, tập trung vào giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực của địa phương; đánh giá nghiêm túc vai trò, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên.
Ông Bàn Phúc Minh - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Yên Bái thực sự đã tạo ra chuyển biến lớn trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về tinh thần, ý thức tham gia, trách nhiệm đóng góp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Từ việc đổi mới nội dung sinh hoạt nên nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đã được tháo gỡ, rõ nhất như công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc. Hiện, Đảng bộ Đại Sơn đã xóa được chi bộ thôn “trắng” đảng viên. Đặc biệt, đã chuyển đổi thành công tập quán sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa; áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi ở những thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, vai trò đầu tầu tiên phong, gương mẫu của đảng viên được phát huy”.
Với Đảng bộ xã Nga Quán (Trấn Yên), ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nổi bật là huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã huy động gần 1,6 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp hoàn thành 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu trở thành xã nông thôn mới của huyện trong năm nay. Quan trọng nhất là việc đổi mới phương thức lãnh đạo trong nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và chi bộ đã tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”...
Để Đề án đi vào thực chất, tạo sự chuyển biến rõ nét trong sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện đối với cấp ủy huyện và cơ sở. Qua đó, kịp thời uốn nắn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đảm bảo việc thực hiện được hiệu quả; tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án, đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Với việc quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và mỗi cán bộ, đảng viên, sau 3 năm thực hiện, Đề án 07 ĐA/TU đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Trong đó, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 89,34%, vượt 4,34% so với mục tiêu; 100% cấp ủy cơ sở đã xây dựng, bổ sung kịp thời quy chế làm việc; 100% cấp ủy và chi bộ có sổ ghi nghị quyết; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ bình quân đạt 96,4%, vượt 6,4% so với mục tiêu Đề án. Đánh giá cao hiệu quả của Đề án sau 3 năm tổ chức thực hiện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Duy Cường cho rằng: trên thực tế chất lượng sinh hoạt chi ủy, chi bộ chưa cao.
Đồng chí yêu cầu các cấp ủy từ tỉnh cho đến chi bộ, cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ một vấn đề có tính nguyên tắc là chất lượng sinh hoạt chi bộ có tính quyết định đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tổ chức đảng chỉ vững mạnh và đảm bảo được vai trò là hạt nhân lãnh đạo khi sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao.
Để làm được điều đó, trước hết chi ủy phải duy trì tốt chế độ sinh hoạt trước khi họp chi bộ; phải chuẩn bị kỹ nội dung họp chi bộ, thảo luận thống nhất cao từng nội dung trước khi đưa ra họp chi bộ để thông qua nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện trên thực tế và chỉ như vậy, chi bộ mới hoàn thành được chức năng của mình. Trong sinh hoạt chuyên đề, chỉ lựa chọn các chuyên đề cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương, đơn vị, có như vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ mới được đổi mới và được nâng lên.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các huyện, thị tổ chức đánh giá chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ, tiến hành phân loại, tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể. Trên cơ sở kết quả tổng hợp của các huyện, thị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy quyết định mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cụ thể theo các giáo trình riêng biệt, có tham quan, nghiên cứu thực tiễn để các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực sự thu được kết quả; học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức và khả năng tổ chức thực hiện trên thực tiễn phải được nâng lên rõ rệt.
Theo chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong tháng 6 tới, Tỉnh ủy sẽ thảo luận, ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và trên cơ sở giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, mục tiêu nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ trong thời gian tới.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Trong 5 năm (2010-2015), huyện đã điều động luân chuyển 24 lượt cán bộ trong diện quy hoạch về cơ sở giữ các chức danh chủ chốt.
YBĐT -Là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, Ngọc Chấn có 2.783 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 98,22%, chủ yếu làm dân tộc Tày. Đảng bộ có 7 chi bộ trực thuộc với 147 đảng viên.
YBĐT - Những năm qua, công tác xây dựng Đảng ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên luôn được cấp ủy Đảng đặc biệt chú trọng, góp phần làm cho hệ thống chính trị vững mạnh. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên mới hiện nay lại khiến Đảng bộ xã gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Yên Bái có nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thực hiện các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan và các đoàn thể vững mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan.