Trong gian khó, càng vững niềm tin

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/12/2017 | 9:13:34 AM

YBĐT - Bác Hồ dạy: "Không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì mới thắng lợi... Đây là bài học nghị lực, can đảm quyết tâm trong mọi việc, mọi cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong gian lao hằng ngày”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra quy hoạch quỹ đất khu vực tái định cư cho đồng bào vùng lũ Mù Cang Chải. (Ảnh: Đức Toàn)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra quy hoạch quỹ đất khu vực tái định cư cho đồng bào vùng lũ Mù Cang Chải. (Ảnh: Đức Toàn)

Năm 2017 đánh dấu một năm nỗ lực vượt khó với tinh thần quả cảm, với sức mạnh đoàn kết, với quyết tâm chính trị cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái để vượt qua bộn bề khó khăn, chồng chất lo toan cùng những bất lợi, thách thức mới. Càng trong gian khó thì cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Bái càng nêu cao bản lĩnh, càng vững niềm tin...

Trận lũ quét thứ nhất bất ngờ xuất hiện tại thị trấn Mù Cang Chải khoảng 5 giờ sáng ngày 3/8, chỉ đến trưa, số người chết và mất tích đã lên tới 15. Ngay lập tức, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời có mặt tại hiện trường để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện trên tinh thần chủ động "bốn tại chỗ", huy động hàng ngàn người, hàng trăm phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả. Trong đó, huy động gần 500 người tập trung ở khu vực thị trấn để tìm kiếm người mất tích và di dời gần 250 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.
 
Bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm người mất tích và vệ sinh môi trường sau lũ, vấn đề mà lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, lo lắng chính là công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới của học sinh đang cận kề. Phải làm gì, làm thế nào với các cơ sở trường học bị lũ tàn phá như vậy trong thời gian chưa đầy 1 tháng để các cháu kịp đón năm học mới?
 
Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự ủng hộ, chia sẻ giúp đỡ của đồng bào cả nước, vượt lên nỗi đau sau lũ trống trường vẫn điểm, lời quốc ca ngày khai trường cất vang trong không khí hồ hởi của học sinh các dân tộc vùng cao Mù Cang Chải giữa ngút ngàn rừng núi đúng vào ngày 5/9.
 
Khi nỗi đau mất nhà cửa, người thân của đồng bào Mù Cang Chải còn chưa dứt, còn bao bộn bề, gian truân sau lũ thì trận lũ quét thứ hai vào những ngày đầu đông tháng 10 lại ập xuống ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu. Chưa đầy một giờ sau trận lũ ngày 11/10, số người thiệt mạng đã tăng lên 11 người, 6 người bị thương, 234 ngôi nhà bị sập đổ, trong đó gần 30 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 13 hộ phải di dời khẩn cấp, 213 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ. Nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở khối lượng lớn đất đá, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
 
Một lần nữa, Yên Bái gồng mình chống chọi với sự tàn phá khốc liệt của thiên tai bằng chính nội lực của mình. Lũ càn quét trên diện rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, các phương tiện thông tin liên lạc và tuyến giao thông duy nhất lên huyện Trạm Tấu bị cắt đứt hoàn toàn nên thông tin về số người thiệt mạng, mất tích, số nhà cửa, tài sản của nhân dân bị lũ cuốn không thể cập nhật ngoài việc phải trực tiếp có mặt ở hiện trường.
 
Hơn 12 giờ trưa cùng ngày, một mố cầu và hai nhịp cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32, thuộc địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục bị lũ phá sập, chia cắt giao thông, nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam đang tác nghiệp trên cầu.
 
Mưa vẫn rơi nặng trĩu, nước lũ chảy xiết, giao thông ngừng trệ nhưng không thể ngăn nổi quyết tâm băng vào vùng rốn lũ với đồng bào của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, sẻ chia, động viên, hỗ trợ và giúp dân với một quyết tâm cao nhất.
 
Tới ngày 19/10, trận lũ lịch sử thứ hai tại Yên Bái đã khiến 28 người chết, mất tích, 9 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà, công trình bị hư hỏng. 8/9 huyện, thị, thành phố bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ. Gần 2.000 ngôi nhà với 80 nhà bị lũ làm sập, cuốn trôi hoàn toàn.
 
Hàng ngàn mét kè chống sạt lở bị hư hỏng, nhiều công trình thủy lợi, dân dụng, giao thông bị lũ cuốn trôi, gây hư hại. 922 ha lúa, hoa màu hàng ngàn con gia súc, gia cầm... là tài sản chắt chiu của nhân dân đã bị thiệt hại sau cơn lũ dữ.
 
Ngoài ra, 4 dự án thủy điện đang vận hành phát điện bị bồi lấp toàn bộ hồ chứa, hư hỏng một số hạng mục tổ máy, trạm biến áp... 5 dự án thủy điện đang thi công bị hư hỏng một số hạng mục đê quây nhà máy, tuyến hầm dẫn nước... nâng tổng mức thiệt hại lên tới trên 700 tỷ đồng.
 
Hơn một tháng sau, việc tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích do lũ của Yên Bái vẫn gặp phải vô vàn khó khăn do địa bàn miền núi nhiều sông, suối, diện tích tìm kiếm rất rộng, trải dài trên các huyện Trạm Tấu và dọc suối Thia qua địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Văn Yên xuôi xuống sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
 
Hơn thế, số lượng hộ gia đình có nhà bị sập, trôi, phải di dời quá lớn nên việc tìm quỹ đất rất khó khăn trong khi cơ sở hạ tầng như cầu cống, đường giao thông bị hư hại nặng nề, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm, chưa thể khắc phục ngay. Vất vả, khó khăn và thách thức càng thêm chất chồng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh khi vừa phải đối phó với thiên tai vừa phải quyết tâm xử lý những vi phạm của một số cán bộ, đảng viên.
 
Trên tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, dân chủ và công tâm, lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đoàn kết, nhất trí quyết định mời Thanh tra Chính phủ vào cuộc để thanh tra và có kết luận cụ thể; đồng thời, kiên quyết làm sáng tỏ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm về một số cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành. Đây là thời điểm mà Yên Bái phải đối mặt với những thông tin xấu độc, thiếu tính xác thực, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh nhiều nhất, rầm rộ nhất của các trang thông tin, các trang mạng xã hội nhằm gây tâm lý hoang mang, dao động, nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc.
 
Trước tình hình đó, song song với việc tích cực tham gia giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương, Chính phủ về kiểm tra, làm việc tại tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo thực hiện thật tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng- an ninh ở địa phương. Kết quả, cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017 của Yên Bái đạt xuất sắc, góp phần đưa 28/31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, trong đó có 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
 
Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện "5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược và 10 dự án trọng điểm” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 nên tình hình kinh tế - xã hội của Yên Bái được giữ ổn định, duy trì đà tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng khá, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.494 tỷ đồng, vượt 21,7% kế hoạch năm.
 
Nhìn lại một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu cho sự nỗ lực phấn đấu và trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
Càng trong gian khó, chúng ta càng vững vàng niềm tin vào Đảng bộ tỉnh. Hôm nay, cùng với cả nước, Yên Bái bước sang năm mới, xuân mới Mậu Tuất 2018. Đây là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa then chốt quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).
 
Với chủ đề xác định của năm là: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế hệ thống chính trị; tăng cường thu hút đầu tư; tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông" cùng sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng bộ, Yên Bái sẽ vững bước tiến lên vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gặt hái những thành công mới.

Thanh Hương

Các tin khác
Người dân xã Lâm Thượng trồng măng mai cho thu nhập cao.

YBĐT - Với đặc thù địa phương có trên 79% là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên trong công tác phát triển đảng viên, huyện rất chú trọng đến các đối tượng quần chúng ưu tú là người DTTS. Năm 2017, toàn huyện đã kết nạp mới 171 đảng viên; trong đó, 132 đảng viên là người DTTS, chiếm 77,19%.

Lãnh đạo Huyện ủy Lục Yên kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết tại Đảng bộ xã Khánh Hòa.

YBĐT -  Chuyển biến rõ nét nhất sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở Khánh Hòa là việc khắc phục những yếu kém trong sinh hoạt chi bộ.  

Cây bưởi đã mang lại thu nhập cho mỗi hộ dân thôn Đồng Nếp, xã Đại Minh từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

YBĐT - Đến nay, toàn huyện đã có 168 mô hình tập thể đăng ký xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, 312 cá nhân đăng ký gương điển hình tiên tiến học và làm theo Bác. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Huyện ủy Trấn Yên kiểm tra vùng phát triển kinh tế bằng mô hình dâu tằm tại xã Việt Thành.

YBĐT - Nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2016, gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Huyện ủy Trấn Yên đã tập trung rà soát, xác định 15 việc cần làm ngay trong năm 2017; các chi bộ, đảng bộ cơ sở xác định 266 việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục