Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn: Đột phá từ tư duy tới hành động
- Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2010 | 9:06:44 AM
YBĐT - Nghị quyết 06/NQ-TU chạm tới vấn đề cốt lõi ở vùng cao là tư liệu sản xuất của người dân, khi ban hành và bắt tay vào thực hiện đã xuất hiện tâm lý lo ngại “đảo lộn vùng cao” ở một số ít cán bộ ngành và địa phương nhưng cuộc “cách mạng” tư liệu sản xuất đã diễn ra với ý chí, quyết tâm cao của những người cộng sản trong sự đồng tâm, ủng hộ của nhân dân và đạt nhiều kết quả tích cực, căn bản, có tính bền vững.
Bản định cư xã Kim Nọi, Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Đánh giá đúng tình hình, xác định đúng vấn đề trọng tâm, cấp bách, từ đó có bước đi phù hợp với cơ chế, chính sách đồng bộ là những giải pháp được Tỉnh ủy Yên Bái tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Vùng cao Yên Bái với 86.500 hộ, 395.000 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc đang có những đổi thay quan trọng nhưng đòi hỏi từ thực tiễn cách mạng đặt ra cho toàn Đảng bộ là phải có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy kinh tế vùng cao phát triển nhanh hơn, bền vững hơn…
Đánh giá đúng tình hình, giải quyết các vấn đề trọng tâm và cấp bách
Đặt vấn đề đánh giá đúng tình hình không có nghĩa là trước đây tình hình vùng cao chưa được đánh giá đúng mà là có lúc đánh giá chưa hết, những tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao.
Thực tế chỉ ra rằng: tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng những năm qua vùng cao Yên Bái với 70 xã, 86.530 hộ dân tộc thiểu số vẫn đứng trước nguy cơ thiếu ăn. Tệ đốt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép, tái trồng cây thuốc phiện vẫn là thách thức lớn, phong tục, tập quán lạc hậu còn khá nặng nề, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tỷ lệ hộ đói nghèo ở mức hai con số, việc di dân tự do vẫn diễn ra...
Trung tâm xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) với cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” khá đồng bộ. (Ảnh: Thanh Miền)
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh, riêng Trạm Tấu cán bộ luân chuyển năm 2008 lên tới 10 người, trong đó từ tỉnh về huyện chiếm 50%; 99 bí thư chi bộ, trưởng thôn được đào tạo, bồi dưỡng; 42 học sinh người dân tộc được hỗ trợ đi học các trường chuyên nghiệp. Huyện Mù Cang Chải, năm 2009 có 158 bí thư chi bộ và trưởng thôn được đào tạo, bồi dưỡng chính trị; thực hiện luân chuyển 6 cán bộ, chủ yếu là từ huyện về xã; 248 học sinh được hỗ trợ đi học các trường chuyên nghiệp… |
Trạm Tấu - một trong 62 huyện nghèo của cả nước có tổng diện tích tự nhiên trên 743 km2, trên 90% là đất lâm nghiệp (43% đất trống trọc), đất nông nghiệp chỉ có 7%, dân số 2,3 vạn người (77% là đồng bào dân tộc Mông), ở thời điểm đầu nhiệm kỳ nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Về sản xuất, tăng vụ rất ì ạch, đất sản xuất nhiều nơi chỉ làm một vụ, chăn nuôi gia súc chủ yếu thả rông, nạn đốt phá rừng để trồng lúa nương và khai thác gỗ trái phép diễn ra phức tạp, có lúc ngang nhiên - tới mức, lâm tặc xông vào cơ quan kiểm lâm cướp gỗ bị tịch thu. Việc tái trồng cây thuốc phiện diễn ra âm ỉ, khó “hạ nhiệt”, có xã diện tích thuốc phiện tái trồng bị phát hiện ở mức ba con số.
Cấp xã, sự ì ạch càng nặng nề, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước phổ biến, các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao không hoàn thành, đời sống nhân dân khó khăn khiến cho việc di dịch cư theo chiều hướng phức tạp. Tà Xi Láng, Làng Nhì, Túc Đán là những trọng điểm về nạn phát phá rừng làm nương, khai thác gỗ trái phép. Xã Túc Đán, lãnh đạo chính quyền còn thông đồng với lâm tặc phá rừng.
Huyện Mù Cang Chải tuy giữ được ổn định, kinh tế tăng trưởng nhưng thiếu nhân tố mới, thiếu tính đột phá để tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn. Đời sống nhân dân được cải thiện nhưng đi sâu vào từng xã, từng bản, làng thì có nhiều vấn đề chưa được phản ánh, đánh giá đúng mức, chậm khắc phục. Xã Nậm Có - một điểm “nóng” về buôn bán, sử dụng ma túy, các chương trình kinh tế phát triển chậm hiệu quả chưa cao, tệ phát phá rừng, cháy rừng, vận chuyển lâm sản trái phép có lúc rất phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo trên 78%, việc di cư tự do vẫn diễn ra, có lúc chính quyền địa phương không nắm bắt kịp thời.
Việc đánh giá đúng tình hình không chỉ để hoạch định những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược mà qua đó xác định đúng những vấn đề trọng tâm, cấp bách đang đặt ra cần giải quyết và chỉ khi giải quyết được các vấn đề cấp bách, trọng tâm thì mới tạo ra sự ổn định, những đột phá có tính căn bản, bền vững làm tiền đề để thực hiện các giải pháp chiến lược phát triển vùng cao.
Với quan điểm đúng đắn và khoa học đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã đặt các vấn đề có tính cấp bách, trọng tâm của vùng cao lên bàn nghị sự và ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng cao. Nghị quyết 03/NQ-TU ngày 21.7.2006 về Một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu nêu rõ những tồn tại, yếu kém và xác định giải pháp để sau 5 năm huyện có những tiến bộ rõ rệt về kinh tế.
Trọng tâm là: nông lâm nghiệp phải đạt thế ổn định và phát triển; chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng sản xuất bước đầu chuyển sang sản xuất chính, bắt đầu có sản xuất hàng hóa, giải quyết được đói giáp hạt; cơ bản giải quyết được giao thông nông thôn liên xã và thôn bản, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa ở thôn bản; giải quyết cơ bản những vấn đề xã hội bức xúc: tái trồng cây thuốc phiện, tệ nạn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, di dân tự do…
Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường cán bộ lên vùng cao, thành lập tổ vùng cao chuyên trách, ban chỉ đạo các cấp, giao nhiệm vụ cho các ngành. Sau hơn hai năm tập trung quyết liệt, Trạm Tấu đã tăng sản lượng lương thực lên gần 11.000 tấn, diện tích cây lương thực có hạt trên 4.358 ha, vùng ngô hàng hoá đạt 1.500 ha, cây lạc đưa vào trồng vụ xuân thành công sản lượng trên 100 tấn, nhân dân đã làm trên 1.000 chuồng trại nuôi gia súc.
Từ năm 2006-2010, đã trồng mới 5.180 ha rừng, cơ sở hạ tầng kinh tế dân sinh đã kiên cố hoá và xây dựng mới 24 công trình thủy lợi, nâng cấp, cải tạo 47,8 km đường đến trung tâm xã, mở mới 240 km đường tới thôn bản. Lĩnh vực xã hội, nổi bật là 2.500 hộ dân được cấp nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây mới 12 công trình cấp nước tập trung, người dân đã tự làm mới trên 1.000 công trình vệ sinh, nhà tắm, di chuyển 300 chuồng trại ra xa nhà, thực hiện nếp sống văn hoá tại cộng đồng.
Các vấn đề trọng tâm, cấp bách được quan tâm giải quyết: nạn đốt phá rừng giảm cơ bản, di dân tự do được kiểm soát, tái trồng cây thuốc phiện niên vụ 2009 - 2010 giảm còn 1,6 ha.
Trước tình hình đất đai ở vùng cao chưa được quản lý, khai thác hiệu quả, một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất đời sống rất khó khăn - là một nguyên nhân dẫn đến di cư tự do, tái trồng cây thuốc phiện làm cho một số nơi tình hình thiếu ổn định, quản lý dân cư, địa bàn gặp nhiều khó khăn, ngày 12.12.2006 Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 06 về tăng cường quy hoạch và quản lý đất đai ở vùng cao.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhìn nhận việc điều chỉnh đất đai là một giải pháp có tính chiến lược để xoá đói giảm nghèo và góp phần ổn định tình hình vùng cao. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc chỉ đạo: “Xác định đúng việc trọng tâm, cấp bách nhưng phải có bước đi, biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp. Cần có sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, trong đó công tác dân vận có vai trò hàng đầu, nếu không dân vận tốt thì khó đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra”.
Tỉnh ủy Yên Bái lãnh đạo, chỉ đạo xã Bản Mù và Trạm Tấu (Trạm Tấu) triển khai điểm. Những ngày “xắn tay” thực hiện Nghị quyết 03, không khí sôi động, phấn khởi lan toả từng mái nhà, thôn bản. Sau một năm, ở Bản Mù đã đo đạc xong 1.746 ha đất sản xuất, Trạm Tấu đo đạc quy hoạch 3.123 ha.
Thành công lớn qua thực hiện Nghị quyết là phá vỡ tư tưởng bao chiếm đất đai, phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc trong cộng đồng. Qua thực hiện, đã vận động 144 hộ san sẻ, nhường đất sản xuất cho 159 hộ thiếu đất với tổng diện tích là 74,3 ha. Không thể tả xiết sự phấn khởi và cảm xúc dâng trào của người dân thiếu đất nay đã có đất làm ăn.
Phát triển thương mại - dịch vụ vùng cao đã tạo điều kiện cho người dân lưu thông hàng hóa, hệ thống sản xuất. Ảnh: Một góc chợ Ngã Ba Kim (Púng Luông Mù Cang Chải)
Ông Giàng A Tu ở bản Giàng La Pán (xã Bản Mù) được bà con nhường 1.000 m2 đất sản xuất đã nói: “Từ nay có đất làm ăn, mình không phát rừng làm nương nữa, không nghe lời kẻ xấu đi nơi khác. Cảm ơn Nghị quyết nhiều!”.
Từ thực hiện thí điểm, Trạm Tấu chỉ đạo các xã Phình Hồ, Bản Công, Túc Đán, Xà Hồ (Trạm Tấu) tiến hành đo đạc đất sản xuất, quy chủ, riêng xã Phình Hồ tiến độ đạt trên 80%. Nghị quyết 06/NQ-TU chạm tới vấn đề cốt lõi ở vùng cao là tư liệu sản xuất của người dân, khi ban hành và bắt tay vào thực hiện đã xuất hiện tâm lý lo ngại “đảo lộn vùng cao” ở một số ít cán bộ ngành và địa phương nhưng cuộc “cách mạng” tư liệu sản xuất đã diễn ra với ý chí, quyết tâm cao của những người cộng sản trong sự đồng tâm, ủng hộ của nhân dân và đạt nhiều kết quả tích cực, căn bản, có tính bền vững.
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nghị quyết về vùng cao, Tỉnh ủy Yên Bái chú trọng công tác cán bộ vùng cao và cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nghị quyết số 04/NQ-TU về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số đặt vấn đề: trong 21.129 cán bộ, công chức các cấp, cán bộ công chức vùng cao chỉ chiếm 22,6% với trình độ chuyên môn còn thấp: đại học chiếm 0,54%, trung cấp chiếm 24,2%, chưa qua đào tạo chiếm 75,2%; cán bộ cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu về chuyên môn, trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị.
Việc ban hành và lãnh đạo thực hiện các nghị quyết trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, xác định đúng công tác trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách là bước đột phá về tư duy lãnh đạo, từ đó tạo ra những chuyển biến căn bản, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Yên Bái trong những năm qua.
Tuấn Anh
(Xem tiếp kỳ sau)
Các tin khác
YBĐT - Nhiệm kỳ 2005 - 2010, thành công lớn nhất trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là đã hoàn thành việc xóa chi bộ ghép, về trước thời gian hơn một năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến ngày 20/5/2009, tất cả 1.640 thôn, bản trong toàn tỉnh Yên Bái đều có chi bộ Đảng.
YBĐT - Qua đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, hầu hết đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ này chỉ bầu một lần là đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần. Điều đó đã cho thấy sự chủ động, công khai, dân chủ, tập trung của các chi, Đảng bộ trong công tác nhân sự - nội dung được đặc biệt chú trọng trong mỗi kỳ đại hội.
YBĐT - Trước và trong thời gian tiến hành đại hội các chi, Đảng bộ cấp cơ sở, Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
YBĐT - Được tách ra từ Cục Thuế Hoàng Liên Sơn, năm 1991, Chi bộ Cục Thuế mới chỉ có 16 đảng viên; năm 1995 số lượng đảng viên phát triển mạnh, Chi bộ được nâng lên thành Đảng bộ.