Nghĩa Sơn ơn Đảng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nghĩa Sơn - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn có trên 73% đồng bào Khơ Mú sinh sống. Từ năm 1945 trở về trước, cuộc sống của người dân nơi đây đói nghèo, cơ cực. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nghĩa Sơn cùng quê hương Văn Chấn nỗ lực xây dựng cuộc sống ngày thêm đổi mới, ấm no và hạnh phúc.

Thời cơ cực

 

Những người cao tuổi nhất ở đây cũng không ai biết cái tên Nghĩa Sơn có từ bao giờ. Cả trong tiếng Thái lẫn tiếng Khơ Mú, người ta không hiểu Nghĩa Sơn là gì, nôm na hiểu “sơn” là núi, Nghĩa Sơn là “núi nghĩa”. Trên đất này, có nhiều người cao tuổi nhưng ít ai còn minh mẫn. Chỉ có ông Vì Văn Sang ở thôn Nậm Tộc 1 là còn nhớ được cái ngày xưa. Ông được bà, cha, mẹ kể lại nên phần nào thấu hiểu nỗi khốn khó của người Khơ Mú mình…

 

Ngày ấy, cả Nghĩa Sơn chỉ có 200 - 300 người sinh sống ở các thôn: Pa Te, Nậm Tộc, Trạm Khương, Bản Lọng và tất cả đều là người Khơ Mú. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân nhằm dễ bề cai trị nên người Khơ Mú không được học hành. Nương có, ruộng có mà người Khơ Mú không làm, đi làm thuê cho địa chủ, phìa tạo. Hàng năm, các gia đình thiếu đói từ 3 đến 6 tháng. Đường đi lại chỉ là lối mòn bám quanh những sườn đồi dưới tán cây rừng. Những hủ tục lạc hậu đè nặng lên cuộc sống. Lúc ốm đau, khi sinh đẻ khó, không có bệnh viện, không trạm y tế để khám, chữa bệnh mà nhà nhà cúng ma...

 

Nghĩa Sơn hôm nay

 

Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Lò Văn Lún tâm sự: “Cùng cả nước đánh đuổi quân xâm lược, đất nước độc lập, tự do, người Khơ Mú hòa trong niềm vui chung, góp sức xây dựng quê hương no ấm, giàu đẹp”. Không chỉ người Khơ Mú mà người Thái, Kinh, Mường, Mông đã về mảnh đất này chung sống. Người Khơ Mú bỏ dần hủ tục lạc hậu. Người lớn, trẻ em đều được đến trường học chữ. Khi ốm đau, có trạm y tế phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người Khơ Mú cũng nỗ lực gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

 

Giờ thì Nghĩa Sơn đã đổi thay nhiều lắm. Con đường từ quốc lộ 32 vào trung tâm xã dài 5 km, ô tô đi lại được, nhiều đoạn đã bê tông hóa. Nhờ Chương trình 135, Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án Chia Sẻ... cả 6/6 thôn đã có đường ô tô. Trường học, trạm y tế đều đã được kiên cố hóa; 100% số hộ có nhà vệ sinh. Hàng năm, 98% trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường; nhiều học sinh đã học hết trung học phổ thông. Hiện xã có 8 - 9 em đang theo học chính quy, học cử tuyển tại các trường đại học. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã trở về địa phương như: Vì Văn Luận dạy học tại xã Nậm Lành, Vì Thị Định là y sĩ Trạm Y tế xã.

 

Đảng bộ xã Nghĩa Sơn có 88 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn bản, 2 chi bộ trường học, 1 Chi bộ Trạm Y tế xã. Đảng viên từ Ban chấp hành Đảng bộ xã đến các chi bộ được phân công nhiệm vụ rõ ràng nên phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu. Để xóa đói giảm nghèo, xã vận động nhân dân đưa gần 90% giống lúa lai vào sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương vận động nhân dân trồng thêm cây ngô, đỗ tương, sắn, trồng rừng và tập trung chăn nuôi trâu, bò. Hiện xã có đàn trâu 338 con, đàn bò 154 con, đàn lợn 670 con.

 

Giờ đây, Nghĩa Sơn với 319 hộ, 1.481 nhân khẩu thì đã có 40% hộ có cuộc sống khá. Người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn mãi ơn Đảng bởi nhờ có Đảng, cuộc đời đã sang trang mới!

 

Đào Minh

 

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có nhiều cố gắng đổi mới hoạt động, chủ động sáng tạo lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trên các lĩnh vực và đưa kinh tế- xã hội địa phương ổn định và phát triển.

Cán bộ Mặt Trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải cùng ban công tác mặt trận các xã trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân.
(Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Ngày 30/3/2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10 - CT/TƯ “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Xác định đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 10 đã được các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện.

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, trong đó trọng tâm là công tác phát triển đảng viên, củng cố chi bộ, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng để thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

YBĐT - Là tổ chức cơ sở Đảng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Yên Bái, Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh gồm các chi, Đảng bộ trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể, hội cấp tỉnh. Đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ hầu hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, được phân công giữ các trọng trách trong cơ quan, đơn vị; có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh trong việc xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chính sách ở địa phương đồng thời tổ chức thực hiện và triển khai đến cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục