“Thủ lĩnh” ở Khá Hạ
- Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2014 | 9:21:32 AM
YBĐT - Là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Mường Lò, thuộc thôn Khá Hạ, xã Thanh Lương (Văn Chấn), ông Nguyễn Văn Gan được nhiều người biết đến không chỉ với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng mà còn là một “thủ lĩnh” người luôn đi đầu trong mọi hoạt động từ sản xuất, chăn nuôi đến tham gia các hoạt động chung của thôn bản.
Ông Nguyễn Văn Gan luôn đi đầu ở Khá Hạ trong phát triển kinh tế.
|
Theo chân anh Hà Văn Đoàn - Phó chủ tịch UBND xã, chúng tôi men theo con đường nội đồng vừa mới được mở rộng tiến vào thôn Khá Hạ. Nằm ngay ở đầu thôn, nếp nhà sàn bằng gỗ của gia đình ông Gan hiện ra cũng bình dị như bao ngôi nhà khác. Với dáng người đậm, nước da ngăm đen ông đón tiếp chúng tôi bằng giọng nói sang sảng: “Các anh chờ tôi có lâu không?”. Rồi không đợi trả lời, ông rót vội ly nước chiết xuất từ các loại rễ cây và nói: “Đang họp thôn để vận động nhân dân tham gia đóng góp làm đường mới. Nghe chừng ai cũng phấn khởi lắm. Đồng tình, ủng hộ hết”.
Kể về quá trình lập nghiệp, xây dựng cuộc sống, ông cho hay: Là gia đình thuần nông nên sau khi lập gia đình vào năm 1982, ông được xã cấp cho 4.000m2 ruộng. Nhà đông người, ruộng ít nên hàng năm ông tập trung vào gieo cấy những giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như: Chiêm Hương, Séng Cù. Cùng với đó, nhờ chủ động gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên năng suất bình quân đều tăng dần theo từng năm, đến nay đã đạt 12 tấn/ha.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Văn Đoàn hồ hởi thông tin thêm: “Không chỉ trồng lúa giỏi, bác Gan còn là một trong những người đầu tiên ở xã gây dựng phong trào trồng cây vụ 3 để cải thiện đời sống”.
Theo dòng câu chuyện, được biết, năm 1994, sau khi tham khảo qua các phương tiện thông tin cũng như được chính quyền vận động, ông Gan mạnh dạn bắt tay vào sản xuất vụ ba. Ông nhớ lại: Ban đầu bỡ ngỡ, mình còn mang cả thước đi đo để lên luống. Nhưng làm nhiều thành quen. Giờ cứ gặt xong, nhổ rạ, lên luống rồi ủ bầu, nhanh hơn rất nhiều”. Ông cho biết: “Ban đầu tôi trồng ngô nếp, bình quân trừ chi phí cũng được 20 triệu đồng. Nhưng 2-3 năm trở lại đây tôi chuyển sang trồng giống ngô tím lai F1, hiệu quả và giá trị kinh tế cũng đã được nâng lên”.
Ngoài thâm canh, tăng vụ, gia đình ông Gan còn phát triển thêm ngành nghề chăn nuôi để tăng thu nhập. Mặc dù không phải là hộ chăn nuôi qui mô lớn nhưng trong chuồng của ông lúc nào cũng duy trì 2-5 lợn nái. Cùng với đó, với cách nuôi mua nghé từ 1,5 tuổi trở lên, sau một năm chăm sóc mỗi con trâu của ông khi bán đi cũng cho lãi trên 20 triệu đồng. Ông bảo: “Nhà neo người, lại không có bãi chăn thả nên tôi không nuôi nhiều, chỉ 2 con thôi. Bán xong tôi lại lặn lội đi tìm nghé về nuôi”.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, ông Gan còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, từ chính mô hình làm vụ 3 và chăn nuôi của gia đình, nhiều người dân trong thôn đã tin tưởng, học hỏi và mạnh dạn làm theo cách của ông. Đến nay, diện tích cây trồng vụ ba của Khá Hạ đã được nâng lên 14ha, trong đó ngô đông 9,6ha, cá ruộng 3ha, còn lại là các loại rau màu khác. Bên cạnh đó, ông cùng với lãnh đạo thôn thường xuyên đến từng hộ gia đình vận động nhân dân tham gia xây dựng các chương trình xây dựng nông thôn mới như: đường giao thông nông thôn, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; duy trì và phát huy tốt phong trào tiếng loa truyền thanh học đêm…
Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm cũng như những nhiệt huyết, năng nổ “thủ lĩnh” Gan cùng với lãnh đạo thôn đã tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân Khá Hạ. Toàn thôn đã có 76/92 nhà tiêu hợp vệ sinh, 7 hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, 72% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đặc biệt năm nay dự kiến sẽ có 5 hộ thoát nghèo, đưa số hộ nghèo toàn thôn xuống còn 52 hộ.
Với những thành tích ấy, ông Nguyễn Văn Gan đã vinh dự được UBND xã giới thiệu đề nghị khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn lần thứ II - 2014 vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình. Đây thực sự là niềm vinh dự và là động lực để “thủ lĩnh” Gan tiếp tục cống hiến và đóng góp xây dựng quê hương trên con đường đổi mới.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Không thành công nào mà không có mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, điều này hoàn toàn đúng đối với Thái - một quân nhân có ba năm phục vụ tại ngũ thuộc một đơn vị thông tin thuộc Lữ đoàn 297, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân tại vùng hồ Thác Bà cách đây hơn mười năm trước.
YBĐT - Mong muốn làm giàu cho gia đình, cho xã hội và giúp đỡ các CCB, thương binh phát triển kinh tế vươn lên xoá đói giảm nghèo, nghị lực vượt khó của thương binh 4/4 Hoàng Văn Tinh, tổ 13, phương Yên Ninh, thành phố Yên Bái thực sự là một điển hình của địa phương.
YBĐT – Phát huy phẩm chất tốt đẹp của “bộ đội cụ Hồ”, những người lính năm xưa đã từng cống hiến xương máu để giành độc lập dân tộc nay tiếp tục là những cựu chiến binh gương mẫu, là tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước. Ông Lê Thành Đồng – bệnh binh 2/3 ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một điển hình như thế.
YBĐT - "Tôi nhận ra rằng, chỉ có kiên trì, cần cù trong lao động và biết tiếp nhận những thành quả của khoa học kỹ thuật thì làm gì cũng sẽ thành công" - Đó là lời tâm sự của thương binh Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân (Trấn Yên).