Khát vọng làm giàu của một nữ thanh niên
- Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2015 | 2:56:53 PM
YBĐT - Đó là Triệu Thị Mùi Mấy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Yên Bái, Chi hội Phó Chi hội Phụ nữ thôn Minh Long, xã Tuy Lộc và hiện tại đang là nhóm trưởng của nhóm hộ có mô hình sản xuất nấm sò và nấm nhĩ.
Triệu Thị Mùi Mấy chăm sóc nấm.
|
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, cô gái người Dao Triệu Thị Mùi Mấy nhưng năm 2009, bởi bén duyên với anh chàng lái xe tải chất phác, thật thà Trần Huy Sơn nên Mấy kết hôn và theo chồng về Tuy Lộc. Cuộc sống mới với chồng chất những khó khăn đã mở ra trước mắt cô dâu trẻ. Nhưng vốn là người mạnh bạo, Mấy nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới. Bà con trong xóm, trong thôn rồi trong xã biết đến Mấy- một cô bé hiền lành, nhanh nhẹn, tháo vát và có giọng hát rất hay.
Với bản lĩnh và nghị lực của tuổi trẻ, lại được bà con chòm xóm giúp đỡ đưa vào các đoàn thể như Hội Phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, Mấy nuôi ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thoát khỏi đói nghèo. Có bộ khung xe thồ của em cô cho, Mấy vay mượn sắm thêm săm, vành, lốp về lắp vào rồi theo các bà, các chị nhập rau củ ra chợ bán. Rồi Mấy tập trung trồng rau củ rồi trồng ớt theo dự án trồng ớt xuất khẩu của thành phố, cuộc sống đã dần bớt khó khăn hơn.
Mấy bảo: “Năm 2010, 2011 là thời điểm toàn xã Tuy Lộc đang rầm rộ phong trào xây dựng nông thôn mới. Các mô hình phát triển kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều. Nhìn thấy người người, nhà nhà đua nhau làm giàu, em cũng hăm hở lắm. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chỉ huy động anh em, bạn bè và gia đình bên ngoại cho vay được ít vốn, em xin được góp vào tổ hợp sản xuất nấm thực phẩm của bà Vũ Thị Chay vừa để có thêm thu nhập, vừa để học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn một năm tham gia vào tổ hợp, nhận thấy mô hình trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Xác định đây là cách tốt nhất để thoát nghèo nên em rất háo hức muốn làm”.
Niềm đam mê, khao khát vươn lên làm giàu không ngừng thôi thúc Mấy. Mấy đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng của mình đến Chi hội Phụ nữ, Đoàn xã với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các đoàn thể. Và rồi, năm 2012 Mấy đã nhận được 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp trẻ của Tỉnh đoàn Yên Bái, một nồi hấp bịch nấm từ chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Yên Bái, 5 triệu từ nguồn vốn 120 của Hội Phụ nữ. Có được sự hỗ trợ này, Mấy đã đầu tư lập nên một nhóm hộ sản xuất nấm sò và nấm nhĩ, thu hút bốn thành viên tham gia. Hoạt động chung của nhóm trong cả quá trình sản xuất nấm gồm các khâu: tập kết nguyên vật liệu (mùn cưa, túi nilon); ủ mùn cưa; đóng bịch; hấp bịch nấm. Sau đó mỗi hộ nhận về số bịch theo khả năng, công suất lán của từng hộ để ươm giống.
Với diện tích lán trại khoảng 100m2, hộ của Mấy treo được khoảng 6.000 bịch mỗi lượt. Vụ mùa trồng nấm thường bắt đầu từ tháng bảy, tháng tám dương lịch năm nay đến tháng tư năm sau. Số lượt đóng bịch, ươm giống còn tùy thuộc vào đặc điểm sinh trưởng và phát triển của từng loại nấm. Nếu chăm sóc đúng cách, mỗi bịch nấm sẽ cho thu hái một tuần một lần, mỗi đợt 20 đến 25 ngày và quá trình thu hái sẽ kéo dài đến 2- 3 tháng. Mỗi lượt thu hái, một bịch nấm sò cho khoảng 400g nấm tươi, còn nấm nhĩ cho khoảng từ 70g đến 140g nấm khô tương đương với từ 350g đến 500g nấm nhĩ tươi.
Với giá bán giao buôn ra thị trường là 25.000đ/1kg nấm sò, 130.000đ/1kg nấm nhĩ khô thì tính sơ mỗi đợt Mấy cũng thu về ngót nghét 5 triệu đồng. Chẳng vậy mà năm đầu tiên sản xuất theo nhóm hộ của mình, Mấy đã trang trải được hết nợ nần lại có tiền xây được 2 gian nhà mới. Việc trồng nấm tưởng chừng như đơn giản, song đó là thành quả mà bản thân Mấy cũng như những người làm nghề trồng nấm đã phải bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết thậm chí là cả nước mắt mới có được.
Mấy tâm sự: “Nấm là loại thực phẩm dễ trồng nhưng lại rất khó chăm sóc. Chỉ cần sơ xuất một chút là bao công sức đổ sông đổ bể cả chị ạ! Năm vừa rồi chúng em đã được một bài học từ sự sơ xuất ấy đấy! Thường thì chúng em vẫn đặt mua mùn cưa ở một xưởng chế biến gỗ quen biết nên chủ quan. Trong đợt đặt bầu cuối vụ vừa rồi số mùn cưa mua về bị lẫn mùn cưa có chứa tinh dầu mà chúng em không biết nên toàn bộ số bầu nấm đã ươm giống đều bị hỏng hết. Nhìn cả lán phủ toàn một màu đen mà buồn lắm. Tiếc của, tiếc công chỉ là một phần, quan trọng là thất bại từ những sơ xuất không đáng có của mình mới là điều đáng tiếc nhất”.
Sau mỗi thất bại là một lần rút cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu chứ không vì thế mà từ bỏ, đó chính là tư tưởng của Mấy. Cả hai vụ nấm vừa rồi Mấy đều bị thất bại, rồi chồng không may bị tai nạn. Vừa không có doanh thu, vừa phải lo chạy chữa cho chồng nên Mấy lại rơi vào cảnh nợ nần song Mấy không hề nản lòng. Cô cho biết về kế hoạch mở rộng lán nấm trong vụ tới của mình. Mấy muốn sửa sang lại khu lán cho rộng rãi, láng lại nền cho sạch sẽ để phát triển thêm số bịch nấm. Mấy còn có ý tưởng làm thêm cả nấm linh chi - một loại nấm dược liệu rất có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện đang được thị trường ưa chuộng. Giờ đây, mơ ước lớn nhất của Mấy là được theo học một lớp nông lâm. Bởi theo cô, những kiến thức cơ bản nhất mà cô tiếp thu được từ việc học sẽ giúp cô hoàn thành cái khát vọng làm giàu lâu nay vẫn luôn sục sôi, cháy bỏng trong cô.
Nguyễn Thị Tâm
Các tin khác
YBĐT - Dù đã ở cái tuổi 69 nhưng ông Nguyễn Hữu Lưu ở tổ dân phố 12, phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) vẫn miệt mài lao động. Hiện nay, gia đình ông có một cơ sở vừa sản xuất gạch không nung, sản xuất chế biến gỗ rừng trồng mỗi năm cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng.
YBĐT - Xuất ngũ năm 1976, ông Hoàng Văn Tuất trở về với gia đình tại thôn Loong Se, xã Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) với thương tật hạng 1/4. Cuộc sống khó khăn cộng với nỗi đau thể xác nhiều khi ông tưởng chừng khó vượt qua nhưng với ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt lên tất cả, vươn lên làm giàu, xứng đáng với lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
YBĐT - Là một trong những cá nhân được UBND thành phố tặng giấy khen điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2010 - 2015, bà Nguyễn Thị Dịu, ở tổ 6 phường Hợp Minh là một trong những người thành công nhờ phát triển nghề trồng nấm đầu tiên ở thành phố Yên Bái.
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, thấm thía cái nghèo, cái lạc hậu của đồng bào mình nên khác với nhiều thanh niên trong bản, Vàng A Chay rất ham học hỏi. Từ áp dụng có hiệu quả kỹ thuật chăn nuôi gắn với khai thác tiềm năng đất đai hiện có, phù hợp với điều kiện kinh tế, nhân lực của gia đình, anh chẳng những thoát nghèo mà còn trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.