Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 10
- Cập nhật: Thứ năm, 13/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 30/3/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10 - CT/TƯ “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 10 đã được các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.
Cán bộ Mặt Trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải cùng ban công tác mặt trận các xã trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân.
(Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Từ khi triển khai Chỉ thị 10, hầu hết các chi bộ duy trì tốt nề nếp sinh hoạt định kì, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt tăng. Các chi bộ đã xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ; có quy định lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng và lập, ghi chép, quản lý sổ biên bản họp chi bộ.
Trước khi sinh hoạt định kì (hoặc chuyên đề), ban chi ủy hoặc bí thư chi bộ chủ động họp (hội ý) các nội dung cần triển khai, học tập, đưa ra bàn bạc, thảo luận tại buổi sinh hoạt, bám sát nhiệm vụ chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và những nhiệm vụ cụ thể trong tháng của chi bộ; nội dung chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, được ghi chép vào sổ biên bản họp cấp ủy hoặc sổ ghi biên bản, sổ tay của bí thư chi bộ. Nội dung sinh hoạt bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu và phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao ý thức kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình.
Chất lượng sinh hoạt nâng cao nhờ số chi bộ thực hiện sinh hoạt theo chuyên đề tăng, nội dung tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp trên, phát triển kinh tế trang trại, xóa đói giảm nghèo… Nhiều chi bộ có sự đổi mới, có cách làm khoa học như: lập, quản lý danh sách đảng viên của chi bộ; quản lý thu, chi Đảng phí hàng tháng; cấp phát sổ, bút cho đảng viên ghi chép nội dung sinh hoạt chi bộ…
Sau hơn 2 năm triển khai, do một số cấp ủy Đảng cơ sở chưa thấy hết tầm quan trọng của Chỉ thị 10 nên không thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn; trình độ, năng lực, uy tín, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của một số cấp ủy, bí thư chi bộ chưa cao, chưa chú trọng công tác xây dựng Đảng, chủ yếu quan tâm phát triển kinh tế; chưa thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, chưa làm tốt công tác quản lý đảng viên.
Mặt khác, việc xác định nhiệm vụ của chi bộ trong tháng tới thiếu trọng tâm, sơ sài; một số chủ trương, chính sách mới chưa kịp thời triển khai, thông báo tới chi bộ; đánh giá kết quả, vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của chi bộ còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa quyết liệt; chưa đánh giá tốt tư tưởng đảng viên, sự đồng thuận của dân với Đảng; chưa giải quyết tốt, chưa đề nghị giải quyết những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở. Và việc tổng hợp ý kiến của quần chúng về vai trò lãnh đạo của chi bộ cũng như vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên chưa thường xuyên, chưa kịp thời... đã làm giảm sức chiến đấu, ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của chi bộ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là cấp ủy Đảng một số nơi chưa chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn; chưa phát hiện và đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự hướng dẫn của cấp trên; chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thiếu kiểm tra, đôn đốc. Còn một số cấp ủy viên cơ sở thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, giao phó cho chi bộ là chính; trình độ, năng lực của bí thư chi bộ hạn chế, một số thiếu nhiệt tình, thiếu phương pháp hoạt động, chưa tích cực nghiên cứu tài liệu...
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần tiếp tục quán triệt, học tập sâu sắc Chỉ thị 10 và hướng dẫn của Trung ương gắn với kế hoạch, hướng dẫn của từng Đảng bộ cho phù hợp, sát tình hình thực tiễn. Các cấp ủy Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải thể hiện quyết tâm cao, coi trọng kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; giữ vững, coi trọng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy, không xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ; cụ thể hóa mục đích, yêu cầu, nội dung, biện pháp trong Chỉ thị vào tình hình thực tiễn; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng theo Điều lệ Đảng; mở rộng phát huy dân chủ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần phê bình và tự phê bình.
Bên cạnh đó, quan tâm chăm lo, củng cố, kiện toàn cấp ủy, chi ủy đủ số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ; gắn chỉ đạo nội dung sinh hoạt với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời phát huy vai trò tham mưu của các ban xây dựng Đảng, sự chủ động tích cực của cấp ủy cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị đối với hoạt động chi bộ.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là công tác phát triển đảng viên, củng cố chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng để thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
YBĐT - Là tổ chức cơ sở Đảng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Yên Bái, Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh gồm các chi, Đảng bộ trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể, hội cấp tỉnh. Đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ hầu hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, được phân công giữ các trọng trách trong cơ quan, đơn vị; có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh trong việc xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chính sách ở địa phương đồng thời tổ chức thực hiện và triển khai đến cơ sở.
YBĐT - Đảng bộ xã Hưng Khánh (Trấn Yên - Yên Bái) có 276 đảng viên, sinh hoạt tại 11 chi bộ thôn, 2 chi bộ nhà trường và 1 chi bộ cơ quan xã. Với 100% đơn vị cơ sở, thôn có chi bộ đều được củng cố, duy trì hoạt động và thực hiện đúng vai trò, chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở.
YBĐT - Năm 2005, 2006, Đảng bộ xã Minh Tiến (Trấn Yên - Yên Bái) xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra rằng, khi đó, vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Chính vì thế, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội của Minh Tiến cũng là mối quan tâm lớn của Huyện ủy Trấn Yên.