Đảng bộ xã Minh Tiến: Quyết sách đúng, dân ấm no
- Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2005, 2006, Đảng bộ xã Minh Tiến (Trấn Yên - Yên Bái) xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra rằng, khi đó, vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Chính vì thế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội của Minh Tiến cũng là mối quan tâm lớn của Huyện ủy Trấn Yên.
Là địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ, kinh tế thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm 90% nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân. Minh Tiến đã xác định cây, con chủ đạo để phát triển kinh tế và đưa vào nghị quyết của Đảng bộ. Đó là mở rộng diện tích trồng rau màu; phát triển cây chè với giống mới như Bát Tiên, chè cành; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Hiện tại, xã có 41 ha chè với 31 ha chè kinh doanh, 10 ha chè cơ bản. Tuy nhiên, tiêu thụ chè bấp bênh, giá cả không ổn định khiến người làm chè gặp khó khăn. Bởi thế, ngoài phát triển chè, lúa, trồng rừng, Minh Tiến chỉ đạo tập trung phát huy thế mạnh là phát triển cây vụ 3.
Cùng cây ngô, nông dân chuyển đổi mạnh sang trồng rau các loại. Ban đầu, từ một vài hộ trồng rau với diện tích nhỏ hẹp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Đảng ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích. Và cây rau màu đã trở thành chính vụ ở đây, cho thu nhập gấp đôi so với trồng lúa, trồng ngô. Gia đình anh Nguyễn Duy Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã là một trong những hộ trồng rau có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Anh khẳng định rất chắc chắn từ thực tế của chính gia đình mình: “Một sào su hào, cứ 35 ngày thu hoạch một lứa, mỗi lứa thu chừng 5 triệu đồng mà ít nhất mỗi mùa cũng quay vòng 2 đến 3 lứa”. Anh Nam nêu ví dụ hộ anh Nguyễn Danh Quắc ở thôn 6, mỗi năm thu vài chục triệu đồng từ trồng rau, trong đó riêng su hào khoảng 25 triệu đồng.
Cả xã Minh Tiến có 20 ha diện tích soi bãi vào mùa đều được nông dân tận dụng trồng rau trong nhiều năm qua, chủ yếu là su hào, bắp cải. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, bà con đã chuyển từ giống bắp cải Lạng Sơn sang giống bắp cải ép nổ giống tốt cho năng suất cao, rau ngon, người tiêu dùng ưa thích. Nhiều cánh đồng rau ở Minh Tiến đã có tiếng như: Sứ Đồng, Cửa Thảo, Sứ Đồng ba mẫu, Cánh đồng Lũng. Cứ từ tháng 10, 11 hàng năm, xã đã mướt xanh những cánh đồng rau và trở thành địa chỉ cung cấp rau xanh lớn nhất, nhì cho thị trường thành phố Yên Bái. Sung túc, khá giả của mỗi gia đình đến từ những vụ rau được mùa, được giá; có hộ xây được nhà, mua xe máy đắt tiền, đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống…
Không dừng lại ở đó, mới đây, anh Nam cùng một vài người trong xã đã về Hưng Yên để học tập kinh nghiệm trồng đỗ dải áo, dưa thái (loại đỗ đũa quả dài, năng suất cao và loại dưa quả to, sai). Sau đó, anh tuyển chọn giống, mua về trồng thử nghiệm và bước đầu cho thu hoạch, có vài hộ đã làm theo. Năng động, đón đầu nhu cầu người tiêu dùng, thị trường sẽ là yếu tố quyết định thắng lợi trong tư duy, cách làm cũng như chuyển đổi chủng loại rau của địa phương. Một điều mà các lãnh đạo xã cũng như anh Nam còn băn khoăn là làm sao để rau Minh Tiến có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ, có giá ổn định… Thực tế, điều đó không chỉ khó với riêng cây rau của Minh Tiến.
Từ năm 2007, được sự quan tâm, giúp đỡ của huyện Trấn Yên, xã tiếp tục đi học tập kinh nghiệm trồng cây lạc ở Tuyên Quang. Và cũng trong năm 2007, cây lạc bắt đầu được gieo xuống đồng đất Minh Tiến với diện tích 2 ha, thử nghiệm bước đầu này đã cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, diện tích trồng lạc mở rộng lên 8 ha và năm nay, huyện giao chỉ tiêu trồng 18 ha thì bà con đã trồng được 20 ha. Cây lạc cũng đã được đưa vào nghị quyết, đánh dấu bước chuyển đổi thêm một giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Giờ thì đã có gia đình ở Minh Tiến thu hàng chục triệu đồng từ trồng lạc.
Tìm hướng đi hiệu quả với những quyết sách đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Minh Tiến đã phát huy tốt thế mạnh của địa phương. Đời sống nhân dân từng bước ổn định, hộ nghèo giảm từ 65 hộ năm 2008 xuống còn 25/384 hộ tính đến tháng 4/2009.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ (Yên Bái) thực hiện cổ phần hóa từ năm 2000. Trước khi cổ phần hóa, Đảng bộ Công ty có 84 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ nhưng đến nay chỉ còn 45 đảng viên, sinh hoạt ở 5 chi bộ. Nguyên nhân do một số đảng viên chuyển công tác, nghỉ hưu, song đáng nói hơn là công tác phát triển Đảng ở đây gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Thực hiện Đề án 64 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển chi bộ thôn, bản và kế hoạch của Huyện ủy Trạm Tấu, đầu năm 2009, Đảng bộ xã Bản Mù đã tách Chi bộ ghép Tàng Ghênh - Háng Chi Mua thành Chi bộ Tàng Ghênh và Chi bộ Háng Chi Mua. Vậy là Chi bộ Đảng đầu tiên của thôn Háng Chi Mua đã được thành lập với 6 đảng viên, gồm 3 đảng viên chính thức, 3 đảng viên dự bị. Từ khi có đảng viên đầu tiên vào năm 1999, sau 10 năm, thôn mới có Chi bộ Đảng.
YBĐT - Ngay khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai, Đảng ủy Quân sự huyện Trấn Yên đã đề ra nhiều giải pháp để đưa cuộc vận động vào cuộc sống.
YBĐT - “Nhà trường không chỉ thực hiện chức năng chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn hướng dẫn thực hành, kiến tập cho giáo sinh Khoa Giáo dục Mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và thí điểm các chương trình đổi mới giáo dục mầm non để nhân rộng. Vì vậy đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng của giáo viên phải rất vững. Đây cũng là một trong những tiêu chí cơ bản để Chi bộ xem xét, kết nạp các đối tượng Đảng” - đồng chí Đàm Thị Ngọ - Bí thư Chi bộ Đảng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành tỉnh Yên Bái cho biết.