Chàng trai bắt đất "nhả vàng”
- Cập nhật: Thứ tư, 28/1/2015 | 5:05:31 PM
YBĐT - Đất Yên Bình - tôi đã nghe danh những người trẻ giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm, thực sự là những tấm gương tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương như: Hoàng Văn Hợp (xã Xuân Long) , Phương Đức Dũng (xã Xuân Lai) hay chàng trai đa tài Nguyễn Văn Thiệp với mô hình chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm ở xã Vũ Linh…
Vi Văn Nguyên đã phát triển được đàn trâu, bò gần 20 con.
|
Nhưng có lặn lội lên đỉnh núi Bản Lầu (xã Cảm Nhân), ngắm trang trại của Vi Văn Nguyên mới thấm thía một điều: nếu mà không có nghị lực và quyết tâm thì mơ ước vẫn chỉ là mơ ước…
Gác lại ước mơ được học hành lên cao khi mà điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, chàng trai trẻ dân tộc Tày Vi Văn Nguyên quyết tâm theo đuổi ước mơ lập nghiệp từ chính tiềm năng, thế mạnh đất rừng quê hương. Cùng cán bộ Đoàn xã thăm trang trại của anh trên núi Bản Lầu, mới hiểu quyết tâm lớn đến thế nào khi Nguyên chọn nơi rừng thiêng, nước độc này để gây dựng sự nghiệp, nuôi ước mơ thoát đói nghèo.
Nguyên kể, những ngày đầu lên núi, trồng ngô, cả vùng rừng này gần như hoang hóa. Anh và cha lần lũi đêm ngày đánh gốc bốc trà, phát nương tra ngô, trồng sắn. Đất núi màu mỡ, thấm mồ hôi và cả những giọt nước mắt mặn mòi, đắng chát của nhọc nhằn, thiếu thốn. Vụ ngô đầu tiên thắng lớn càng tiếp niềm tin để Nguyên vững tin bám trụ lại trên đỉnh non xanh này.
Theo Nguyên, ở vùng đất núi này, chẳng có cây gì cho hiệu quả hơn cây ngô. Khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên ngô cho năng suất rất cao. Ban đầu từ chỗ mượn đất đồi rừng bỏ hoang của anh em bạn bè để trồng cấy, sau cha con anh quyết tâm góp nhặt vốn liếng, mua rừng, ấp ủ dự định gây dựng trang trại trên núi. Mỗi năm mua thêm một, hai mảnh nương nhỏ, đến nay, trang trại của anh đã mở rộng tới 10ha. Anh dành ra từ 2 - 3ha để trồng rừng kinh tế, trồng sắn xen keo, bồ đề, xoan, còn phần lớn diện tích trồng ngô, trung bình cứ từ 30 - 35kg giống/vụ. Trừ chi phí và phục vụ chăn nuôi, mỗi năm, Nguyên cũng thu về một khoản ước chừng gần 100 triệu đồng.
Tham khảo một số mô hình phát triển kinh tế trang trại trong vùng, hai cha con anh dồn vốn đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Thất bại ban đầu đã lấy đi của Nguyên một số tiền không nhỏ, gần 70 triệu đồng, bù lại anh đã có thêm những kinh nghiệm “xương máu” để những lần đầu tư sau này luôn chắc chắn và thành công. Từ trâu mẹ đẻ trâu con, đến nay, đàn trâu, bò của gia đình Nguyên đã lên tới gần 20 con. Không những thế, với lợi thế đồi bãi chăn thả rộng rãi, thêm kinh nghiệm trong nuôi vỗ trâu, bò sinh sản, hai cha con anh còn chọn mua trâu, bò tốt vể để vỗ nái.
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, anh tiếp tục đầu tư chăn nuôi gà thả đồi mỗi lứa từ 500 - 700 con. Tổng thu từ chăn nuôi hàng năm mà chàng trai dân tộc Tày 33 tuổi này thu về đạt trên dưới 100 triệu đồng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho từ 15 - 20 lao động thời vụ ở địa phương. Về những dự định tiếp theo, Nguyên cho biết, sẽ đầu tư phát triển mạnh đàn trâu, bò; chăn nuôi gà thả vườn gắn với phát triển rừng trồng kinh tế; thử nghiệm trồng và nhân rộng diện tích cây ăn quả có múi trên diện tích đất đồi trồng ngô…
Núi Bản Lầu không còn là chốn rừng thiêng, nước độc khi mà nghị lực và khát khao chiến thắng đói nghèo của chàng trai trẻ Vi Văn Nguyên đã “hóa phép” biến nó trở nên trù phú và đưa anh trở thành triệu phú trẻ tuổi của xã Cảm Nhân. Tại Hội nghị tuyên dương đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi mới đây, Vi Văn Nguyên là một trong ba gương mặt đoàn viên thanh niên tiêu biểu của tỉnh Yên Bái vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Những ngày tháng 10 năm 2014, cái tên Phạm Thị Hà Thu - Hoa khôi Trường Đại học Luật Hà Nội đã xuất hiện khá nhiều trên các trang báo và mạng xã hội Facebook với nhiều lời khen ngợi và yêu mến. Hà Thu được biết đến không chỉ bởi là một nữ sinh dịu dàng, duyên dáng, luôn tự tin tỏa sáng trên sân khấu mà còn bởi em là một "bông hoa đẹp" đến từ núi rừng miền Tây Yên Bái.
YBĐT - Như bao người lính trở về từ những cuộc chiến tranh, trở lại với cuộc sống thời bình, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Mai ở thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) lại tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chiến tranh là bom đạn, chết chóc. Cuộc sống thời bình là cơm áo, gạo tiền. "Cuộc chiến" nào cũng cam go, khốc liệt. Không có ý chí, nghị lực thì thất bại là điều không thể tránh khỏi.
YBĐT - Những năm qua, dù ở cương vị nào ông Siều Ngọc Tân - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên đều quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm tới thôn 7 và thôn 11 với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Mông.
YBĐT - Anh Mùa A Chống - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Chử, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu được biết đến bởi sự nhiệt tình năng nổ luôn biết giúp đỡ mọi người dân trong bản.