Nữ bí thư chi bộ năng động
- Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 10:12:35 AM
YBĐT - Là hội viên phụ nữ năng động và khéo léo, năm 1999, chị Đinh Thị Niêm, dân tộc Tày đã được bầu làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Yên Thuận, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên).
Với cương vị của mình, chị luôn gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế hộ gia đình, vận động chị em trong thôn đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau một thời gian phấn đấu, năm 2003, chị đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến năm 2007, chị tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Muốn dân tin tưởng và làm theo thì bản thân phải là người nói được, làm được, chị đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng về phương pháp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên báo cáo kịp thời những vấn đề vướng mắc tại cơ sở để Đảng ủy, chính quyền xã có biện pháp xử lý kịp thời. Đi đôi với công tác Đảng, chị đã cùng với 16 đảng viên trong Chi bộ và phối hợp với trưởng thôn vận động nhân dân thực hiện tốt các chỉ tiêu của xã giao về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Trăn trở phải làm cách nào để giúp dân thoát nghèo, chị đã tìm hiểu nguyên nhân và biết được các hộ dân nghèo vì đông con, nghèo vì thiếu vốn liếng, thiếu cây, con giống và thiếu kinh nghiệm, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua các buổi sinh hoạt, họp thôn, họp Chi bộ, chị đã tích cực tuyên truyền về việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3...
Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương, thấy người dân chưa có nơi để hội họp; đường đi lại chủ yếu men theo bờ ruộng, nhất là khó khăn cho các cháu học sinh đến trường, chị Niêm đã tổ chức họp Chi bộ và phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn bàn về việc mở đường và xây dựng nhà văn hóa. Đây là một trong những công việc khó khăn nhất ở thôn bởi quỹ đất để làm đường không có mà phải mở đường vào phần đất sản xuất của người dân ở cả ba thôn là Yên Thuận, Yên Thành và Yên Ninh.
Thôn Yên Thuận hiện có 103 hộ với 346 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào dân tộc Tày, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn đối với chị trong công tác tuyên truyền, vận động. Nhưng với sự nhiệt tình, năng động, chị đã cùng với Ban Công tác Mặt trận thôn tích cực vận động bà con. Sau một thời gian, hầu hết mọi người đều nhận thấy lợi ích của việc mở đường giao thông nên đồng tình ủng hộ. Nhân dân đã tự nguyện hiến và đổi đất được 4.000m2 để giải phóng mặt bằng, mở đường, trong đó gia đình chị hiến hơn 1 sào đất ruộng.
Chị Niêm cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện làm đường thì việc giải phóng mặt bằng là khó khăn nhất. Đây là năm đầu thôn được tiếp cận nguồn vốn của Chương trình 135. Người dân chưa thấy được lợi ích của việc mở đường mà mở đường lại bị mất ruộng nên người dân không đồng tình ủng hộ. Chi bộ đã họp, thống nhất và ra nghị quyết các đảng viên phải là người gương mẫu làm trước”.
Cùng với việc vận động hiến đất, đổi đất, chị Niêm vận động nhân dân tham gia đóng góp công, của và vật liệu bê tông hóa các tuyến đường liên thôn. Đến nay, tất cả các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa, đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới. Để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, năm 2013, chị cùng với cấp ủy, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn vận động bà con mở mới thêm 1km đường vào khu sản xuất và năm 2014 này cũng đã mở được 1km.
Gương mẫu, năng động, chị Niêm còn định hướng cho nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trong thôn đã có nhiều hộ làm kinh tế giỏi, có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm, điển hình như các gia đình: ông Lương Kim Loan, Đoàn Xuân Ngọc, Hà Ngọc Xuân, Hoàng Khắc Dực… Thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt gần 10 triệu đồng/năm, chỉ còn 14 hộ cận nghèo, 24 hộ nghèo.
Ông Nguyễn Gia Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh đánh giá: “Đồng chí Đinh Thị Niêm luôn tâm huyết, trách nhiệm trong các hoạt động, tập trung xây dựng Chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị của thôn vững mạnh. Hàng năm, Chi bộ thôn Yên Thuận đều đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Là một thôn đặc biệt khó khăn song dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, đặc biệt là đồng chí Bí thư Chi bộ thôn, Yên Thuận đã cơ bản xây dựng xong các tuyến đường, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế và làm giàu đã làm thay đổi diện mạo của xã Việt Cường (Trấn Yên). Những nông dân hay lam hay làm đã biến những đồi hoang đất trọc thành những trang trại kinh tế cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Cao Nguyên ở thôn Khe Nụ là một trong những điển hình như vậy.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên tại thôn Sơn Trung (xã Mai Sơn, huyện Lục Yên), chị Triệu Thị Minh Hiền, dân tộc Tày cũng như bao phụ nữ khác xây dựng gia đình, sinh con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chị vẫn một nắng hai sương miệt mài xoay đủ nghề làm thợ may, bán quần áo, bán hàng tạp hóa… để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, trong lòng chị vẫn nung nấu ý chí làm giàu.
YBĐT - Với tố chất đặc biệt và kiến thức sâu về pháp luật, ông Hà Đình Nghiêm đã được Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn mời tham gia Đoàn Hội thẩm của tòa án khi còn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh.
YBĐT- Là Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn Chính Quân, xã Liễu Đô (Lục Yên), không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hoàng Trung Miên, người dân tộc Nùng còn tích cực vận động nhân dân tham gia tốt các phong trào thi đua, góp phần đưa thôn trở thành đơn vị tiêu biểu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và là tấm gương người dân tộc thiểu số điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.