Đảng bộ thị trấn Thác Bà: Chuyển biến sau đại hội
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/10/2010 | 8:50:16 AM
YBĐT - Thành công bước đầu trong quá trình triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở Đảng bộ thị trấn Thác Bà chứng tỏ rõ nét nhất, khẳng định những chuyển biến cũng như tính đúng đắn của bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân phát triển kinh tế - xã hội.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Đặng Hồng Vân ở khu 1.
|
Ông Nguyễn Đô Lương - Bí thư Đảng ủy thị trấn Thác Bà (Yên Bình) vui mừng cho biết: Đảng bộ thị trấn Thác Bà hiện có 210 đảng viên sinh hoạt tại 11 chi bộ. Qua gần 4 tháng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XII, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức đã có những chuyển biến rất rõ nét.
Công tác xây dựng Đảng đã được chú trọng trên cả ba mặt. Những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã được Đảng ủy triển khai đồng bộ đến các tổ chức cơ sở Đảng và người dân. Tất cả đều hướng đến mục tiêu đưa thị trấn Thác Bà trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh và toàn diện của huyện Yên Bình.
Cụ thể hóa các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển thị trấn giai đoạn 2010 - 2015, ngay sau khi tiến hành Đại hội, Đảng bộ thị trấn Thác Bà đã khẩn trương tiến hành họp Ban chấp hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng quy chế làm việc của Ban chấp hành, chương trình công tác năm, chương trình công tác nhiệm kỳ và chỉ đạo Ban Dân vận khẩn trương kiện toàn bộ máy, xây dựng lịch họp định kỳ hàng tuần.
Theo đó, Đảng bộ đã phân công mỗi ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ sẽ phụ trách, theo dõi, giúp đỡ 1 chi bộ; ủy viên Ban Thường vụ phụ trách từ 2 – 3 chi bộ và tiến hành xây dựng các phương án quy hoạch cán bộ chủ chốt, cán bộ các ban, ngành, đoàn thể địa phương, bảo đảm mỗi chức danh có từ 2 - 3 đồng chí dự bị nguồn, đáp ứng tốt tính kế thừa và từng bước trẻ hóa cán bộ.
Ngoài ra, Đảng bộ cũng đã triển khai họp Ban chấp hành mở rộng định kỳ hàng tháng để trực tiếp đánh giá những kết quả đã thực hiện trong tháng; định hướng các hoạt động, biểu dương những điển hình tốt đồng thời xây dựng nghị quyết giải quyết kịp thời những vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong đời sống, củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa dân với Đảng.
Trong đó, xác định những tháng cuối năm 2010 và năm tiếp theo, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là tập trung triển khai thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng các vùng sản xuất cây, con chuyên canh có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng phát huy nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông; giải quyết tốt các vấn đề về giáo dục, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo.
Một trong những chuyển biến rõ nét nhất trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội mà Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ XII đã thông qua là Đảng bộ bước đầu phát huy lợi thế của địa phương để phát triển nền kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Với tinh thần hướng về cơ sở, bám địa bàn, bám sản xuất, Đảng bộ tuyên truyền, vận động, giao nhiệm vụ cho các đảng viên. Đó là bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn phải phụ trách, theo dõi, hướng dẫn nhân dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Đảng bộ về lĩnh vực mình phụ trách.
Bằng các biện pháp cụ thể như: tăng cường rà soát, điều chỉnh diện tích lúa nước hiện có, tăng tỷ lệ diện tích sản xuất vụ 3; xây dựng các mô hình trang trại kết hợp tốt giữa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp; nâng cao hệ số quay vòng sử dụng đất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên... nên chỉ tính riêng 7 mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa, 18 lồng cá thương phẩm, 500 đàn ong... và 79 mô hình nuôi nhím sinh sản, người dân thị trấn đã có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm; nâng thu nhập bình quân trên một diện tích đất canh tác lên 65 - 75 triệu đồng/ha.
Người nông dân đã từng bước chuyển từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang áp dụng kỹ thuật, đầu tư sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, nhiều gia đình đã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng được các mô hình kinh tế có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: mô hình nuôi ong của anh Nguyễn Khánh Toàn ở khu 4 và anh Hoàng Quang Thanh ở khu 4; mô hình nuôi nhím của anh Phạm Văn Tuấn ở khu 1 và anh Nguyễn Văn Tuyển ở khu 5 hay mô hình chăn nuôi lợn của chị Đặng Hồng Vân ở khu 1.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, Đảng bộ thị trấn Thác Bà cũng rất chú trọng đến các ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng, chế biến đồ mộc dân dụng, cơ khí, dịch vụ vận tải, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Toàn thị trấn hiện có 5 cơ sở gia công cơ khí, 2 tổ hợp tác xã, 5 công ty sản xuất và chế biến nông - lâm nghiệp, 8 cơ sở khai thác cát, sỏi và trên 130 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ khác.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Đảng bộ xã đã chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội tập trung đổi mới phương pháp quản lý, nhanh chóng thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp và người lao động.
Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự phát triển nhanh và bền vững, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 13,5%, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn dưới 3,7%.
Thành công bước đầu trong quá trình triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở Đảng bộ thị trấn Thác Bà chứng tỏ rõ nét nhất, khẳng định những chuyển biến cũng như tính đúng đắn của bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân phát triển kinh tế - xã hội.
Gần dân, lắng nghe dân, từ đó định ra những chủ trương, nghị quyết, chính sách kịp thời đối với những vấn đề mang tính cấp thiết đặt ra trong đời sống và củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận giữa dân với Đảng là một kinh nghiệm quý của Đảng bộ thị trấn Thác Bà.
Đức Thành
Các tin khác
YBĐT - Theo tiêu chí mới, Yên Bái hiện có khoảng trên 1.000 trang trại, trong đó trang trại đủ tiêu chí (thu nhập 40 triệu đồng/năm) trên 300 trang trại với tổng diện tích đất sử dụng trên 4.900 ha, hạn điền bình quân 15 ha/trang trại.
YBĐT - Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XVI (2005 - 2010), Sở KH & ĐT Yên Bái đã có nhiều giải pháp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ phát triển KT - XH..., đặc biệt là việc thu hút các nguồn lực đầu tư trên địa bàn.
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) đã kết nạp 243 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 6.660 người. Đảng bộ hiện có 73 chi, Đảng bộ trực thuộc; 509 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và 356 thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ riêng.
YBĐT - Công tác tổ chức xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được Đảng bộ xã Liễu Đô (Lục Yên) hết sức coi trọng.