Khó khăn xã nghèo và sự học
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2008, Đảng bộ xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) kết nạp được 6 đảng viên mới, hoàn thiện hồ sơ kết nạp 5 đồng chí và kết nạp trong quý I/2009. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, bởi Thạch Lương đã và đang phải cố gắng vượt qua 2 khó khăn lớn để đạt được điều đó.
Đã có 87 học sinh của thôn Bản Có đến lớp đúng độ tuổi.
|
Khó khăn xã nghèo
Đồng chí Lò Văn Lùn - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Thạch Lương tỏ ra yên tâm khi nói rằng, đối tượng trẻ để phát triển đảng ở xã khá đông. Các chi bộ cũng đã tích cực trong công tác tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng quần chúng nên nhận thức về Đảng và hướng phấn đấu của đoàn viên trong xã khá tốt. Đơn cử ở thôn Bản Cại đã có bạn trẻ chủ động đặt mục tiêu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng với chi bộ, sau khi bồi dưỡng và đã được kết nạp vào tháng 12/2008.
Nhưng chính Phó bí thư Lùn lại chia sẻ nỗi lo rằng, “lực lượng sung sức” này lại thường xuyên đi làm xa nhà, khó quản lý, theo dõi thường xuyên, việc bố trí tham gia các lớp tìm hiểu về Đảng không dễ thực hiện; có trường hợp quần chúng tiến bộ và hoàn tất các thủ tục kết nạp, nhưng do làm ở nơi xa, không thể về để kết nạp đành hủy quyết định; có chi bộ một vài năm không kết nạp được đảng viên.
Chỉ cách trung tâm huyện Văn Chấn có 8 km và cách thị xã Nghĩa Lộ chừng 10 km, Thạch Lương được coi là xã nghèo. Cả xã có 935 hộ dân với trên 4.500 khẩu (85,6% là người Thái, 5,6% là người Kinh, còn lại là các dân tộc Mường, Tày và người Mông). Nằm trong cánh đồng Mường Lò, Thạch Lương có 190/791 ha đất ruộng nhưng chỉ độc canh lúa nước, diện tích đất lâm nghiệp chủ yếu là rừng phòng hộ, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, nghề phụ gần như không có ngoài những khung dệt thủ công trong một số gia đình.
Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây màu vụ đông, chăm sóc cây ăn quả, cây chè… song nguồn lợi kinh tế chưa mang lại cho người dân ở đây một cuộc sống sung túc. Đến hết năm 2008, toàn xã còn 62,5% hộ nghèo và 5/11 thôn đang được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ.
Cuộc sống khó khăn, sau mỗi vụ gieo cấy trong năm, người dân lại lên rừng, người tìm nơi làm thuê kiếm tiền. Những bạn trẻ có trình độ, nhận thức tốt, biết lo cho kinh tế gia đình thì chủ động tìm đến thị trường lao động khác để mưu sinh. Hiện số đoàn viên thanh niên ở xã Thạch Lương có gần 400 người, trong đó 260 là đoàn viên. Tuy nhiên, hơn một nửa lực lượng trẻ tuổi ở đây lại thường xuyên đi làm xa và vắng mặt ở địa phương nhiều ngày, riêng số đi làm việc ở miền Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc đi xuất khẩu lao động đã lên tới 74 người. Công tác phát triển đảng viên lại phải trông cậy vào những quần chúng cư trú ổn định tại địa phương. Nhưng…
Sự học!
Thôn Bản Lải là một trong 5 thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 có 73 hộ thì 43 hộ nghèo. Ông Hoàng Văn Đôi - Bí thư của Chi bộ có 12 đảng viên này chẳng ngại ngần bộc bạch: “Nó cứ đi làm xa nhà đến cả hai chục ngày mới về, mà lại chưa học hết lớp 9 thì khó quá, không đủ tiêu chuẩn”. Ông Đôi kể đủ 4 quần chúng giới thiệu cho Đảng trong 3 năm gần đây, nhưng 1 trường hợp năm 2006 khi làm thủ tục mới biết là chưa học xong lớp 9 phải động viên đi học tiếp.
Vài ba năm trước, đi học lên cấp 2 không phải xa xỉ, nhưng có lẽ cũng không đơn giản với những người dân ở cái thôn còn hơn nửa hộ nghèo, lại cách trung tâm xã tới 4 - 5 cây số như Bản Lải. Chính vì thế, khi tìm được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng lại chưa đạt quy định về trình độ văn hóa (lớp 9 với địa bàn vùng cao).
Liền đấy là thôn Bản Có, còn khó khăn hơn bởi sự chia cắt khi mùa mưa đến. Học sinh đi học THCS ở trung tâm xã chỉ có nghỉ bên ốc đảo ấy khi lũ về trên dòng Nậm Tăng, Giờ đây, điểm trường Bản Có đã duy trì được 5 lớp với 87 học sinh và cầu treo Bản Có sẽ giúp các em đi học lên THSC đầy đủ hơn.
Cô giáo Vũ Thị Nhận là người ở thị xã Nghĩa Lộ mỗi ngày cả đi về gần 35 cây số đến đây dạy đã vui hơn khi không còn lo chậm giờ vì chờ vượt lũ. Cô Nhận cho biết, trước đây chỉ được khoảng một nửa các em học tiếp THCS ở ngoài xã, chừng 3 năm trở lại đây các em đã ra trường đúng độ tuổi. Như vậy cũng phải mất mấy năm nữa thì mới có thêm những học sinh học hết lớp 9.
Được biết, xã Thạch Lương đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Xã hiện có 19 lớp với 443 học sinh tiểu học và đang hướng tới mục tiêu phổ cập trung học sơ sở. Tuy nhiên, không phải tất cả con em đều đi học tiếp THPT, và có đi thì tỷ lệ học đến hết 12 cũng rất ít. Nên khi làm công tác phát triển đảng viên mới, Đảng ủy xã Thạch Lương đã phải yêu cầu các chi bộ xác định được động cơ phấn đấu của quần chúng, đồng thời cùng các tổ chức đoàn thể động viên quần chúng đó đi học bổ túc để sau 2 năm có đủ trình độ văn hóa THPT.
Điều đáng mừng là trong số 11 đảng viên kết nạp từ đầu năm 2008 đến nay chủ yếu ở độ tuổi đoàn viên thanh niên, đảng viên trẻ nhất 20 tuổi, trong số đó có 4 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số. Toàn Đảng bộ đã có 161 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ thôn bản và 2 chi bộ trường học.
Xác định đúng đối tượng, có kế hoạch bồi dưỡng, nên đến giữa tháng 4 Đảng bộ đã dự kiến danh sách 25 quần chúng ưu tú tham gia học tập tìm hiểu về Đảng. Đây là những nhân tố quan trọng để Đảng bộ Thạch Lương tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu kết nạp 8 - 10 đảng viên, giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, trong đó 80% trở lên Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Vấn đề xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một vấn đề lớn. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập một vài ý về xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) là doanh nghiệp nằm trong loại hình doanh nghiệp tư nhân do gia đình tự bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
YBĐT - Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) có 14 năm liền (1995 - 2008) được Thành uỷ Yên Bái công nhận đạt “Trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; được Tỉnh uỷ tặng cờ cho Đảng bộ đạt “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm 2000 - 2006 và mới đây Đảng bộ tiếp tục được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 3 năm liền (2006 - 2008).
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh uỷ trong chuyến đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I tại huyện Mù Cang Chải trong ngày 21-22/4.
YBĐT - Thời gian qua, hệ thống chính trị của xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) hoạt động rất yếu, một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo đoàn thể chưa gương mẫu thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp trên; làm việc quan liêu, chưa thường xuyên sâu sát cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở… dẫn đến tình trạng một bộ phận nhân dân ở thôn Sài Lương và Nậm Chậu không chấp hành chủ trương của tỉnh và của huyện, chống đối lại các doanh nghiệp vào đầu tư khai thác khoáng sản trên địa bàn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong xã.