Phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên: Kinh nghiệm ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 26/7/2016 | 9:10:35 AM
YBĐT - Kinh nghiệm từ thành công trong công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên là ĐVTN ở Đảng bộ Mù Cang Chải cho thấy, cấp ủy đảng các cấp cần nhận thức đúng vai trò, tác dụng của việc phát triển đảng viên trong ĐVTN...
Lễ kết nạp "Lớp đoàn viên Lý Tự Trọng" trên công trường làm đường giao thông xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.
|
Không có nhiều điều kiện thuận lợi như các địa phương khác trong tỉnh, và lại càng khó khăn hơn, khi tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ ở huyện Mù Cang Chải còn cao, trình độ dân trí thấp, tình trạng tảo hôn phổ biến với những quan niệm, hủ tục lạc hậu... Thế nhưng, công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở huyện vùng cao này lại đang được biết đến với những cách làm năng động, sáng tạo, nhằm từng bước bổ sung sức trẻ và nguồn nhân lực mới cho Đảng...
Thành công từ nhận thức
Tiếp nhận Đề án 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết nạp đảng viên là ĐVTN giai đoạn 2012 - 2015 với muôn vàn khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm cao, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo sát sao 100% chi, đảng bộ khảo sát chính xác tình hình thực tế phát triển đảng viên trong ĐVTN ở cơ sở; triển khai quán triệt sâu sắc mục tiêu của Đề án đến từng cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, huyện chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng ĐVTN, cử đoàn viên ưu tú thuộc đối tượng đảng tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị; xác định cụ thể mục tiêu kết nạp đảng viên trong cả giai đoạn và từng năm; phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc bồi dưỡng hội viên ưu tú tạo nguồn phát triển Đảng. Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng quan tâm công tác đào tạo cán bộ trẻ là ĐVTN, cán bộ người địa phương có năng lực, phẩm chất, đạo đức tốt.
Chúng tôi đã được gặp ở vùng cao Mù Cang Chải những đảng viên tuổi đời mới 20, 23 như Lò Thị Vân, Hà Thị Dên ở bản Ít, xã Cao Phạ. Một mình bồng con nhỏ chưa đầy 5 tháng tuổi lên huyện theo học lớp bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị cho đối tượng đảng viên mới tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mà lòng đầy nhiệt huyết.
"Vừa chăm con vừa theo học có vất vả lắm không?" - tôi hỏi. Các em chỉ cười bẽn lẽn. Thế nhưng, chia sẻ những suy nghĩ của mình khi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ánh mắt Vân rạng rỡ: “Em không nghĩ mình vào Đảng để làm cán bộ. Em tham gia sinh hoạt Đoàn, phấn đấu để trở thành đảng viên vì em nghĩ có thêm nhiều đảng viên thì phong trào sẽ mạnh. Mỗi đảng viên gương mẫu, trách nhiệm thì địa phương sẽ ngày càng phát triển”.
Đảng viên trẻ Sùng A Trừ, bản Tà Dông, xã Chế Tạo cho biết: “ĐVTN là nữ ở bản Tà Dông hay ở các xã khác cũng vậy, đã lấy chồng, có con rồi, rất khó có điều kiện để tham gia các hoạt động của đoàn cũng như các hoạt động xã hội ở địa phương nên khó khăn hơn trong quá trình phấn đấu vào Đảng. Chính vì vậy Đảng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm khuyến khích phát triển đảng viên nữ, nhất là đảng viên nữ là ĐVTN người dân tộc. Có cán bộ đảng viên nữ tiến bộ, chị em sẽ mạnh bạo và quyết tâm phấn đấu hơn”.
Chững chạc ở tuổi 26, là đảng viên, tham gia trong ban chấp hành của thôn, nên Lý Thị Ái nhận thức rất rõ trách nhiệm của người đảng viên. Ái chia sẻ: “Là đảng viên rồi, mình được học tập, được nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ dễ tuyên truyền cho bà con hơn. Khi mình nói cái đúng bà con nghe, phổ biến kinh nghiệm hay để bà con cùng học tập…”.
Có thể thấy, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc trong nhận thức về Đảng, về trách nhiệm của người đảng viên, nhất là đối với lớp đảng viên trẻ kế cận.
Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải - Phạm Đức Thịnh khẳng định: “Đề án 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết nạp đảng viên là ĐVTN được triển khai với sự vào cuộc sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy các cấp, đến các tổ chức Đảng, cơ sở Đoàn, bí thư chi bộ bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị... không chỉ tác động tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương, tạo động lực để ĐVTN phấn đấu vào Đảng, mà còn giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn viên, đảng viên và quần chúng nhận thức đúng về vai trò, vị trí của công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là phát triển đảng viên trong ĐVTN".
Được biết, giai đoạn 2013 - 2015, huyện tổ chức mở được 16 lớp bồi dưỡng phát triển Đảng cho hơn 600 quần chúng ưu tú; tỷ lệ ĐVTN chiếm 88%; trong đó, đã kết nạp được 395 ĐVTN vào Đảng.
Linh hoạt trong cách làm
Nhìn vào lực lượng trên 17.400 ĐVTN, trong đó, có trên 4.000 đoàn viên, có thể thấy nguồn lực phát triển Đảng trong ĐVTN ở Đảng bộ Mù Cang Chải là rất lớn. Khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trong ĐVTN là thực tế cấp thiết, đặt ra yêu cầu phải đổi mới trong công tác này đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương. Thế nhưng, khó khăn không có nghĩa là hạ thấp tiêu chí chất lượng.
Mục tiêu và yêu cầu mà Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đặt ra trong công tác kết nạp Đảng là phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng; chú trọng từ khâu tạo nguồn đến đào tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Do vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã chú trọng chỉ đạo các tổ chức Đảng thường xuyên quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú; phát động các phong trào thi đua yêu nước, giao nhiệm vụ cụ thể cho đối tượng phát triển đảng để thử thách; đồng thời, phân công đảng viên chính thức giúp đỡ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ là ĐVTN có bản lĩnh, có trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với tổ chức Đảng cấp xã, thị trấn, Đảng bộ huyện chỉ đạo cấp ủy các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức các phong trào thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương như: phong trào 4 đồng hành cùng thanh niên trên đường lập thân lập nghiệp; 5 xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc… với nhiều hoạt động thiết thực như giúp đỡ ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ đoàn viên nghèo phát triển kinh tế.
Các cơ sở Đoàn phối hợp triển khai hiệu quả các phong trào, hoạt động như: tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới; mỗi ĐVTN một việc làm tình nguyện; các hoạt động bảo vệ môi trường, tu sửa đường giao thông; tổ chức các hội thi về an toàn giao thông, tìm hiểu về hôn nhân - gia đình, ma túy và các tác hại của ma túy…
Qua đó, nâng cao hiểu biết xã hội cho ĐVTN, thu hút các bạn trẻ tham gia vào tổ chức Đoàn, hội. Thông qua phong trào, kịp thời phát hiện những tấm gương điển hình, đoàn viên ưu tú để giáo dục, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Đối với tổ chức Đảng khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức Đảng trong đơn vị công an, quân đội, chú trọng bồi dưỡng phát triển đảng viên là ĐVTN đảm bảo tính kế thừa và phát triển của đảng, tăng cường sức chiến đấu cho Đảng.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện cho biết: “Từ những đặc thù riêng, huyện Mù Cang Chải cũng có những cách làm riêng phù hợp, hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng. Việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị hay các lớp bồi dưỡng đối tượng phát triển đảng đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng địa phương. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ khảo sát, mở các lớp ngay tại địa bàn xã, hoặc cụm xã cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi nhất cho học viên tham gia học tập. Cũng vì xuất phát từ nhu cầu thực tế sử dụng cán bộ của địa phương, nên hiệu quả sau đào tạo là rất rõ nét”.
Từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã kết nạp được 416 đảng viên là ĐVTN, trong đó, có 263 nam, 153 đảng viên nữ là ĐVTN; chiếm trên 70% tổng số đảng viên của toàn huyện được kết nạp mới. Chất lượng đảng viên mới đảm bảo cả về phẩm chất, đạo đức, chính trị, tư tưởng và trình độ. Tỷ lệ đảng viên có trình độ THPT chiếm trên 82%, THCS 15,9%, tiểu học chỉ có 1,5%. Tỷ lệ đảng viên là ĐVTN có trình độ đại học, cao đẳng chiếm trên 31%, trung cấp trên 23%, số chưa qua đào tạo là trên 44%. |
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, về kỹ năng nghiệp vụ nên chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng cao.
Công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên là ĐVTN không chỉ tăng về số lượng mà còn được nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của các tổ chức Đảng; đồng thời, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Đoàn viên thanh niên được rèn rũa, thử thách và phấn đấu qua những việc làm cụ thể.
Đảng viên kết nạp mới đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác xây dựng Đảng, luôn là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và là những đảng viên gương mẫu được quần chúng nhân dân tin yêu. Được biết, trong số đảng viên là ĐVTN mới được kết nạp, đã có 10 đồng chí được bầu vào cấp ủy cơ sở thuộc loại hình tổ chức đảng xã, thị trấn.
Kinh nghiệm từ thành công trong công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên là ĐVTN ở Đảng bộ Mù Cang Chải cho thấy, cấp ủy đảng các cấp cần nhận thức đúng vai trò, tác dụng của việc phát triển đảng viên trong ĐVTN, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phát triển Đảng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, lựa chọn quần chúng ưu tú, nhất là ĐVTN để giới thiệu cho Đảng rèn rũa kết nạp; xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, tạo dựng môi trường lành mạnh cho ĐVTN có điều kiện tham gia phát triển kinh tế, rèn luyện, phấn đấu.
Đặc biệt, cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng cấp trên đối với các tổ chức Đảng, trên cơ sở đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như khuyến khích, biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình trong thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để ĐVTN gắn bó thiết thân với tổ chức Đoàn, có động cơ phấn đấu vào Đảng, tỉnh cần có chính sách ưu đãi đối với đảng viên là ĐVTN tại các địa bàn vùng cao; có chính sách khuyến khích trong phát triển kinh tế đối với đảng viên là ĐVTN trong các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Để phát huy lợi thế của địa phương, xã Hưng Thịnh đã khảo sát điều kiện về lao động, đất đai để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung phát triển cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa, khuyến khích mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và tập trung giúp người nghèo thoát nghèo
YBĐT - Qua thực hiện Nghị quyết TW 4, Đảng bộ đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
YBĐT - Phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ xã Y Can, huyện Trấn Yên trong nhiều năm qua. Đây là yếu tố quyết định làm thay đổi bộ mặt của xã cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
YBĐT - Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị (Khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với mục đích đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác trở thành công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, đơn vị, địa phương bằng sự chuyển biến cụ thể, rõ ràng thông qua những hành động, lời nói và việc làm thiết thực.