Chúng tôi cùng đoàn công tác đến thăm các mô hình tổ chức Đảng điển hình tiên tiến, mô hình điển hình trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tổ chức hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tiêu biểu như Chi bộ Thôn 1 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên; Chi bộ thôn Cá Nội, Đảng bộ xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên; Chi Đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ... đó là những tập thể đã học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, xứng đáng là gương sáng về lối sống, nề nếp làm việc, thái độ tận tụy trong phục vụ nhân dân.
Mỗi mô hình một cách làm sáng tạo, có nhiều điểm mới, đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 05; thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Trong số các mô hình được tỉnh khen thưởng dịp này thì mô hình điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng chiếm số lượng đông đảo. Điển hình là Câu lạc bộ (CLB) Nữ kinh doanh Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập tháng 8 năm 2006 với 34 hội viên. CLB này đã tích cực thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng cách vận động hội viên, hộ kinh doanh năng động, tích cực phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng để có nhiều đóng góp cho địa phương.
Nổi bật năm 2017, doanh thu của các hội viên CLB đạt 40,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 280 lao động với mức thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, hoạt động từ thiện nhân đạo trị giá hàng trăm triệu đồng, nhận đỡ đầu Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cúc...
Các mô hình thi đua xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh, có phương pháp, cách làm hay, phù hợp như vận động nhân dân tham gia hiến đất làm đường, đóng góp tiền của, vật chất, công lao động… xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tổ chức được các phong trào thi đua đột phá, chuyên đề với khẩu hiệu hành động thiết thực, góp phần hoàn thành từng tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như xã Việt Thành, huyện Trấn Yên.
Đồng chí Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành cho hay: từ việc triển khai xây dựng mô hình điển hình tiên tiến theo tinh thần Chỉ thị số 05 với kế hoạch, giải pháp cụ thể, sáng tạo, xã đã cố gắng đạt được những kết quả nổi bật như mạnh dạn quy hoạch 3 vùng phát triển kinh tế tập trung của xã: vùng Đồng Phúc có thế mạnh trồng rừng kinh tế với cây quế là cây chủ lực; vùng Phú Thọ phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, phát triển cây có múi và chăn nuôi; vùng Lan Đình trồng dâu nuôi tằm. Từ việc học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đã tăng cường sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Qua đó, nhân dân tự nguyện hiến trên 57.000 m2 đất làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn và xã; đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,5% năm 2011 xuống còn 2,13% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 30 triệu đồng...
Ngoài các mô hình tập thể, những cá nhân tiêu biểu được vinh danh vừa qua là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, chức sắc tôn giáo, doanh nhân, người lao động, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, người uy tín trong cộng đồng. Mỗi cá nhân là một câu chuyện thực tế, những con người bình dị mà cao quý về nhân phẩm, đạo đức, lối sống và những công việc thường ngày.
Là gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số học tập và làm theo Bác, anh Lò Văn Păn, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu được biết đến với mô hình vượt khó vươn lên làm giàu ngay tại quê hương còn nhiều gian khó nhờ phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng khép kín; chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.
Đến nay, anh Păn có 3.000 m2 ruộng lúa 2 vụ cho năng suất cao; 2.000 m2 ao thả cá, 1,5 ha đất trồng rừng; 20 con bò, 6 con lợn nái sinh sản, trên 20 con lợn thịt, hàng trăm con gà; trồng hàng trăm gốc chanh đang cho thu hoạch; duy trì hoạt động 2 máy xúc; tổng thu nhập của gia đình anh mỗi năm đạt khoảng 400 triệu đồng. Gia đình anh luôn quan tâm chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ các hộ dân khác; tham gia hiến 300 m2 đất, đóng góp sức người, sức của với nhiều ngày công để xây dựng các công trình giao thông nông thôn.
Những thầy cô giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người, có nhiều thành tích trong giảng dạy như cô giáo Phạm Thị Hải Linh - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Gắn bó với sự nghiệp "trồng người” hơn 10 năm nay, cô Linh luôn được đánh giá là giáo viên trẻ, năng nổ, nhiệt huyết và sáng tạo. Với nhiều sáng kiến trong giảng dạy được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái xếp loại xuất sắc; bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Năm học 2016 - 2017, có 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 1 giải khuyến khích cấp quốc gia, 1 huy chương vàng và 2 giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ. Năm 2017 - 2018, có 5 học sinh đạt giải cấp tỉnh môn Hóa, 1 giải nhất cấp tỉnh môn Sinh. Đặc biệt, em Nguyễn Đình Hoàng, học sinh lớp 11 do cô Linh chủ nhiệm đã đạt giải Nhất môn Hóa học trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, kiêm Trưởng ban Hành giáo Bảo Long, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên; Ông Đoàn Văn Việt - giáo dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, vận động gia đình và bà con giáo dân kính chúa, yêu nước tốt đời đẹp đạo; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhìn lại quá trình triển khai xây dựng các mô hình điển hình, có thể thấy, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ, giám sát xây dựng, thực hiện mô hình theo từng lĩnh vực cụ thể. Công tác thẩm định, lựa chọn mô hình tuyên dương, khen thưởng được đảm bảo chặt chẽ, với tiêu chí cụ thể; qua đó, đã lựa chọn được những tập thể, cá nhân khen thưởng có thành tích thực sự nổi bật, tiêu biểu.
Toàn tỉnh có 1.547 mô hình tập thể, 1.361 cá nhân đăng ký từ cơ sở; 179 tập thể, 18 hộ, 93 cá nhân đăng ký cấp tỉnh; 150 mô hình tập thể, 187 cá nhân điển hình tiên tiến được các huyện biểu dương khen thưởng trong dịp sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05; 60 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp tỉnh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái là biểu hiện sinh động kết quả từ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thời gian tới, để mô hình, điển hình tiên tiến trở thành hạt nhân tuyên truyền tốt, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong các cấp ủy đảng, trong toàn xã hội; các cấp ủy Đảng cần tiếp tục chỉ đạo, nâng cao chất lượng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Tổ chức hoạt động giao lưu, biểu dương, tôn vinh người tốt, việc tốt; nhân rộng, phổ biến các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Nguyễn Thúy Mai (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)