Phúc ấm của người "một đời làm thầy”

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/2/2015 | 8:16:46 AM

YBĐT - Để vinh danh những người con của quê hương Yên Bái có những đóng góp trên mọi miền Tổ quốc, Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II năm 2014 diễn ra vào đầu tháng 12 có mời một số đại biểu danh dự là người Yên Bái có học vị từ tiến sĩ trở lên.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp gỡ hai chị em tiến sĩ Hà Thị Hải Yến và Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Sơn cùng chú ruột là nhà văn Hà Lâm Kỳ (bìa trái) tại Hà Nội, ngày 1/9/2003.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp gỡ hai chị em tiến sĩ Hà Thị Hải Yến và Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Sơn cùng chú ruột là nhà văn Hà Lâm Kỳ (bìa trái) tại Hà Nội, ngày 1/9/2003.

Trong 6 đại biểu được mời hôm ấy, có tiến sĩ Hà Thị Hải Yến và Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Sơn là chị em ruột trong một gia đình người Tày hiếu học. Đại hội kết thúc, tiến sĩ Hà Thị Hải Yến trở lại với công việc tại Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc và Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Minh Sơn tiếp tục trở lại với giảng đường của Học viện Tài chính Hà Nội. Họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người và thúc giục chúng tôi tìm đến những gia đình hiếu học như thế. Chẳng mất nhiều công dò tìm địa chỉ của hai chị em tiến sĩ ấy vì người cha của họ chính là Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định, một người có công lớn đối với nền giáo dục tỉnh nhà, đặc biệt với nhiều thế hệ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái.

Trời vẫn còn vương vấn tiết đông, Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định đứng bên hiên nhà đón khách. Đã sang tuổi 75, sức ông không còn khỏe, mắt đã kém đi nhiều. “Ai vậy nhỉ? Mắt tôi độ này kém quá rồi!” - ông đáp lại lời chào của tôi bằng giọng chậm rãi. “Dạ, em là phóng viên Báo Yên Bái. Hôm qua, em đã điện thoại cho thầy và muốn viết một bài về gia đình mình ạ!”. Ông cười đôn hậu: “Có gì lớn đâu anh...”.

Trước khi gặp ông, mấy người quen dặn trước tôi rằng: “Thầy Định khiêm nhường lắm nên phải cố gắng thuyết phục! Hơn nữa, thầy ít nói nên phải lựa hỏi mới đủ tư liệu viết bài”.

Tôi tiếp tục câu chuyện của mình và ông cũng vào chuyện một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, gần gũi. “Vùng quê Đại Lịch của chúng tôi nghèo nên mọi người đều muốn học tập tốt để vươn lên. Có lẽ nhờ thế mà vùng đất của người Tày Đại Lịch trở thành vùng đất hiếu học. Anh em chúng tôi, dòng họ nhà tôi có may mắn hơn vì cha ông tham gia cách mạng rất sớm. Cha tôi Hà Văn Đê từng là Phó chủ tịch ủy ban Kháng chiến xã Đại Lịch, sau này là Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn nên các cụ đều hướng cho các con, các cháu học hành. Tôi thì có khác hơn. Vì là trai trưởng trong nhà nên ngay từ khi mới lớn, tôi đã tự ý thức được rằng, mình phải là trụ cột để lo cho cha mẹ, lo cho gia đình, lo cho các em, các cháu. Tâm niệm này đã giúp tôi có ý chí vượt khó vươn lên, giữ cho tâm trong sáng nên dù hoàn cảnh có khó khăn, thiếu thốn đến mấy nhưng nghe lời chỉ bảo của tôi, các em, các cháu, các con đều chăm ngoan và học hành tiến bộ. Chắc cũng vì thế mà em tôi - nhà văn Hà Lâm Kỳ gọi tôi là “hiệu trưởng” có công gây dựng “nhà trường” của cả họ tộc".

Theo thống kê sơ bộ, dòng tộc của Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định có đến mười mấy người làm nghề giáo, trong đó có 2 phó giáo sư - tiến sĩ, 3 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, có 2 Nhà giáo ưu tú, 1 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và có 4 người là hiệu trưởng. Riêng cử nhân thì rất nhiều vì năm nào dòng tộc cũng có vài cháu thi đỗ đại học, đặc biệt số người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ trở lên sẽ còn tăng vì nhiều người đang nghiên cứu làm luận văn, luận án. Thế nhưng chính người "hiệu trưởng" của dòng tộc này lại mới chỉ có tấm bằng đại học sư phạm chuyên ngành Triết học vì năm 1975, ông đã lỡ việc đi Liên Xô bảo vệ khóa luận tiến sĩ triết học.

 Lý do là đúng thời điểm ấy, ông được cấp trên điều động vào Sài Gòn giảng dạy các lớp cải huấn cho trí thức chế độ cũ. Thời gian này, ông còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Văn khoa và Đại học Vạn Hạnh.

Với tấm lòng say nghề, giữ nghiệp mà nhiều thế hệ học sinh của ông ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường 10+3 (Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái hiện nay), đặc biệt là Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh đã là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; rất nhiều em giữ các trọng trách ở tỉnh, huyện, các ngành; là đại biểu Quốc hội, bộ đội, công an, bác sĩ, nhà khoa học...

Riêng các con trai, con gái, con dâu, con rể của ông cả thảy 10 người đều là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và 10 cháu nội, ngoại học rất giỏi. Vừa mới đây, cháu ngoại Hoàng Thị Hạnh của ông đã tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của Học viện Tài chính Hà Nội. Bản thân ông là một tấm gương mẫu mực dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong, tiếp nối truyền thống của cả một dòng họ cách mạng, dòng tộc hiển vinh và gia đình, con cháu thành đạt. Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định là một trong những đại biểu ưu tú được đi dự Đại hội biểu dương các gia đình, dòng họ hiếu học toàn quốc lần thứ III năm 2013. Đặc biệt, ông còn là một trong số ít đại biểu dự Đại hội được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời đến Phủ Chủ tịch gặp gỡ và tặng quà.

Nói đến đây, bất giác tôi lại chợt nhớ đến một câu thơ trong “Truyện Kiều” bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du: "Một cây cù mộc, một sân quế hòe". "Sân quế" ở đây là sân trồng cây quế. Chuyện kể đời Ngũ Đại (Trung Quốc), Đậu Quân làm quan Gián nghị Đại phu, rước danh nho về nhà để dạy cho những học trò nghèo. Ông là vị quan rất nhân hậu, nổi tiếng gần xa nên kẻ sĩ bốn phương hay đến nhờ vả. Ai có thực tài đều được ông tiến cử với triều đình. Ông ở tại Yên Sơn nên người đương thời cũng thường gọi ông là Đậu Yên Sơn, không gọi tên thật để tỏ ý kính trọng. Đậu Quân có năm người con trai kế tiếp nhau đỗ đạt cao, bước đường công danh hiển hách, được người đời xưng tụng là “Yên Sơn Đậu thị ngũ Long” (Năm con Rồng họ Đậu ở Yên Sơn). Người đời sau nói: “Đậu Quân biết dạy đạo đức cho năm đứa con nên chúng giống như năm cành quế vậy”. "Sân quế hòe" vì thế thường được chỉ con cái làm nên, đông đảo và hiển đạt.

Tôi trộm nghĩ, phúc ấm của người "một đời làm thầy" như Nhà giáo ưu tú Hà Văn Định có lẽ chính là đây. 

Lê Phiên
Xuân Ất Mùi 2015

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục