Vững vàng trên trận tuyến mới
- Cập nhật: Thứ bảy, 26/4/2014 | 3:14:28 PM
YBĐT - Trở về quê nhà từ những chiến trường, những người lính Cụ Hồ lại xông pha trên trận tuyến xây dựng quê hương, đất nước. Dù không vốn, không kinh nghiệm nhưng nhờ tinh thần chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm, nhiều cựu chiến binh đã phát huy bản lĩnh, tinh thần người lính, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi.
Xưởng gỗ của cựu chiến binh Lương Công Tiến thường xuyên tạo việc làm cho người dân địa phương.
|
Từ người lính thành ông chủ
Cũng như thế hệ thanh niên cùng thời, năm 1979, chàng thanh niên Lương Công Tiến ở thôn 3, xã Văn Lãng (Yên Bình) nhập ngũ và tham gia bảo vệ biên giới tại tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về lập gia đình và xây dựng quê hương.Sau gần 30 năm, giờ đây, anh lính Cụ Hồ ngày nào đã là ông chủ của một xưởng gỗ xẻ ván thanh.
Ông Tiến nhớ lại: “Từ chiến trường trở về, mình lập gia đình và bắt tay vào xây dựng kinh tế. Quanh năm trồng cấy, nuôi thêm con gà, con lợn nhưng cái khó vẫn dai dẳng. Thế rồi qua tìm hiểu, nhận thấy nguồn nguyên liệu gỗ trên địa bàn xã rất dồi dào trong khi đó bà con lại hay bị thương lái ép giá nên sau nhiều cuộc họp, bàn bạc và động viên của Hội Cựu chiến binh, năm 2011, mình dồn tất cả vốn liếng để mở xưởng gỗ xẻ ván thanh”.
Quyết tâm cao là vậy nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên ban đầu, hoạt động của xưởng gỗ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự bấp bênh của thị trường. Tuy nhiên, với ý chí kiên định đã được tôi luyện trong chiến trận, ông đã mạnh dạn đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm bạn hàng. Nhờ vậy, đến nay, xưởng gỗ hoạt động ổn định, có nhiều đơn đặt hàng. Từ đó, ông không chỉ tạo việc làm cho con cháu trong gia đình mà cho cả bà con lối xóm với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
“Tàn nhưng không phế”
Lên đường nhập ngũ khi mới tuổi đôi mươi, được gia nhập Đơn vị 61, Binh trạm 27, Đoàn 559, ông Lương Văn Phong ở thôn Khuôn Thiếp, xã Mường Lai (Lục Yên) đã có mặt ở hầu hết các trận đánh lớn trong Chiến dịch Nam Lào hay Lam Sơn 719.
Năm 1972, trên đường hành quân về đơn vị mới, ông bị trúng mìn và mất cả 2 tay. Sau đó, ông ra ngoài Bắc an dưỡng rồi tham gia một số nhiệm vụ khác. Đến năm 1979, ông được ra quân. Người khỏe mạnh mưu sinh còn gian nan, huống chi một bệnh binh nặng như ông mất đến 81% sức khỏe lại phải nuôi 5 người con.
Người xưa đã nói: "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", bản thân ông đã khó lại thêm khó khăn chung của đất nước thời kỳ ấy. Nhìn các con bữa ăn củ mài, bữa củ sắn thay cơm càng khiến ông day dứt. Không đầu hàng hoàn cảnh, ông đã cùng gia đình tích cực chăm lo phát triển kinh tế, tìm hướng đi để xóa đói giảm nghèo.
Ban đầu, từ chăn nuôi con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn rồi ông quyết tâm sử dụng chiếc cuốc, chiếc xẻng theo cách của người không có tay để khai khẩn đất hoang, tăng thêm diện tích trồng lúa. Ý chí và quyết tâm của người lính Cụ Hồ ấy phải đến những năm 1990 mới có được kết quả: có 6 sào ruộng để canh tác, đào được ao thả cá, chăn nuôi tuy không lớn nhưng đủ cho sinh hoạt gia đình. Ông làm được ngôi nhà sàn 4 gian vững chắc, hệ thống nền nhà, sân, vườn, ao, lối ra vào rồi các công trình phụ được xây kiên cố, vững chắc, sạch đẹp và các con được ăn học bằng bạn bằng bè.
Hiện nay, ông sống cùng gia đình người con trai út. Gia đình mở thêm một cửa hàng nhỏ làm dịch vụ xay xát lúa ngô, cung ứng vật tư nông nghiệp và nuôi lợn, mỗi năm tổng thu nhập không dưới 120 triệu đồng. Nguồn thu này có thể không thực sự lớn với nhiều hộ dân khác nhưng đối với một bệnh binh nặng, tuổi đã cao, sức đã yếu lại sinh sống ở mảnh đất vùng xa xôi còn nhiều khó khăn thì là một điều rất đáng trân trọng.
Những thành quả mà hai cựu chiến binh đạt được hôm nay là cả một quá trình phấn đấu cùng ý chí và nỗ lực vượt khó vươn lên. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Đó là bà Đặng Thị Tuất - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư phố Phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc - một khu dân cư nhiều năm qua luôn đạt danh hiệu tiên tiến.
YBĐT - Gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất khó, bằng ý chí và nghị lực không cam chịu đói nghèo, đến nay, anh Lê Cao Nguyên đã là chủ nhân của một mô hình kinh tế vườn rừng tổng hợp với mức thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động trong thôn.
YBĐT - “Năng động, nhiệt tình, chịu khó, ham học hỏi, làm kinh tế giỏi…” là những nhận xét của hội viên phụ nữ thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng về chị Tăng Thị Yên - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ làm kinh tế giỏi thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Bằng sự đam mê, sáng tạo, tâm huyết với công việc, 3 năm (2010 đến 2012), Thiếu tá Nguyễn Xuân Thủy liên tục được các cấp khen thưởng. Năm 2013, được công nhận danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở".